Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: T.C.
Nghị quyết được ban hành chỉ một ngày sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội triệu tập cuộc họp bất thường, cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 (họp chiều 6-8).
Theo đó, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về việc ban hành nghị quyết để thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 theo nghị quyết số 30 của Quốc hội khóa XV.
Trong nghị quyết sẽ có nhiều nội dung về các giải pháp đặc thù, đặc cách, đặc biệt về phòng, chống dịch COVID-19. Trong đó có 4 nội dung khác với luật hiện hành, cụ thể:
Thứ nhất, quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động.
Thứ hai, giao Bộ Y tế được quy định các thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch.
Thứ ba, giao thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND tại kỳ họp gần nhất.
Thứ tư, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo hướng ngân sách nhà nước có trách nhiệm chi trả toàn bộ chi phí khám bệnh, chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị COVID-19.
Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 có các bệnh khác thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh này phải thực hiện theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Luật bảo hiểm y tế và các quy định khác có liên quan.
Ngoài 4 nội dung trên, dự thảo nghị quyết của Chính phủ đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt, đặc biệt, đặc thù trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.
Theo đó, chủ tịch UBND cấp tỉnh được chủ động quyết định áp dụng sớm hơn, cao hơn các giải pháp nêu trong các chỉ thị của Thủ tướng và các quy định của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quốc gia nhưng không được chậm hơn, thấp hơn quy định tại các văn bản trên.
Trong đó, được chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi địa phương.
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh thực hiện "ngoại giao vắc xin" bằng mọi biện pháp, thúc đẩy viện trợ, mua, nhập khẩu vắc xin.
Bộ Y tế kịp thời phân bổ vắc xin cho các tỉnh, thành phố có nhiều người nhiễm, tình hình dịch phức tạp, lây lan nhanh, các đô thị lớn, đông dân cư, tập trung nhiều khu công nghiệp, công nhân.
Trường hợp cần thiết, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế điều chỉnh, phân bổ. UBND cấp tỉnh quyết định các đối tượng tiêm tùy theo tình hình địa phương. Huy động mọi lực lượng y tế nhà nước và tư nhân triển khai chiến dịch tiêm vắc xin. Tăng cường tìm kiếm và khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cùng với địa phương chủ động tìm kiếm nguồn và mua vắc xin, thuốc điều trị COVID-19.
Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ hiệu quả, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, tổ chức thử lâm sàng, sản xuất vắc xin, thuốc điều trị COVID-19 và trang thiết bị, vật tư y tế trong nước.
Bảo đảm an sinh xã hội, thường xuyên rà soát, cập nhật, không bỏ sót đối tượng cần cứu trợ, không để ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, bám sát tình hình và yêu cầu thực tế để tiếp tục mở rộng các đối tượng được trợ cấp khi gặp khó khăn, giảm tối đa các thủ tục hành chính để cứu trợ kịp thời cho nhân dân.
Các bộ, ngành, địa phương quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch bảo đảm minh bạch, hiệu quả, hạn chế tối đa lãng phí, không để xảy ra tiêu cực. Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc mua sắm phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch trong trường hợp đặc biệt quy định tại Luật đấu thầu.
TTO - Trong tối nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cùng Chính phủ hoàn tất các thủ tục cần thiết để ban hành sớm nhất nghị quyết của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.