Thuộc nhóm ngành "nhạy cảm" nhất trong dịch Covid-19, từ năm ngoái đến nay, nhiều doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa trong lĩnh vực du lịch vẫn chưa tiếp cận hoặc chính thức nhận được chính sách hỗ trợ nào từ nhà nước.
Chờ gói vay lãi suất thấp
Ông Phạm Quý Huy, Giám đốc Công ty Kiwi Travel, cho biết sau nhiều đợt dịch bùng phát, hoạt động của công ty hiện đã "đóng băng" nhưng các khoản lãi vay ngân hàng (NH) vẫn phải trả đầy đủ. Dù đã liên lạc với NH cho vay sau khi nhận được thông tin NH sẽ giảm lãi suất các khoản vay hiện hữu cho khách song đã vài tuần trôi qua, ông chưa nhận được phản hồi. Trong khi đó, công ty lại mới nhận được văn bản của cơ quan thuế yêu cầu kê khai đóng thuế GTGT quý II năm nay.
Chính sách hỗ trợ cần thiết thực để hạn chế tối đa doanh nghiệp nhỏ và vừa rút khỏi thị trường .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Theo nhận xét của ông Huy, các gói chính sách hỗ trợ có quá nhiều tiêu chí khiến DN du lịch không đáp ứng được và cần thiết có gói hỗ trợ thực tế hơn. Chẳng hạn, có thể triển khai gói hỗ trợ với thủ tục đơn giản, có thế chấp bằng tài sản bảo đảm với lãi suất cực thấp từ 3%-4%/năm, thời gian vay trong 2-3 năm.
"Gói này có thể giao cho một vài NH thương mại triển khai, ưu tiên cho DN lữ hành, khách sạn nhằm giúp họ duy trì hoạt động, góp phần giải cứu ngành du lịch. Về điều kiện, có thể yêu cầu DN được vay vốn chuyển dòng tiền hoạt động về tài khoản NH cho vay. Như vậy, NH sẽ nắm rõ năng lực tài chính, việc sử dụng vốn vay có đúng mục đích, tiêu chí..." - ông Phạm Quý Huy nêu ý tưởng và kiến nghị giảm thuế suất thuế GTGT về 5%; miễn thuế thu nhập DN trong 1 năm...
Ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm G.C (G.C Food), hồ hởi khoe vừa được 2 NH cho vay là VietinBank và BIDV thông báo giảm lãi vay lần lượt 0,5 và 0,7 điểm phần trăm/năm. Như vậy, khoản tiền đóng lãi hằng tháng của DN này giảm gần 30 triệu đồng, rất có ý nghĩa trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh. Tuy nhiên, DN đang thực hiện mô hình "3 tại chỗ" với nhiều chi phí phát sinh song công suất sản xuất chỉ đạt 50% so với bình thường. Chưa kể, chi phí vận chuyển cũng đội lên đáng kể trong bối cảnh giãn cách nhưng giá bán vẫn như cũ nên DN không có lãi. "Chúng tôi cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ như giảm tiền điện sản xuất, hoãn nộp thuế GTGT từ 6-12 tháng để có dòng tiền làm vốn lưu động, bởi thực tế hiện nay, công nợ kéo dài hơn trước rất nhiều" - ông Thứ bày tỏ.
Ông Đỗ Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thanh, cũng phản ánh DN gần như không có nguồn thu song vẫn phải trả lương để giữ chân nhân viên. Lo lắng sau khi hết dịch, DN có thể cần đến cả năm để phục hồi sản xuất - kinh doanh, ông Minh kiến nghị nhà nước miễn, giảm thuế cho DN ít nhất 1 quý kể từ khi DN hoạt động trở lại bên cạnh việc miễn, giảm các loại thuế, phí trong giai đoạn giãn cách xã hội.
Cần giải pháp thực thi ngay
Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, dù lãi suất cho vay đã giảm nhiều so với những năm trước nhưng trong bối cảnh tác động nặng nề của đại dịch khiến DN suy kiệt, cần thiết có thêm gói hỗ trợ đặc biệt cho khu vực DN nhỏ và vừa.
Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, DN nhỏ và vừa là đối tượng dễ bị tổn thương nhất nên chính sách hỗ trợ cần mạnh hơn nữa. TS Lực đề xuất nghiên cứu gói hỗ trợ lãi suất cho khu vực này từ ngân sách nhà nước với quy mô khoảng 50.000-60.000 tỉ đồng; lãi suất cho vay khoảng 3%-4%/năm; thời hạn hỗ trợ lãi suất là 1 năm; thực hiện có trọng tâm, trọng điểm với một số lĩnh vực, ngành nghề, địa phương.
"Giả sử lãi suất cho vay NH khoảng 7%-8%/năm thì DN chỉ phải trả lãi 3%-4%/năm, còn lại ngân sách cấp bù. Nếu NH cố gắng giảm thêm được 1 điểm phần trăm/năm cho DN, lãi suất ngân sách cấp bù giảm còn khoảng 3%/năm. Với gói tín dụng này, ngân sách hỗ trợ ước khoảng 2.000 tỉ đồng, con số không quá lớn nhưng sẽ rất có lợi cho khối DN nhỏ và vừa. Thông qua đó, DN được tăng khả năng tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi để vượt qua cú sốc về dòng tiền, thanh khoản…" - TS Cấn Văn Lực phân tích và cho hay nhiều nước trên thế giới đã triển khai chính sách này.
Chuyên gia này cũng cho rằng tùy vào diễn biến tình hình dịch bệnh, nhà nước có thể nâng quy mô gói hỗ trợ hoặc kéo dài thời gian triển khai phù hợp với nguồn lực ngân sách. Đồng thời, lưu ý gói tín dụng cho DN nhỏ và vừa phải đến đúng đối tượng cần được hỗ trợ, đặc biệt khu vực vận tải, du lịch... hiện đang gần như mất thanh khoản.
TS Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhấn mạnh tính khẩn cấp của các gói hỗ trợ trong tình hình hiện nay. "Chúng ta không còn nhiều thời gian bàn giải pháp mà phải có giải pháp thực thi ngay. Các đối tượng thụ hưởng chính sách mới cần được xem xét công bằng hơn, các gói hỗ trợ cũng phải tiếp cận theo hướng công bằng và tiêu chí dễ dàng, như thế mới thực sự thiết thực cho DN" - Phó Viện trưởng CIEM nêu quan điểm.
Về triển khai cụ thể, ông Phan Đức Hiếu cho rằng cần phân loại đối tượng cụ thể và điều kiện của gói hỗ trợ không nên đi ngược lại nỗ lực của DN. Theo đó, phải ghi nhận, hỗ trợ các DN đang tiếp tục duy trì, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh chứ không chỉ quan tâm đến DN phá sản, ngừng kinh doanh. Có những DN ngay cả khi được hỗ trợ vẫn không thể tồn tại được và rút lui khỏi thị trường thì nguồn lực của Chính phủ sẽ lãng phí, do đó, phải ưu tiên hỗ trợ DN có khả năng phục hồi. "Nếu mạnh dạn giảm thuế, hỗ trợ chi phí phòng chống dịch cho DN thì sẽ công bằng hơn cho các DN đang tiếp tục trụ vững trong dịch" - ông Hiếu nói thêm.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-8
Tiểu thương mong được vay vốn không lãi suất
Bà Đặng Thị Nguyệt, chủ hộ kinh doanh tại chợ Bình Tây (TP HCM), than thở khi nhiều mặt hàng chế biến phải bán tháo hoặc đem cho, tặng sau khi có quy định đóng cửa, ngừng mọi hoạt động kinh doanh tại chợ. "Cả tháng qua không có lời lãi gì, vốn bị thâm hụt dần. Tôi cùng nhiều hộ kinh doanh ở chợ rất mong chính sách hỗ trợ của nhà nước, địa phương để phục hồi buôn bán sau dịch" - bà Nguyệt nói.
Ông Huỳnh Ngọc Lâm, chủ lò bánh phở ở huyện Bình Chánh (TP HCM), cho biết vừa hùn vốn với người bạn để mở lò sản xuất được gần 2 năm qua, chưa kịp hoàn vốn thì liên tiếp phải chống chọi với dịch Covid-19. "Chi phí mặt bằng, lương thợ… mỗi tháng không hề nhỏ, chúng tôi phải vay mượn thêm vốn ngân hàng, nợ chồng lên nợ. Mong thành phố sớm có chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất nhỏ vay vốn ngắn hạn không lãi suất để tái khởi động sản xuất sau giai đoạn giãn cách xã hội" - ông Lâm bày tỏ.
Cảng, hải quan hỗ trợ DN xuất nhập khẩu
Từ hôm nay (7-8), Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (Tân Cảng Sài Gòn) sẽ triển khai song song các nhóm giải pháp hỗ trợ cho DN, gồm: giải pháp tăng tốc giải phóng container nhập ra khỏi cảng, giải pháp tăng năng lực bãi chứa hàng trong cảng và ngoài cảng, giải pháp giảm lượng hàng nhập khẩu có thể bị tồn lâu.
Trong đó, đối với container hàng nhập đang tồn bãi tại cảng Cát Lái (TP Thủ Đức), khách hàng làm thủ tục nhận hàng hoặc chuyển cảng đích sẽ được miễn phí vận chuyển và phí nâng hạ hai đầu. Trường hợp khách hàng đăng ký dịch vụ chuyển cảng do Tân Cảng Sài Gòn cung cấp đối với container hàng khô thông thường tồn bãi trên 15 ngày tính tới thời điểm đăng ký, sẽ được miễn phí vận chuyển và nâng hạ hai đầu về 1 trong 4 cơ sở cảng/ICD thuộc Tân Cảng Sài Gòn.
Với hàng nhập khẩu tồn lâu, Tân Cảng Sài Gòn miễn phí giao nguyên container cho khách; miễn phí lưu bãi; miễn phí 24 giờ vận hành container lạnh và hỗ trợ nhiều thủ tục khác.
Cục Hải quan TP HCM cũng vừa thành lập Tổ phản ứng nhanh hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 (Tổ 1080) và Tổ thường trực chống ùn tắc hàng hóa tại cửa khẩu (Tổ 1081).
Tổ 1080 có nhiệm vụ chỉ đạo tổng thể các chương trình, giải pháp nhằm duy trì thông suốt hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, khai thông hàng hóa tại cảng trong thời gian ảnh hưởng của dịch Covid-19 tại Cục Hải quan TP. Đầu mối tiếp nhận, xử lý vướng mắc của các cơ quan, DN là ông Hoàng Hữu Trường, Trưởng Phòng Thanh tra - Kiểm tra, điện thoại: 090 7725991.
Tổ 1081 có nhiệm vụ phối hợp với các đơn vị triển khai có hiệu quả các chương trình, giải pháp tạo thuận lợi thương mại đã ban hành nhằm duy trì thông suốt hoạt động quản lý nhà nước về hải quan, khai thông hàng hóa tại các cửa khẩu và ngoài cửa khẩu thuộc phạm vi quản lý của Cục Hải quan TP.