Ngành hàng không không chỉ đóng góp vào sự tăng trưởng GDP mà còn tác động mạnh mẽ tới việc kết nối quốc tế, tạo việc làm, thúc đẩy sự phát triển và ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào đời sống, có vai trò quan trọng trong sự phát triển ngành du lịch, thương mại, đầu tư và tiêu dùng.
Tại Việt Nam, bên cạnh hãng hàng không quốc gia, với sự ra đời của các hãng hàng không tư nhân, nền kinh tế đã hội nhập nhanh và sâu rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Thế nhưng, cũng giống như các nước trên thế giới, trước tác động của dịch Covid-19, ngành hàng không Việt Nam đang phải trải qua thời kỳ khủng hoảng nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, phần lớn thời gian của gần hai năm qua là yên vị tại mặt đất chứ không phải sải cánh trên bầu trời. Theo đó, các hãng bay đều cạn kiệt dòng tiền, phải cố gắng “giật gấu vá vai”, cân đối các khoản chi tiêu để cầm cự, nhưng đến nay cũng đều cạn kiệt dòng tiền.
Thấu hiểu những khó khăn của ngành hàng không trong nước, hàng loạt những chính sách về miễn giảm thuế, phí đã được Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành triển khai nhằm hỗ trợ các hãng bay có thêm nguồn lực để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Dù mới đây hãng hàng không quốc gia Vietnam airlines đã nhận được khoản hỗ trợ của chính phủ trị giá 4.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn, tuy nhiên, khó khăn thách thức vẫn đang bám đuổi. Hai hãng hàng không tư nhân VietJet và Bamboo đều chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào và đang trong tình trạng rất kiệt kuệ.
Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn rất bất định, cùng tính chất đặc thù ngành dịch vụ đặc biệt, chi phí cao, sức chống chịu của doanh nghiệp hàng không đang suy yếu và đối mặt với thách thức phá sản, nếu khống có những hỗ trợ đặc biệt.
Trên cơ sở đó, việc tìm giải pháp để “giữ cánh” cho hàng không Việt được xem là một vấn đề hết sức cấp thiết để đảm bảo khả năng phục hồi và sẵn sàng “cất cánh” khi tình trạng dịch Covid-19 được kiểm soát tốt hơn.
Tại tọa đàm trực tuyến "Giữ cánh" cho hàng không Việt - Giải pháp cấp bách về vốn" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam- VnEconomy tổ chức, các chuyên gia đầu ngành về tài chính và ngân hàng, hàng không sẽ cùng nhau hiến kế giải pháp cụ thể nhằm giải bài toán về vốn cho các hãng bay, đặc biệt là hãng bay tư nhân.
Tọa đàm “Giải pháp cấp bách về vốn để giữ cánh bay hàng không Việt” sẽ tập trung bàn thảo hai phần nội dung chính:
Phần 1: Đánh giá thực trạng khó khăn và tính cấp thiết cần hỗ trợ các hãng hàng không Việt Nam:
Phần 2: Hiến kế các giải pháp cụ thể để giải bài toán về VỐN cho các hãng bay.
Tham gia buổi Tọa đàm:
- TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam;
- TS. Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam;
- TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Tài chính – Tiền tệ Quốc gia, Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV;
- PGS.TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh;
- TS. Nguyễn Sỹ Hưng, chuyên gia hàng không; Ths. Nguyễn Đắc Dũng, chuyên gia tài chính.
- TS. Cấn Văn Lực và Nhà báo Nguyễn Hoài - Trưởng ban Tài chính - Ngân hàng VnEconomy sẽ điều hành tọa đàm.
Xem thêm: mth.teiv-gnohk-gnah-ohc-hnac-uig-ed-nov-ev-hcab-pac-pahp-iaig-neyut-curt-mad-aot/nv.ymonocenv