Theo tạp chí The National Interest, dường như vào tháng 8-2013, tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Seawolf của Hải quân Mỹ đã rời cảng Bremerton (bang Washington, Mỹ). Lần triển khai này có thể là lần thứ năm hoặc thứ sáu kể từ khi đưa vào hoạt động hồi năm 1997.
Một tháng sau đó, Hạm đội 6 của Mỹ đã đăng tải loạt ảnh liên quan đến Đại sứ Mỹ tại Na Uy Barry White, trong đó có sự xuất hiện của tàu Seawolf tại căn cứ hải quân Haakonsvern, miền nam Na Uy, cách cảng Bremerton hàng ngàn km.
Theo The National Interest, tàu Seawolf làm sao đến được Na Uy, và nó đã vận hành thế nào trên suốt đường đi vẫn là những câu hỏi lớn liên quan đến những khía cạnh bí mật nhất Hải quân Mỹ. Tạp chí này cho rằng có vẻ như Seawolf đã đến Na Uy theo một con đường mà hiếm tàu có thể đi được - bên dưới lớp băng ở Bắc Cực.
Tàu ngầm tấn công hạt nhân USS Seawolf của Hải quân Mỹ. Ảnh: US NAVY
Seawolf - những “thợ săn bí mật”
Theo The National Interest, Hải quân Mỹ không muốn đề cập về các tàu ngầm của mình. Trong số khoảng 70 tàu ngầm của Mỹ, Seawolf cùng các tàu Connecticut và Jimmy Carter là một trong những tàu chiến bí ẩn nhất của Hải quân nước này.
Khi tìm kiếm trên Google về các tàu ngầm lớp Los Angeles của Hải quân Mỹ, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những thông tin về chúng. Tuy nhiên, với các tàu lớp Seawolf, lượng thông tin thu thập được khi tìm kiếm là vô cùng ít ỏi.
Theo The National Interest, trang web chính thức về các tàu này đã bị chặn, có thể là vì tàu lớp Seawolf đặc biệt hơn, mới hơn, lớn hơn, nhanh hơn và được trang bị hệ thống vũ khí mạnh mẽ hơn các tàu ngầm tấn công thông thường. Mỗi tàu Seawolf có giá trị lên đến gần 3 tỉ USD, trong đó hàng trăm triệu USD là dành cho các thiết bị “độc nhất vô nhị”.
Hoạt động của tàu Seawolf là vô cùng bí mật, đến mức vợ của một thủy thủ trên tàu mô tả hành tung của chúng là "không thể đoán trước". Nhiệm vụ thông thường của các tàu ngầm chủ yếu là thu thập thông tin tình báo, phóng tên lửa tấn công khủng bố,... song với Seawolf, không ai biết nhiệm vụ của chúng là gì.
Bổ sung sức mạnh
Vào tháng 3-2011, tàu Connecticut (lớp Seawolf) được lựa chọn để tiến hành thử nghiệm hoạt động dưới băng ở Bắc Cực. Tàu Connecticut và tàu ngầm New Hampshire (lớp Virginia) đã di chuyển đến khu vực vịnh Prudhoe (bang Alaska, Mỹ) để chuẩn bị cho cuộc tập trận không thường xuyên “ICEX” của Hải quân Mỹ.
Theo thông báo của Hải quân Mỹ, tàu Connecticut “đã phối hợp của Phòng thí nghiệm tàu ngầm Bắc Cực của Hải quân Mỹ và Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng của Đại học Washington (Mỹ) để thử nghiệm thiết bị mới và huấn luyện cho các hoạt động dưới băng trong môi trường Bắc Cực”.
Các thiết bị này bao gồm sonar (hệ thống định vị dưới nước) cao tần để bảo đảm an toàn cho các hoạt động ở Bắc Cực và hệ thống liên lạc âm thanh Deep Siren do công ty Raytheon chế tạo.
Trong khoảng thời gian trên, tàu Seawolf vẫn đang nằm ở ụ khô gần ba năm, kể từ tháng 9-2009, để nâng cấp. Chi phí nâng cấp lên đến 280 triệu USD. Tàu được đánh giá là 'mạnh hơn bao giờ hết' khi trở lại vào tháng 4-2012.
Thực tế mà nói, không có bất kỳ con đường nào khác để có thể đến Na Uy chỉ vài tuần sau khi rời Washington, vì vậy khả năng rất cao con tàu đã phải vượt qua Bắc Cực. Nhận định về việc liệu tàu Seawolf đã làm gì dưới lớp băng, The National Interest cho biết rất có thể tàu đã triển khai các đợt huấn luyện.
Theo The National Interest, có thể tàu ngầm Seawolf đã được trang bị cùng một thiết bị có khả năng hoạt động dưới băng giống như tàu Connecticut trong cuộc thử nghiệm vào năm 2011.
Bắc Cực đang ngày càng thu hút sự quan tâm của lực lượng này. Vào năm 2009, Đô đốc Gary Roughead của Hải quân Mỹ đã cho biết rằng Washington “có những lợi ích mang tính nền tảng liên quan đến an ninh ở Bắc Cực”.