Hãng thông tấn Kyodo News đưa tin Mỹ và Nhật tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) ngày 6-8 đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông, nơi Trung Quốc đang ráo riết thúc đẩy yêu sách chủ quyền lãnh thổ phi pháp.
Căng thẳng Mỹ-Trung đã phủ bóng khắp sự kiện này, với việc ông Blinken kêu gọi Bắc Kinh "tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật biển quốc và chấm dứt hành vi khiêu khích ở Biển Đông".
Nhà ngoại giao Mỹ cũng nêu bật "những quan ngại nghiêm trọng" về những cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương cũng như tại Hong Kong và Tây Tạng.
Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi. Ảnh: KYODO
Liên quan tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi tuyên bố rằng những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đang "tiếp tục và ngày càng gia tăng". Đây được xem như một lời chỉ trích ngầm đối với sự quyết đoán của Bắc Kinh tại khu vực.
"Nhật phản đối mạnh mẽ điều này" – ông Motegi nói trong thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật.
Cũng tại sự kiện trên, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm 6-8 chỉ trích “sự can thiệp của nước ngoài” vào vấn đề Biển Đông, đồng thời gọi tình hình tại khu vực “nhìn chung ổn định”, đài CGTN - trực thuộc đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) – đưa tin.
Ông Vương cho biết "Trung Quốc sẽ hợp tác hơn nữa với các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - dựa trên Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) - để đạt được Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả và vững chắc trong khu vực, đáp ứng các quy định quốc tế".
Nhà ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng “những ai lạm dụng quyền tự do hàng hải và có những hành động khiêu khích các nước có chủ quyền dọc Biển Đông sẽ hoàn toàn bị các nước liên quan phản đối”.
Theo Kyodo News, ông Vương tại sự kiện hôm 6-8 đã đưa ra phát ngôn nhằm vào Mỹ liên quan việc Washington theo đuổi cam kết với các quốc gia Đông Nam Á như một cách để tăng cường hỗ trợ quốc tế nhằm chống lại sự trỗi dậy của Trung Quốc.
"Không nên có thêm 'giảng viên' hay 'vị cứu tinh'. Vận mệnh của mỗi quốc gia nên nằm trong tay chính các quốc gia đó, và tương lai của khu vực nên được tất cả các quốc gia trong khu vực tạo ra" - ông Vương nói.
Bắc Kinh thường xuyên điều các tàu đến vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku (cách Nhật gọi) / Điếu Ngư (cách Trung Quốc gọi). Bắc Kinh cũng xây dựng phi pháp các đảo nhân tạo với cơ sở hạ tầng quân sự ở Biển Đông, yêu sách chủ quyền đối với gần như toàn bộ khu vực này.
Các tàu chiến của Mỹ đã thực hiện các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông với nỗ lực rõ ràng là nhằm chống lại các yêu sách và hành động của Trung Quốc tại khu vực này, một tuyến đường hàng hải chiến lược nơi hơn 1/3 thương mại toàn cầu đi qua.
ARF với 27 thành viên được coi là hội nghị chính trị và an ninh lớn nhất ở khu vực châu Á.
ARF có sự tham gia của 10 nước ASEAN, cùng một số nước khác như Nhật, Mỹ và Trung Quốc. Đây cũng là diễn đàn đa phương hiếm hoi có sự góp mặt của Triều Tiên.