Đẩy mạnh thực hiện chiến dịch vaccine
Ngày 8/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và Bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Tại hội nghị, sau khi lắng nghe các ý kiến của các doanh nhân, đại diện các doanh nghiệp, lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương, ý kiến của các Phó Thủ tướng, trong phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hội nghị đã trao đổi và thống nhất quan điểm về một số nội dung lớn.
Trước hết, theo Thủ tướng, mỗi người dân khỏe mạnh, mỗi doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh và chúng ta phải tiếp tục, kiên trì giải pháp đã đề ra.
Trong lúc này, ưu tiên số 1 trên cả nước là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, những nơi nào an toàn thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất.
Nội dung lớn thứ hai, được thống nhất tại Hội nghị là đẩy mạnh thực hiện chiến lược vaccine.
Thủ tướng nhắc lại 3 nội hàm chính của chiến lược vaccine. Nội hàm thứ nhất, nhập khẩu vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể. Trong bối cảnh khan hiếm vaccine trên toàn cầu, chúng ta đã nỗ lực tiếp cận vaccine bằng mọi kênh khác nhau, trong đó có đẩy mạnh ngoại giao vaccine.
Thủ tướng cho biết, theo đề nghị của doanh nghiệp, có những đêm ông viết hàng chục lá thư giới thiệu, nhưng đến nay các doanh nghiệp và địa phương dù rất tích cực vẫn chưa thể tiếp cận được nguồn cung, do các nhà cung cấp chỉ làm việc với Nhà nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam. Ảnh: Nhật Bắc
Nội hàm thứ hai, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước. Công tác này hiện đã đạt một số kết quả bước đầu, nhưng do đây là việc liên quan tới sức khỏe và người dân cho nên không thể nóng vội về mặt chuyên môn và khoa học, dù cần cắt giảm tối đa về mặt thủ tục và hành chính.
Nội hàm thứ ba, tổ chức thực hiện chiến dịch tiêm chủng vaccine miễn phí cho người dân, điều chỉnh các đối tượng, địa bàn ưu tiên cho phù hợp với thực tế, mục tiêu cuối cùng là hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.
Sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Về các biện pháp tài khóa và tiền tệ, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang làm và sẽ làm hết sức có thể trong điều kiện có thể trên tinh thần tính toán tổng thể, toàn diện, hài hòa, hợp lý, hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh, không để mất cân đối vĩ mô, khủng hoảng kinh tế.
Điều này đòi hỏi tất cả phải suy nghĩ, cộng đồng trách nhiệm trên tinh thần yêu nước, đại đoàn kết dân tộc, "không để làm chỗ này hổng chỗ kia".
Thủ tướng nhắc lại, mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trên tinh thần hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro.
Đồng thời, sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ đã phân công nhiệm vụ rất cụ thể cho Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và sẽ tiếp tục điều chỉnh, bổ sung phù hợp thực tiễn, trên tinh thần phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT với vai trò là cơ quan thường trực của Tổ công tác đặc biệt, tiếp tục nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng những giải pháp kịp thời, cấp bách.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp khẩn trương tiêm vaccine cho người lao động, đặc biệt ở các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều khu công nghiệp; điều chỉnh quy trình phòng chống dịch bệnh để các địa phương, doanh nghiệp tùy điều kiện thực tế có thể áp dụng, sớm ổn định lại sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, hết sức linh hoạt, không phụ thuộc địa giới hành chính hay thời gian.
Bộ Tài chính khẩn trương triển khai các giải pháp về miễn, giảm thuế để nhanh chóng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động.
Đồng thời, đưa ra các giải pháp phát triển thị trường chứng khoán để thúc đẩy nguồn vốn trung và dài hạn, giảm tỷ lệ vốn lớn vào hệ thống ngân hàng, tránh rủi ro cho nền kinh tế.
Bộ Giao thông vận tải xây dựng các giải pháp để hàng hóa sản xuất ra phải được lưu thông, vận chuyển trong nước và quốc tế.
Tinh thần chung là các chính sách Chính phủ đưa ra phải thực hiện nhất quán, nếu có vướng mắc trong thực tế thì các địa phương đề xuất điều chỉnh chứ không tự ý thực hiện, ban hành các giấy phép con...
Về phía các doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn cần nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng hoạt động và khả năng chống chọi với những cú sốc bên trong và bên ngoài để phát triển bền vững và bài bản.
Thủ tướng nhắc lại, Chính phủ và các chính quyền địa phương luôn đồng hành, sát cánh, chia sẻ, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tri ân những nghĩa cử, hành động cao đẹp, đóng góp chung tay để cùng đất nước bước qua những thời điểm khó khăn, trong đó có cả các doanh nghiệp FDI, không nề hà đáp ứng những lời kêu gọi từ phía chính quyền.
"Bất kỳ lúc nào và nhất là những lúc khó khăn, Chính phủ thể hiện và khẳng định tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tất cả vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Tinh thần là nói ít làm nhiều, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức, xem người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm phục vụ", Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Hoàng Đan
DOANH NGHIỆP VÀ TIẾP THỊ