Nợ trong lĩnh vực bất động sản tiếp tục tăng lên
V.Dũng
(KTSG Online) - Công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản quí 2, Bộ Xây dựng cho biết nợ vay bất động sản tính đến cuối tháng 6 tăng nhẹ so với thời điểm cuối tháng 3. Phần lớn trong đó là các khoản nợ liên quan đến các dự án khu đô thị, đầu tư kinh doanh bất động sản, trái phiếu...
Khối nợ hàng trăm ngàn tỉ đồng trong lĩnh vực bất động sản đang tăng lên trong 6 tháng đầu năm. Ảnh minh họa: Lê Quân |
Cụ thể, dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 30-6, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 672.224 tỉ đồng (trong khi tính đến 31-3 là 661.112 tỉ đồng).
Đứng thứ ba và thứ tư lần lượt là dư nợ tín dụng đối với các dự án văn phòng cho thuê đạt 54.946 tỉ đồng, chiếm 8,2% và dư nợ tín dụng đối với các dự án nhà hàng, khách sạn đạt 53.582 tỉ đồng, chiếm 8%. Dư nợ tín dụng đối với cho vay mua quyền sử dụng đất xếp sau khi đạt 53.164 tỉ đồng, chiếm 7,9%.
Về tình hình phát hành trái phiếu đối với lĩnh vực bất động sản, theo Vụ Tài chính Ngân hàng (Bộ Tài chính), lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản đạt 192.203 tỉ đồng.
Trong đó, trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đạt 176.828 tỉ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng là 15.375 tỉ đồng, tăng 53%.
Số liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho thấy trong nhóm trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong nước, nhóm ngân hàng dẫn đầu với tổng giá trị phát hành đạt 18.485 tỉ đồng, nhóm các doanh nghiệp bất động sản đứng ở vị trị thứ hai với 4.950 tỉ đồng.
Cơ cấu dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản. Nguồn: Bộ Xây dựng |
Nổi bật là đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng trong nước với tổng giá trị 500 tỉ đồng của Công ty cổ phần Glexhomes; đợt phát hành ra công chúng giá trị 1.500 tỉ đồng của Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc. Ngoài ra, trong quý có 2 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm Tập đoàn Vingroup (500 triệu đô la) và trái phiếu xanh của Công ty cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu đô la).
Có thể thấy, vào cuối quí 2 trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp phát hành tăng cao, trong đó nhóm ngành bất động sản thể hiện nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu lớn. Tuy nhiên, Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cũng có khuyến cáo nhà đầu tư cần cân nhắc kỹ rủi ro khi quyết định đầu tư trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Nhà đầu tư tìm hiểu kỹ các điều kiện, điều khoản của trái phiếu và tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành.
Ngoài ra, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng khi quyết định mua trái phiếu của doanh nghiệp có tình hình tài chính kém, kinh doanh thua lỗ; doanh nghiệp phát hành không có tài sản đảm bảo. Đồng thời, thận trọng với việc chào mời và cam kết của các tổ chức phân phối trái phiếu trong đó có việc xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Nhà đầu tư không mua chỉ vì lãi suất cao và rủi ro cho nhà đầu tư cũng sẽ tiềm ẩn lớn khi thị trường bất động sản có biến động tiêu cực.
Xem thêm: lmth.nel-gnat-cut-peit-nas-gnod-tab-cuv-hnil-gnort-on/412913/nv.semitnogiaseht.coaid