Doanh nghiệp phía Nam lần lượt xin chấm dứt '3 tại chỗ'
V.Dũng
(KTSG Online) - Sau một tháng thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” đến nay doanh nghiệp ở nhiều địa phương phía Nam đã lần lượt đề nghị với chính quyền về việc ngừng mô hình này. Bởi lẽ trong thời gian qua người lao động ở các doanh nghiệp đang hoạt động cũng yêu cầu chấm dứt lưu trú lại nơi làm việc.
Nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai xin chấm dứt phương án "3 tại chỗ" |
Công nhân đòi về nơi cư trú
Tối 5-8, UBND tỉnh Đồng Nai có công văn hỏa tốc về việc xử lý trường hợp doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đề nghị chấm dứt thực hiện các phương án “3 tại chỗ“ hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm". Bởi theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (DIZA), hiện nay một số doanh nghiệp trên địa bàn đề nghị chấm dứt thực hiện phương án trên, hoặc người lao động chủ động đề nghị chấm dứt việc lưu trú tại doanh nghiệp để về nơi cư trú.
Theo đó, UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các doanh nghiệp báo cáo với Sở LĐTBXH, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và lãnh đạo các địa phương nơi doanh nghiệp hoạt động. Nếu được chấp thuận, doanh nghiệp phải xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người lao động. Chỉ khi được UBND cấp huyện đồng ý tiếp nhận và có kết quả âm tính, người lao động mới được rời doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc chấm dứt thực hiện phương án “3 tại chỗ" hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm" chỉ thực hiện đối với những doanh nghiệp xét nghiệm không có trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Trường hợp qua xét nghiệm có dương tính, yêu cầu doanh nghiệp tuyệt đối không để người lao động tự ý rời doanh nghiệp và thực hiện nghiêm Công văn số 9052/UBND-KGVX ngày 1-8 của Chủ tịch UBND tỉnh.
Người đứng đầu doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật (để dịch lây lan sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự) nếu cho người lao động về mà không tuân thủ đầy đủ các quy định hoặc để người lao động tự ý rời khỏi doanh nghiệp nơi tạm trú về địa phương làm lây lan dịch bệnh.
Theo Ban quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai toàn tỉnh hiện có 1.117 doanh nghiệp tổ chức thực hiện "3 tại chỗ" với số lượng 129.451 công nhân; 6 doanh nghiệp thực hiện "1 cung đường 2 địa điểm" với số lượng 1.641 người; 9 doanh nghiệp thực hiện cả 2 phương án trên. |
Không chỉ ở Đồng Nai, mới đây UBND thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cũng đã đã có công văn gửi đến các doanh nghiệp trên địa bàn muốn tạm dừng hoạt động sản xuất kinh doanh theo phương án "3 tại chỗ". Hiện trên địa bàn thị xã Tân Uyên có khoảng 1.000 doanh nghiệp hoạt động theo phương án này.
Theo đó, UBND thị xã Tân Uyên đề nghị các doanh nghiệp muốn dừng hoạt động sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" phải tổ chức xét nghiệm Covid-19 cho tất cả người lao động trước khi đưa người lao động trở về nơi cư trú địa phương. Thị xã Tân Uyên yêu cầu tất cả công nhân phải có giấy xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2.
Trước thông tin này, Tỉnh ủy Bình Dương cũng yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc sản xuất “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến". Doanh nghiệp nào thực hiện đúng và tốt thì cho hoạt động, còn nơi nào không bảo đảm thì kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động. Địa phương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cần phối hợp với doanh nghiệp ngừng hoạt động tiến hành sàng lọc, bảo đảm đầu ra công nhân lao động “sạch Covid-19”, không để mang mầm bệnh trở về địa phương nơi cư trú.
Doanh nghiệp đề xuất phương án thay thế
Cũng không thể kiểm soát được rủi ro khi thực hiện 3 tại chỗ trong thời gian qua, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM cũng gửi văn bản cho Thủ tướng đề xuất đổi phương án hoạt động.
Theo văn bản này, giải pháp “3 tại chỗ” hay “1 cung đường - 2 điểm đến” chưa thể phát huy được ưu điểm do doanh nghiệp hạn chế về tài chính, nguồn lực. Phương án này không đạt được mục tiêu dập dịch mà cũng không thể kìm hãm được đà lây lan của dịch bệnh. Nếu vẫn áp dụng thì thời gian ngưng trệ các hoạt động kinh tế, sản xuất và lưu thông hàng hóa sẽ kéo dài một cách không xác định.
Nhiều doanh nghiệp đề xuất "2 tại chỗ" nếu đã tiêm vaccine cho nhân viên. Ảnh minh họa: VGP |
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đề xuất thực hiện “2 tại chỗ” với những nhà mày đã tiêm vaccine cho nhân viên. Mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng có kiến nghị thực hiện bộ quy tắc, hướng dẫn thực hiện “y tế tại chỗ”.
Cụ thể, các doanh nghiệp sẽ chủ động sử dụng tổ y tế, trạm y tế của nhà máy, công ty tự tổ chức xét nghiệm cho người lao động 2 lần/tháng. Mẫu xét nghiệm sẽ gửi cho cơ quan y tế và kết quả tự xét nghiệm của doanh nghiệp được áp dụng trong lưu thông và giao dịch. Khi lao động đã tiêm vaccine đầy đủ có thể nghĩ đến tổ chức theo hướng kiểm soát chặt việc đi - đến nhà máy của người lao động theo một cung đường trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối an toàn dịch bệnh.
“Thực tế, trong quá trình hoạt động có những sự cố khiến người lao động muốn về nhưng cơ chế như hiện nay lại rất khó khăn để giải quyết những trường hợp này. Vậy nên cần có cơ chế để cho doanh nghiệp thay đổi người lao động bằng quy trình chặt chẽ nhất có thể”, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đề nghị.
Xem thêm: lmth.ohc-iat-3-tud-mahc-nix-toul-nal-man-aihp-peihgn-hnaod/791913/nv.semitnogiaseht.www