Thu hoạch lúa ở Hậu Giang - Ảnh: CHÍ CÔNG
Sáng 8-7, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) họp trực tuyến về tình hình sản xuất, tiêu thụ lúa gạo tại ĐBSCL.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết dù Chính phủ có nhiều hội nghị, chỉ đạo tinh thần vừa chống dịch, vừa sản xuất để đạt "mục tiêu kép", tuy nhiên những ngày qua vẫn còn những ách tắc khiến dòng chảy sản xuất, vận chuyển, phân phối chưa thông suốt do các địa phương thực hiện giãn cách xã hội.
"Sau cuộc họp này, Thủ tướng sẽ chủ trì họp phòng chống dịch COVID-19, do đó các kiến nghị, giải pháp của các địa phương, doanh nghiệp tại cuộc họp này sẽ là thông tin để tôi đề xuất Chính phủ tháo gỡ kịp thời" - ông Hoan nói.
Trước việc lúa đầy đồng nhưng vắng thương lái, ông Hoan cho biết đại diện một số doanh nghiệp cho rằng cần có chính sách thu mua tạm trữ của Nhà nước để giải quyết ùn ứ.
"Tuy nhiên một số doanh nghiệp và địa phương không nhận định như vậy mà cho rằng mức độ này chưa cần thiết, chỉ cần Ngân hàng Nhà nước mở rộng gói tín dụng để doanh nghiệp tạm trữ. Nhiều doanh nghiệp mong muốn có nguồn vốn để thu mua cho bà con trong giai đoạn này" - ông Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết nhiều doanh nghiệp mong muốn có nguồn vốn để thu mua lúa gạo cho bà con nông dân - Ảnh: V.GIANG
Theo báo cáo của Bộ Công thương, giá lúa tại ĐBSCL trong tuần từ ngày 2-8 đến hôm nay 6-8, đầu tuần ổn định, giữa tuần giá lúa giảm từ 50 - 300 đồng/kg, sau đó cuối tuần tăng nhẹ.
Ví dụ, lúa IR50404 giá bán đầu tuần từ 4.400 đồng/kg, ổn định từ đầu tuần đến cuối tuần, giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900 - 1.300 đồng/kg. Giống Đài thơm 8: giá bán đầu tuần từ 5.600 - 5.800 đồng/kg, ổn định đến cuối tuần, thấp hơn cùng kỳ năm trước 300 - 500 đồng/kg...
Còn theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng/kg, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg; giá lúa thường tại kho tăng nhẹ 40 đồng/kg, do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã ngưng mua lúa.
Đối với tình hình thu mua lúa hè thu, Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT cho biết sản lượng thu mua sụt giảm 20-30%, trong khi đó doanh nghiệp không đủ khả năng thực hiện "3 tại chỗ". Sấy lúa, nhà máy xay, ghe… không hoạt động được do phải có test nhanh. Một phần doanh nghiệp đang thực hiện hợp đồng từ tồn kho, chưa mua cho hợp đồng mới.
Theo đánh giá của Tổ công tác 970, hiện tại giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do cung cầu mà do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng từ ngoài đồng đến nhà máy, giao ra cảng và lên tàu cho khách hàng.
"Các khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được" - Tổ công tác 970 cho biết.
Để giải quyết các vấn đề cấp bách trên, Tổ công tác 970 kiến nghị ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng trong chuỗi cung ứng: tài xế, ghe, sà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng,…
Các cơ quan chức năng nghiên cứu giải quyết thông thương cho hàng hóa và phương tiện vận tải lưu thông, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng và nghiên cứu hỗ trợ thuế, các khoản phí cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), xuất khẩu gạo trong 7 tháng đầu năm nay đạt gần 3,6 triệu tấn, trị giá 1,937 tỉ USD, giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
TTO - ĐBSCL đang bước vào thu hoạch rộ lúa hè thu năm 2021 nhưng hàng trăm ngàn tấn lúa vẫn chưa thể tiêu thụ được dù giá giảm mạnh, do vắng bóng thương lái bởi nhiều địa phương đang giãn cách xã hội.