Đầu tháng 12/2020, một thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus (thuộc Tập đoàn Vingroup) và Advantech Việt Nam đã được ký kết. 2 bên sẽ cùng nghiên cứu, hợp tác kinh doanh và hỗ trợ nhau tập trung vào nền tảng công nghệ và cơ sở vật chất kỹ thuật. Các giải pháp được đầu tư phát triển bao gồm: camera AI giám sát hành vi lái xe, wifi cho hành khách, thiết bị giám sát hành trình, giám sát an ninh trong xe, phần mềm quản lý thông tin đội xe...
"VinBus tin tưởng Advantech có khả năng cung cấp giải pháp toàn diện cho việc quản lý vận hành hệ thống xe buýt điện của VinBus" - ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng giám đốc VinBus phát biểu.
Còn về phía thành viên của Tập đoàn Advance - doanh nghiệp đứng đầu bởi tỷ phú Đài Loan K.C Liu (Lưu Khắc Chấn), hợp tác này là một trong những ví dụ tiêu biểu minh chứng cho mục tiêu ứng dụng và chuyển giao công nghệ của họ tại thị trường Việt Nam.
VinBus và Advantech Việt Nam cùng hợp tác phát triển hệ thống quản lý điều hành xe buýt thông minh không khí thải (Ảnh: Annhome)
CUỘC HỌP ĐỂ "KIẾN TẠO MỘT HÀNH TINH THÔNG MINH"
Vào một ngày mùa đông mưa rả rích cuối năm 1983, trong căn phòng nhỏ ở thành phố Đài Bắc (Đài Loan), 3 thanh niên người Đài Loan gồm Lưu Khắc Chấn (K. C. Liu), Chaney Ho và Yuh Min Hwang đang tranh cãi gay gắt về hướng đi tiếp theo cho cuộc đời của mình. Cả 3 lúc đó đang là những nhân sự chủ chốt phụ trách các mảng Nghiên cứu Phát triển (R&D) và kinh doanh tiếp thị của Hewlett Packard (HP), một tập đoàn công nghệ hàng đầu của Mỹ có chi nhánh tại Đài Loan.
Ở độ tuổi chưa quá 30, những người đàn ông này thừa năng lượng và nhiệt huyết để cùng nhau "làm một cái gì đó" không chỉ cho bản thân mà còn cho sự phát triển và thịnh vượng của quê hương mình.
Và đến cuối ngày, trước khi kiệt sức với những tranh luận, phân tích và thậm chí là những "mơ ước viển vông", cả nhóm đã thống nhất giao cho K.C. Liu viết lên quyển sổ tay công tác có logo của hãng HP những gạch đầu dòng vắn tắt về việc cùng nhau thành lập một công ty có tầm nhìn: "Kiến tạo nên một hành tinh thông minh".
Trang giấy ghi lại những ý tưởng và kế hoạch thành lập công ty Advantech được ông Lưu Khắc Chấn ghi lại trong buổi họp nhóm được tổ chức ngày 8/12/1981 (Ảnh tư liệu).
Đây có thể xem như là biên bản họp đầu tiên của 3 nhà đồng sáng lập, đặt viên gạch sơ khai cho quá trình "thai nghén" và xây dựng nên tập đoàn công nghệ toàn cầu trị giá nhiều tỷ đô la Mỹ của Đài Loan mang tên Advantech như hiện nay.
TỪ NGƯỜI CHÂU Á TRƯỞNG THÀNH TRONG LÒNG TẬP ĐOÀN MỸ...
Sinh năm 1954, ngay khi còn là một cậu bé đang cắp sách tới trường, Liu luôn chứng tỏ tư chất hơn người ở những môn học thiên về khoa học tự nhiên như toán, vật lý và khoa học máy tính.
Sau khi tốt nghiệp đại học với tấm bằng hạng ưu ngành Công nghệ thông tin tại trường Đại học quốc gia Chiao Tung (NCTU), K. C. Liu làm đủ thứ nghề liên quan đến chuyên môn của mình, kể cả buôn bán linh kiện điện tử, lắp ráp và sửa chữa máy tính để kiếm tiền sống qua ngày ở chốn thị thành đắt đỏ, trước khi có cơ hội đầu quân vào làm kỹ sư cho hãng công nghệ HP của Mỹ có trụ sở tại Đài Loan.
Ở đây, ông đã trải qua nhiều vị trí từ chuyên môn kỹ thuật cho đến quản lý các phòng ban khác nhau như kinh doanh, marketing… vốn không phải là sở trường của mình. Nhờ thái độ làm việc cực kỳ nghiêm túc, luôn cầu thị và sẵn sàng gạt bỏ cái tôi cá nhân để không ngừng học hỏi, ông đã trưởng thành nhanh chóng với những thành tựu đáng tự hào ở một tập đoàn lớn của Mỹ vốn có "truyền thống" không xem trọng sắc dân châu Á trong các lĩnh vực sáng tạo như công nghệ thông tin.
Chính những năm tháng lăn lộn hết mình trong công việc tại HP đã mang lại cho ông Liu một kho tàng kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng thực tế đầy quý giá, giúp ông cùng 2 người bạn đồng chí hướng nhanh chóng thành công khi quyết định "ra riêng" để lập nên công ty Advantech thuộc châu Á cạnh tranh một cách "ngang cơ" với các đối thủ sừng sỏ khác trong cùng lĩnh vực ở Mỹ và châu Âu.
Trụ sở của Advantech tại Đài Loan (Ảnh: EE Times)
Năm 1987, sau 4 năm thành lập tại Đài Loan, lần đầu tiên bộ 3 này quyết định "tấn công" vào thị trường Trung Quốc đại lục bằng việc tham gia vào một hội chợ chuyên ngành máy tính và phụ kiện máy tính được tổ chức tại Bắc Kinh. Sự xuất hiện của họ đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của thị trường tỷ dân này.
Không dừng lại ở đó, một văn phòng đại diện được thiết lập tại thành phố San Francisco (tiểu bang California, Mỹ) trong cùng năm, rồi các chi nhánh khác được liên tục mở ra ở Đức, Pháp, Ý vào năm 1993 đánh dấu cho hành trình vươn ra biển lớn một cách tự tin của tập đoàn Advantech ở các thị trường quốc tế. Năm 2004, Advantech đã đạt được doanh số là 325 triệu đô la Mỹ từ việc cung cấp các giải pháp máy tính và mạng cho khách hàng trên khắp thế giới.
Đến nay, sau 38 năm cầm lái cùng với 2 người bạn thuở thiếu thời trên cương vị Chủ tịch tập đoàn Advantech, ông K. C. Liu đã đưa doanh nghiệp này trở thành một trong những "người dẫn đầu" trong sản xuất máy tính công nghiệp ở quy mô toàn cầu bằng sự hiện diện tại 27 quốc gia với hơn 6.000 nhân viên làm việc ở khắp nơi trên khắp thế giới.
Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng liên tục mở rộng phạm vi hoạt động của mình bằng cách thực hiện chiến lược phát triển các sản phẩm và giải pháp trên nền tảng IoT cho các ứng dụng trong nhà máy thông minh (smart factory), giao thông thông minh (intelligent transportation system - ITS), quản lý lưới điện thông minh (smart grid), nông nghiệp thông minh (smart agriculture), thành phố thông minh (smart city)...
Ông Lưu Khắc Chấn được xem là "thuyền trưởng" có công thành lập và phát triển Advantech thành nhà sản xuất máy tính công nghiệp và các giải pháp công nghệ hàng đầu thế giới (Ảnh: ST Endustri)
...ĐẾN KHỐI TÀI SẢN TỶ ĐÔ CỦA VỊ TỶ PHÚ THẾ GIỚI
Năm 2008, Advantech được bình chọn là một trong 10 thương hiệu của Đài Loan nổi tiếng toàn cầu với giá trị thương hiệu lên tới 299 triệu đô la. Đến năm 2020, doanh nghiệp này đã vươn lên với vị trí thứ 4 và nhận giải thưởng Những thương hiệu giá trị nhất của Đài Loan.
Theo báo cáo quý 2/2021 do Advantech công bố mới đây, doanh thu Tập đoàn đạt 14,42 tỷ đô la Mỹ chỉ trong quý 2 cho thấy khả năng phát triển của doanh nghiệp bất chấp những tác động xấu của đại dịch Covid-19 khiến cho chuỗi cung ứng chip của tập đoàn bị đứt gãy trên phạm vi toàn cầu.
"Đơn đặt hàng trong quý 1/2021 của chúng tôi tăng tới 50% so với cùng kỳ năm ngoái kể cả khi vấn đề thiếu hụt linh kiện vẫn không hề thuyên giảm", chủ tịch Advantech - K. C. Liu phát biểu tại hội nghị các nhà đầu tư vào đầu tháng 3 vừa qua.
Cùng với sự tăng trưởng bền bỉ của Advantech thì khối tài sản cá nhân của vị chủ tịch 67 tuổi này cũng được "sinh sôi nảy nở". Đến nay, tài sản ròng mà tỷ phú này nắm giữ đã lên đến 2,5 tỷ đô la Mỹ theo công bố của tạp chí Forbes vào tháng 4/2021, giúp ông lọt vào danh sách 50 người giàu nhất Đài Loan năm 2021 với vị trí thứ 19. Còn trên bảng tổng sắp toàn cầu thì vị tỷ phú này được xếp ở thứ hạng 1205.
Advatntech Advantech vinh dự được bình chọn là một trong bốn thương hiệu của Đài Loan nổi tiếng toàn cầu năm 2020 (Ảnh: Advantech)
Khi được hỏi về bí quyết để làm giàu, ông Liu cho biết rằng, sự kiên trì, quyết tâm theo đuổi mục tiêu, có cộng sự chung chí hướng, cũng như khả năng nhìn xa trông rộng đã giúp ông đạt được những thành quả như hiện nay.
3 CUỐN SÁCH GỐI ĐẦU GIƯỜNG
Là một "con mọt sách" như bản thân từng tự đánh giá, vị tỷ phú người Đài Loan này cũng chia sẻ rằng, ông đọc rất nhiều sách và học được những bài học giá trị từ chúng để áp dụng không chỉ vào công việc mà còn giúp ích cho cuộc sống đời thường.
3 trong số những quyển sách thuộc dạng "gối đầu giường" đã giúp ông tạo dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp phát triển nghề nghiệp của mình là: Xây dựng để trường tồn (Built to Last), Từ tốt đến vĩ đại (Good to Great), và Chiến lược Đại dương xanh (Blue Ocean Strategy).
"TÔI THẤY VIỆT NAM LÀ MẢNH ĐẤT HỨA HẸN KHÔNG KHÁC GÌ TRUNG QUỐC CÁCH ĐÂY 15 NĂM"
Sau gần 40 năm rong ruổi làm ăn ở khắp nơi, vào ngày 01/4/2018, Advantech đã chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam với sự ra mắt của công ty Cổ phần Advantech Việt Nam Technology (Advantech Việt Nam) trên cơ sở hợp tác giữa Công ty TECHPRO và Tập đoàn Advantech.
"Tôi cảm thấy Việt Nam là một mảnh đất đầy hứa hẹn không khác gì Trung Quốc cách đây 15 - 20 năm trước. Chúng tôi tin rằng, Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất lớn của thế giới trong các lĩnh vực mà Advantech đang triển khai", ông Chaney Ho - nhân vật quan trọng số 2 và là một trong 3 nhà đồng sáng lập của tập đoàn Advantech nhận định.
Theo ông Chaney Ho thì Việt Nam là một thị trường tiềm năng với dân số đông, trẻ và có trình độ. Quan trọng hơn, Chính phủ Việt Nam luôn có những chính sách cởi mở, khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào công nghệ để chuyển đổi mạnh mẽ theo xu hướng I 4.0 thông qua tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới. Bên cạnh đó, phong trào khởi nghiệp lên cao tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới tìm đến để đầu tư làm ăn.
Advantech tích cực hợp tác với các trường đại học và doah nghiệp nhằm đào tạo và chuyển giao công nghệ phục vụ cho sự phát triển ứng dụng trên nền tảng AIoT (Ảnh: HCMUS)
Với sự hợp tác này tại Việt Nam, hàng loạt sản phẩm, giải pháp của Advantech đã và đang được ứng dụng rộng rãi, mang lại những hiệu quả thiết thực cho các đối tác, khách hàng trong nhiều lĩnh vực như: Điện lực, Giao thông, Xăng dầu, Sản xuất công nghiệp,…