Sau thời gian tạm ngưng, chợ Bình Thới tổ chức mở bán lại ngay trước cổng chợ với số ít tiểu thương - Ảnh: B.TÙNG
Vài ngày gần đây, người dân đi chợ Bình Thới (Q.11) không khỏi bất ngờ khi chợ được mở bán lại ở ngay trước cổng với quy mô nhỏ, các hàng hóa từ rau, củ, thịt, cá... đều được đóng gói sẵn theo quy cách nhất định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online mới đây, ông Nguyễn Bá Tùng - trưởng Ban quản lý chợ Bình Thới - cho biết sau thời gian tạm ngưng vì có nhiều ca nhiễm COVID-19, đơn vị chủ động tổ chức mở bán lại ở quy mô nhỏ với 15 - 20 gian hàng thực phẩm để dễ kiểm soát, giãn cách.
Theo đó, thời gian bán hàng từ 7h đến 9h30, hàng được đóng gói sẵn theo quy cách, giới hạn thời gian mua hàng và khách hàng chỉ được di chuyển một chiều để hạn chế việc tiếp xúc, an toàn dịch bệnh.
Để việc mua bán diễn ra nhanh, hạn chế giao tiếp, hầu hết các mặt hàng tươi sống tại chợ Bình Thới được bán dưới dạng đóng gói sẵn theo quy cách nhất định - Ảnh: B.TÙNG
Theo ông Tùng, ngoài bán tại chợ, đơn vị đã chủ động tổ chức 3 đội bán thực phẩm thiết yếu lưu động nhằm phục vụ nhu cầu người dân.
"Các phường có nhu cầu đăng ký trước, chợ sẽ thực hiện bán tại địa điểm phường sắp xếp, tổ chức, thời gian bán buổi sáng hay chiều tùy theo phường chọn", ông Tùng thông tin.
Đại diện Phòng kinh tế quận 11 cho biết mô hình bán hàng lưu động bằng xe buýt hoặc chợ "dã chiến" lưu động đã được nhiều tiểu thương đăng ký nên quận sẽ tăng quy mô thực hiện để thay thế các chợ bị tạm ngưng vì dịch, các phường có nhu cầu sẽ được hỗ trợ.
Các đội bán hàng lưu động được trang bị quần áo bảo hộ với phần lớn các mặt hàng là rau củ quả - Ảnh: N.TRÍ
Trong khi đó, dù chợ tạm ngưng hoạt động nhiều tuần qua nhưng đại diện Ban quản lý chợ Xã Tây (Q.5) cho biết đơn vị vẫn phối hợp với chính quyền, tiểu thương để giao hàng đến người dân, điểm cách ly, phong tỏa.
Theo bà Trần Bích Hà - tiểu thương tại đây, người dân có nhu cầu sẽ đặt mua trực tiếp với tiểu thương. Tiểu thương sẽ cân đối lượng hàng thu mua dựa vào nhu cầu và giao lại một lượt dưới dạng đóng bịch sẵn, và chính quyền sẽ tổ chức để người dân nhận hàng.
"Nguồn cung rau củ, thịt hiện không thiếu, nên khi người dân có nhu cầu chúng tôi sẵn sàng đáp ứng. Cái chính là khâu tổ chức để đảm bảo an toàn dịch bệnh cần chính quyền hỗ trợ", bà Hà nhận định.
Các chợ tận dụng khu vực sân, mặt tiền đường để tổ chức điểm bán "dã chiến" với quy mô nhỏ gọn, giãn cách theo quy định - Ảnh: N.TRÍ
Trong khi đó, Viettel Post tại TP.HCM cho biết ngoài duy trì bán rau củ, đơn vị đã tăng lượng bán trứng lưu động lên hàng chục nghìn quả mỗi tuần bằng hình thức nhận đơn hàng trên kênh online và giao tận nơi cho khách.
Tương tự, vừa tham gia bán thực phẩm lưu động, đại diện Bưu điện TP.HCM cho biết đơn vị bán ra khoảng 20.000 trứng gia cầm cho mỗi đợt, và có nhiều hoạt động hỗ trợ người dân như tặng gạo, giao hàng miễn phí.
Bên cạnh giãn cách, hầu hết các chợ đang hoạt động hiện nay đã lắp vách ngăn trong mua bán để hạn chế sự lây nhiễm dịch bệnh - Ảnh: N.TRÍ
Hiện nhiều siêu thị như Vinmart/Vinmar+, Bách Hóa Xanh... cho biết đã bắt đầu áp dụng bán hàng dưới dạng "combo", đăng ký trước cho nhiều địa phương, và sẽ tăng mạnh thêm quy mô hoạt động để hỗ trợ người dân.
Theo đó, khi cần, người dân có thể đăng ký mua chung, hoặc liên hệ với địa phương để chuyển đơn hàng đến người đại diện, thông qua đây, đơn hàng mua chung sẽ được địa phương và siêu thị thiết lập.
Xe buýt bán hàng thực phẩm lưu động đang ngày một phổ biến với nhiều đơn vị tham gia, mặt hàng bày bán đa dạng - Ảnh: G.V.
Mới đây, Sở Công thương TP.HCM cho biết đã phối hợp với một đơn vị để khai trương mô hình "siêu thị di động kiểu mới".
Theo đó, mô hình này sẽ bày bán với hơn trăm mặt hàng nhu yếu phẩm như thịt, trứng, rau củ… với giá tốt ngay trên các xe buýt. Ngoài ra, chương trình có 1.000 phần quà, tổng trị giá 300 triệu gửi đến những hộ gia đình khó khăn.
Theo đơn vị tổ chức, mô hình này dự kiến kéo dài trong 2 tháng và sẽ tăng quy mô lên 3-4 chiếc xe buýt, chủ yếu phục vụ tại quận, huyện vùng ven, mỗi chiếc bán tại 1-2 điểm.
Nhiều người dân các quận, huyện đã tiếp cận nguồn thực phẩm qua kênh bán hàng mới lạ này - Ảnh: G.V.
Theo đại diện Sở Công thương TP.HCM, hơn một tháng qua, TP đã tổ chức được hàng nghìn điểm bán hàng lưu động, bình ổn, lượng lớn thực phẩm thiết yếu đã được đưa đến tay người dân qua các kênh bán hàng này.
Tuy vậy, do số lượng chợ tạm ngưng hiện ở mức cao nên sở sẽ tiếp tục vận động, hướng dẫn nhiều chợ, doanh nghiệp tham gia các mô hình cung cấp thực phẩm mới, lạ nhằm "chia lửa" với các siêu thị, cửa hàng.
Theo Sở Công thương, hiện TP có 33 chợ hoạt động và 204 chợ tạm ngưng hoạt động (gồm 3 chợ đầu mối và 201 chợ truyền thống) trong tổng số 237 chợ; 6/106 siêu thị và 132/2.895 cửa hàng tiện lợi phải tạm ngưng hoạt động do dịch COVID-19.
Các địa phương hiện đã đóng toàn bộ các chợ trên địa bàn gồm: thành phố Thủ Đức, quận 3, 4, 5, 6, 7, 8, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú, huyện Hóc Môn, Nhà Bè.
Xem thêm: mth.23522018180801202-obmoc-oeht-nab-gnod-uul-gnah-nab-iod-cac-iov-hnih-neib-mchpt-o-ohc/nv.ertiout