Xuân Nhi trong những ngày luyện tập tại nhà - Ảnh: NVCC
Trong những ngày giãn cách vì COVID-19, cơ hội thực hành sụt giảm, mỗi sinh viên nếu muốn giữ lửa nghề và chuyên môn thì phải nỗ lực bội phần.
Trần Vỹ Thái (Q.7, TP.HCM), sinh viên khoa âm nhạc Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, gần 2 tháng nay phải làm quen với cách luyện thanh qua máy tính thay vì đến trường tập 1 - 1 với thầy cô. Mỗi buổi, Thái được gửi một mã vào ứng dụng Google Meet, nơi có giáo viên nghe bạn hát để sửa những thiếu sót về kỹ thuật của học trò.
Bùi Xuân Nhi (Q.12, TP.HCM), sinh viên chuyên ngành thanh nhạc của Nhạc viện TP.HCM, phải thích nghi với chuyện học thanh nhạc online. Trung tâm mà Nhi đăng ký học thêm cũng chuyển sang tập trực tuyến cho học viên qua Zoom hoặc Google Meet.
Nhi tâm sự: "Lúc đầu, mình cũng hơi ngại luyện thanh online có hiệu quả. Một số show bị hủy, đồng nghĩa mất đi những dịp quý giá để mài giũa khả năng ca hát, trình diễn cho sinh viên như mình".
Nguyễn Trung Hiếu (TP Thủ Đức, TP.HCM), sinh viên khoa quản lý văn hóa nghệ thuật Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, chia sẻ đã lâu rồi không thể lên studio tập nhảy cùng đội nhóm chuyên biểu diễn chuyên nghiệp của mình. Để tránh "lụt nghề", mỗi ngày Hiếu vạch thời khóa biểu cho mình luyện vũ đạo tại nhà.
NSƯT - ThS Nguyễn Thị Ánh Tuyết, trưởng khoa âm nhạc Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, nhìn nhận chất lượng dạy online ngành nhạc chỉ ở mức cơ bản, không thể bằng trực tiếp. Tuy nhiên, mục đích lớn hơn của học online là giữ lửa cho học trò nên khoa vẫn chủ động kèm sinh viên qua phần mềm trực tuyến ở một số môn. Số khác buộc ngưng chờ qua dịch, như môn vũ đạo cần tập luyện tập thể, hay môn ký xướng âm yêu cầu sự tỉ mỉ từng chút...
TS Trương Đức Cường, hiệu trưởng Trường CĐ Mỹ thuật trang trí Đồng Nai, cho biết tùy đặc thù từng môn mà trường sẽ quyết định có cho học online hay không, nếu học sẽ chọn nội dung nào. Ví dụ các môn thiết kế trên máy tính, học online không khó khăn nhưng với các môn cần lấy số liệu chính xác như vẽ tay hay đo thân người thì khó lòng học "ảo".
Cũng có môn đòi hỏi phải có sẵn công cụ. Như môn làm gốm nếu không có xưởng, sinh viên chỉ học được các quy trình là chính. Ngược lại một số bạn có điều kiện, nhà có xưởng riêng, vẫn có thể kết nối trực tuyến với thầy cô. Qua camera, giảng viên sẽ hướng dẫn các bạn các kỹ thuật từ xoay bàn gốm đến trang trí sản phẩm...
Sáng tạo trong hoàn cảnh khó khăn
ThS Hồ Duy Trường, phụ trách khoa nghệ thuật Trường ĐH Văn Hiến, cho biết giảng viên khuyến khích sinh viên có thể tự sáng tạo những sản phẩm đàn hát đăng trên các kênh cá nhân như một cách thức để trải nghề.
"Mới đây, một sinh viên có cha mẹ đang ở tuyến đầu chống dịch sáng tác và tự trình bày một ca khúc về chung tay phòng chống COVID-19 được lượt xem khá tốt. Trong khó khăn, sinh viên hoàn toàn có khả năng chủ động sáng tạo thêm những hình thức mới để mài giũa thêm chuyên môn và kỹ năng của mình" - ông Trường nói.
TTO - Khảo sát mới nhất của Hãng bảo mật Kaspersky đối với học sinh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho kết quả khá thú vị khi tỉ lệ học sinh muốn học trực tuyến từ xa so với muốn đến trường học truyền thống không chênh lệch nhiều.
Xem thêm: mth.78200503260801202-neyut-curt-coh-ox-yaox-tauht-ehgn-hnagn-neiv-hnis/nv.ertiout