Hướng dẫn con vào bếp sẽ giúp con có thêm những kỹ năng sống tự lập - Ảnh minh họa: T.T.D.
Để chuẩn bị cho một tương lai tự lập của con trẻ, cha mẹ có thể không cần đợi khi con bắt đầu lớn. Vậy thì giai đoạn cả nhà bên nhau thường xuyên như lúc này cũng chính là thời cơ thuận lợi giúp cha mẹ "xóa mù" việc nhà cho con cái, cũng là cách kéo con ra khỏi "mê cung" game.
Trao đổi với Tổ ấm, ThS tâm lý NGUYỄN THỊ TÂM - chuyên gia tư vấn và đào tạo Công ty tâm lý Hồn Việt - chia sẻ:
- Dạy con làm việc nhà là để con có kỹ năng sống, có thể tổ chức cuộc sống cho bản thân và gia đình nhỏ của con sau này. Còn nếu cho con đi du học, khi con xa nhà có thể tự lo được cho bản thân.
Dạy con làm việc nhà cũng là cách giúp con biết chia sẻ với cha mẹ những vất vả nhọc nhằn, từ đó con có được bài học về trách nhiệm với bản thân và người thân.
Một đứa trẻ biết sống có trách nhiệm sẽ rất trưởng thành trong suy nghĩ, có kỷ luật đối với bản thân, cực kỳ yêu thương cha mẹ, san sẻ những khó khăn của gia đình, và sau này còn cưu mang em út, hiếu nghĩa lo cho cha mẹ lúc tuổi già...
* Thưa bà, khi nào có thể bắt đầu dạy con làm việc nhà?
- Việc này bắt đầu từ sớm sẽ dễ dàng hơn. Từ khi con biết cầm chổi quét nhà, cầm khăn lau bàn, dù làm chưa đạt nhưng khi đó con thích làm, cha mẹ cần khích lệ con làm bằng cách khen ngợi, ghi nhận, đánh giá cao và chỉ dạy con cách làm.
Khi đó, con càng thấy hứng thú, khám phá, học hỏi và thấy chuyện tham gia làm việc nhà là tự nhiên, là tất yếu như một phần của cuộc sống và không có gì ghê gớm, to tát cả.
* Khi bắt tay dạy con làm việc nhà, theo bà, cha mẹ cần lưu ý những gì?
- Thứ nhất là phải đảm bảo an toàn cho con. Thứ hai là dạy việc từ dễ đến khó, từ đơn giản đến phức tạp và phù hợp khả năng của bé. Ví dụ bé 5 tuổi có thể quét nhà, lau nhà, xếp quần áo; bé 6 tuổi có thể hút bụi, dọn bàn ăn...
Thứ ba là không đặt kỳ vọng quá cao, bởi vì từ đó có thể dẫn tới việc chê bai, chỉ trích, phán xét, đánh giá thấp... làm tổn thương con, ảnh hưởng lớn đến lòng tự tin, tự trọng và tự tôn của con. Cha mẹ cần chấp nhận sự vụng về ban đầu, đồng thời khen ngợi thái độ tích cực của con hoặc kết quả tốt hơn lần trước.
Cha mẹ nên giải thích cho con về ý nghĩa, mục đích, lợi ích của từng việc nhà, bởi đó sẽ là động lực để con làm việc với tất cả trách nhiệm và tình yêu, cảm xúc và quyết tâm.
Chẳng hạn, cần giải thích cho con hiểu rằng tham gia việc nhà sẽ đỡ đần cho cha mẹ bớt vất vả để từ đó khỏe mạnh hơn, làm được nhiều việc hơn cho gia đình và xã hội, hạnh phúc hơn, tự hào về con hơn; ngoài ra, con cũng đang làm gương cho các em và đảm bảo sau này con không lệ thuộc vào ai hay bất kỳ hoàn cảnh nào.
* Bà có thể chia sẻ một số phương pháp và kinh nghiệm để việc dạy con làm việc nhà được hiệu quả?
- Cha mẹ nhìn chung cần khích lệ con làm việc nhà và có thể nghĩ ra nhiều cách "ăn mừng" từng thành tựu dù nhỏ nhất mà con làm được. Ví dụ con nấu được một bữa cơm ngon cho cả nhà là phải khen ngợi, con dọn dẹp phòng mình gọn gàng là phải khoe ngay với "cả thế giới" - những người xung quanh con.
Tiếp theo là làm "người mẫu" của con, tức là vừa làm mẫu vừa làm gương. Trước một việc con chưa từng làm, cha mẹ cần làm mẫu cho con quan sát, vừa làm mẫu vừa giải thích cho con tại sao làm như vậy để con hiểu và làm theo. Còn làm gương là cách cha mẹ nêu gương hăng hái, trách nhiệm trong làm việc nhà.
Nhưng để tăng hiệu quả "dạy người" qua việc nhà, cha mẹ cần biết giao việc và trao quyền: cha mẹ coi việc nhà là vấn đề và để con tự nghĩ cách giải quyết vấn đề, nếu con cần tư vấn thì hỗ trợ con, ngoài ra không can thiệp quá sâu vào cách con làm, miễn sao mang lại hiệu quả.
Chấp nhận sự khác biệt trong cách nghĩ, cách làm của con là cách cha mẹ ươm mầm tính chủ động, sáng tạo và năng lực giải quyết vấn đề trong con.
Tổ ấm tiếp tục nhận được nhiều bài vở, đặc biệt là những sẻ chia về cuộc sống gia đình trước cơn sóng COVID-19 của bạn đọc: Chung Thanh Huy, Trần Văn Tám, Lê Phương Trí, Thái Hoàng, Nguyễn Tấn Thư, Thanh Nguyễn, Huyền Minh... Tuổi Trẻ cảm ơn quý bạn đọc đã gửi bài cộng tác và sẽ chọn lọc đăng tải trong thời gian sớm nhất.
TTO - Khi “văn phòng” của nhiều bạn trẻ giờ đây được dời về nhà và thiếu vắng hẳn tiếng cười, những tương tác thật… trong suốt thời gian dài, không ít người thừa nhận bản thân làm việc kém hiệu quả hẳn, tâm lý bị tác động đáng kể.
Xem thêm: mth.19635100180801202-hcac-naig-aum-ahn-ceiv-mal-noc-gnuc/nv.ertiout