Một người phụ nữ đưa chứng nhận y tế để kiểm tra trước khi vào quán ăn ở Rome, Ý - Ảnh: REUTERS
Đây là quy định trong chương trình gọi là "Thẻ xanh" (Green Pass), xem như "giấy thông hành" tại Ý để mở cửa kinh tế trong lúc vẫn mong kiểm soát đại dịch COVID-19, cũng như thúc giục người dân tiêm vắc xin.
"Thẻ xanh" vốn là hình thức mở rộng của chương trình chứng nhận COVID điện tử mà Liên minh châu Âu (EU) đang áp dụng.
Ngày 5-8, chính quyền Ý đã áp dụng quy định bắt buộc thẻ xanh đối với giáo viên, các hành khách trên phương tiện công cộng như chuyến bay nội địa, tàu thuyền, và các loại xe, tàu đường dài khác.
Hôm 6-8, chính phủ Ý đã chính thức ban hành thẻ xanh bắt buộc với nhà hàng, rạp chiếu phim, bảo tàng, và các môn thể thao trong nhà.
Thẻ xanh ở Ý đồng nghĩa giấy chứng nhận sức khỏe. Người có "thẻ xanh" này là người đã tiêm ít nhất một liều vắc xin, hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19 trong thời gian 6 tháng, hoặc xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trong vòng 48 giờ trước đó.
Dưới quy định mới này, nhân viên các trường học và đại học, cũng như sinh viên sẽ cần có thẻ xanh.
Truyền thông Ý cho biết những nhân viên không có thẻ xanh trong 5 ngày liên tục sẽ bị đình chỉ, tạm thời không trả lương.
AFP ngày 7-8 dẫn lời Bộ trưởng Giáo dục Ý Patrizio Bianchi nói tại một buổi họp báo rằng trên 86% nhân viên trường học đã tiêm phòng, và số lượng này có thể tiến gần tới mốc 90%.
Bộ trưởng Y tế Roberto Speranza trong khi đó kêu gọi các gia đình ở Ý tiêm phòng cho người trẻ trên 12 tuổi, và nói rằng thanh thiếu niên sẽ thuộc diện được xét nghiệm COVID-19 nhanh với giá ưu đãi.
Theo ông Speranza, thẻ xanh này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn số ca COVID-19 đang tăng ở Ý. Ông cũng kêu gọi người dân nhanh chóng tiêm phòng, và khẳng định "thẻ xanh" sẽ giúp tránh tình trạng đóng cửa, đồng thời bảo vệ cho sự tự do.
"Các số liệu đang rất khích lệ, với 70 triệu liều vắc xin đã được phân phối", ông Speranza nói.
Việc ép buộc tiêm phòng hay đưa ra các biện pháp làm khó đối với người không muốn tiêm là chủ đề gây tranh cãi.
AFP và EuroNews đều ghi nhận tình trạng biểu tình, phản đối các chính sách làm khó người không tiêm vắc xin của Ý.
Ý từng là một trong những nước đầu tiên hứng chịu làn sóng COVID-19 tồi tệ nhất vào năm 2020.
Hiện nay quốc gia này đang cố gắng điều chỉnh chính sách để mở cửa kinh tế và khuyến khích vắc xin.
Đối với người đã tiêm phòng, quy định cách ly cho trường hợp dương tính với virus hoặc tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 đã được giảm xuống còn 7 ngày, thay vì 10 ngày như trước đây.
Ý cũng là nước đầu tiên ở châu Âu ban hành quy định bắt buộc bác sĩ và nhân viên y tế (cả khu vực công lẫn tư) phải tiêm phòng, bằng không sẽ bị cấm làm việc trực tiếp với bệnh nhân.
AFP cho biết một nhóm 300 nhân viên y tế ở Ý đã kiện quy định này, đòi chính phủ phải đảo ngược quyết định.
TTO - Những người đã tiêm vắc xin Sinopharm, Sinovac của Trung Quốc, hay AstraZeneca và một số loại vắc xin COVID-19 khác sẽ được tính vào diện “đã tiêm” vắc xin COVID-19 tại Singapore từ ngày 10-8 tới.
Xem thêm: mth.49272541170801202-yab-yam-nel-na-id-coud-iom-91-divoc-nix-cav-meit-coub-y/nv.ertiout