Để ổn định sản xuất và tăng trưởng kinh tế, cần đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt là lao động thuộc các ngành mũi nhọn.
Nguy cơ doanh nghiệp đứt gãy sản xuất
Theo thông tin từ các thương nhân, do diễn biến căng thẳng của dịch bệnh COVID-19, hàng loạt doanh nghiệp đứng trước nguy cơ không đủ nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là các ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, điện tử, dệt may… do nguồn cung nguyên liệu bị đứt gãy, thiếu hụt trong thời gian tới.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam Nam (Vitas) Vũ Đức Giang, chuỗi cung ứng dệt may đang đối mặt với khó khăn lớn là chi phí tăng cao. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp bị đối tác thúc ép giao hàng bằng máy bay làm phát sinh chi phí. Bên cạnh đó, việc nhập khẩu nguyên liệu cũng không thuận lợi như trước, nguy cơ các doanh nghiệp phải "ăn đong" nguyên liệu có thể xảy ra.
Thông tin thêm về vấn đề này, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Vitas - chia sẻ: “Nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, vấn đề tắc nghẽn vận tải, tồn đọng hàng hóa, nguyên liệu tại cảng đặt nhiều doanh nghiệp dệt may trước nhiều bất ổn”.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cũng cho hay, hầu hết các tỉnh thành đã yêu cầu các doanh nghiệp chỉ được duy trì hoạt động khi đảm bảo điều kiện "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường – 2 địa điểm" để phòng, chống dịch bệnh lây lan vào các nhà máy, các khu công nghiệp, nhưng thực tế hiện nay chỉ có khoảng 30% các doanh nghiệp thủy sản tại các tỉnh thành phía Nam đảm bảo được điều kiện "3 tại chỗ", cũng gây ảnh hưởng đến tiến độ giao đơn hàng xuất khẩu.
Thông tin từ Hiệp hội Điều Việt Nam cũng cho biết: Đại dịch COVID-19 với diễn biến phức tạp, đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp của ngành chế biến, xuất khẩu hạt điều, nguy cơ gián đoạn nguồn cung cấp nhân điều của Việt Nam đang là nỗi lo lắng của nhiều nhà nhập khẩu trên thế giới...
Vaccine cho các ngành "đầu tàu" là giải pháp hữu hiệu
Theo Bộ Công Thương, kinh tế thế giới dự báo tiếp tục khởi sắc trở lại nhờ chiến lược tiêm chủng vaccine COVID-19 được thực hiện đồng loạt trên toàn thế giới, thương mại hàng hóa toàn cầu hồi phục nhanh.
Các nền kinh tế lớn của thế giới là Mỹ và EU mở cửa trở lại, thị trường tiêu dùng được phục hồi mạnh mẽ. Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, điện thoại di động, dệt may, da giày… sẽ tăng mạnh trở lại. Việc tận dụng cơ hội này của Việt Nam trong việc duy trì và giành được thêm các đơn hàng lớn để phục hồi sản xuất trong nước trong bối cảnh dịch bệnh trong thời gian tới là hết sức quan trọng.
Theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, hiện nay, ngành công nghiệp chế biến chế tạo với các mũi nhọn như dệt may, da giày, điện tử, máy tính; ngành chế biến thực phẩm mà dẫn đầu là nhóm hàng nông, lâm, thủy sản... đang là "điểm sáng" đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, cần được ưu tiên vaccine để tiêm cho người lao động thuộc tất cả các mắt xích trong chuỗi từ sản xuất đến vận chuyển, tiêu thụ.
PGS.TS Nguyễn Thường Lạng khẳng định: Chỉ khi 100% công nhân, lao động của các doanh nghiệp được tiêm chủng, thì các nhà máy, xí nghiệp, hợp tác xã mới có thể duy trì sản xuất, cung ứng sản phẩm cho xã hội.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia kinh tế cũng nhấn mạnh: Giải pháp bền vững, lâu dài nhất vẫn là đẩy nhanh tiến trình và quy mô tiêm vaccine cho người dân, đạt tỉ lệ 70-80% trong năm 2022.
Xem thêm: odl.051939-neirt-tahp-nohn-ium-et-hnik-hnagn-cac-ed-ueih-uuh-pahp-iaig-al-eniccav/et-hnik/nv.gnodoal