Người dân tiêm vắc xin AstraZeneca tại nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, quận 11, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
TP.HCM đang tăng tốc tiêm vắc xin, tiến tới 70 - 80% dân số trên 18 tuổi được bao phủ vắc xin trong tháng 8 này để sớm tạo miễn dịch cộng đồng.
Tuy vậy, kế hoạch này có thể bị "đứt đoạn" khi tiến độ tiêm nhanh mà vắc xin chưa được phân bổ kịp thời, hoặc số liệu không khớp?
Quận, huyện trông chờ vắc xin
Ông Trần Phi Long - chủ tịch UBND quận 11 - cho hay tính đến sáng 8-8, quận đã tiêm được hơn 140.000 liều cho các nhóm đối tượng ưu tiên (đợt 5) và người trên 18 tuổi. Bình quân mỗi ngày, quận tiêm được khoảng 13.000 - 14.000 liều tại 20 điểm tiêm cố định và 16 điểm tiêm lưu động.
Hiện quận 11 còn 14.000 liều vắc xin chỉ đủ dùng cho ngày 9-8. "Kế hoạch của chúng tôi là trong vòng 14 ngày sẽ phủ trên 85% dân số quận 11 được tiêm vắc xin. Tiến độ tiêm vắc xin của quận rất đều và đảm bảo" - ông Long nói.
Vậy việc chưa được phân bổ tiếp vắc xin ảnh hưởng gì đến kế hoạch tiêm trên địa bàn quận? Ông Long cho biết quận đã lên kế hoạch tiêm vắc xin chi tiết, cụ thể từng ngày, trong đó có nhắn tin thông báo cho từng người dân để đi tiêm vắc xin.
"Trong trường hợp quận hết vắc xin, kế hoạch sẽ bị chậm lại, nhiều người dân đang rất trông chờ vắc xin" - ông Long chia sẻ.
Tương tự, đại diện UBND quận Phú Nhuận cho biết tính đến hết ngày 7-8, quận đã tiêm được hơn 100.000 liều, tăng hơn 12.000 liều so với ngày 6-8. Hiện quận vẫn tiêm cho người dân trên 18 tuổi nhưng số vắc xin chỉ đủ tiêm trong vài ngày tới.
Đến cuối tuần sau, nếu quận được phân bổ vắc xin và tiếp tục duy trì tốc độ tiêm này, toàn bộ người dân trên 18 tuổi trên địa bàn quận sẽ được tiêm vắc xin. Trường hợp nếu không được "châm" vắc xin, mục tiêu trên sẽ bị chậm lại.
Tiêm vắc xin Pfizer cho người trên 65 tuổi tại Viện Y dược học dân tộc, quận Phú Nhuận, TP.HCM sáng 8-8 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Khó tránh khỏi cạn vắc xin, nếu...
Không chỉ các địa phương, nhiều bệnh viện tại TP cho biết đã tiêm xong các loại vắc xin phòng COVID-19 được Sở Y tế phân bổ như Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Bình Dân...
Đại diện Bệnh viện Y học cổ truyền cho biết trong chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 5, bệnh viện đã được Sở Y tế phân bổ 1.653 liều vắc xin phòng COVID-19 để tiêm ngừa cho người bệnh trên 65 tuổi, mắc các bệnh mãn tính... Đến ngày 4-8 bệnh viện đã tiêm hết số vắc xin này.
Trong thời gian tới nếu được Sở Y tế phân bổ vắc xin, bệnh viện sẽ tiếp tục tiêm cho các đối tượng là bệnh nhân nội ngoại trú đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng khác theo kế hoạch của Sở Y tế.
Còn PGS.TS.BS Trần Vĩnh Hưng, giám đốc Bệnh viện Bình Dân, cho biết Bệnh viện Bình Dân cũng đã tiêm hết khoảng 4.300 liều vắc xin phòng COVID-19 được Sở Y tế phân bổ trong chiến dịch tiêm vắc xin đợt 5 của TP vừa qua. Mỗi ngày bệnh viện Bình Dân tiêm được từ 450 - 500 liều vắc xin.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết những ngày qua, tốc độ tiêm vắc xin của các quận, huyện và TP Thủ Đức khá cao.
Theo đó Sở Y tế đã phối hợp với các địa phương huy động tất cả các nguồn lực, bao gồm y tế công lẫn tư, quân đội của các tỉnh hỗ trợ. Hiện TP.HCM đảm bảo được 1.200 đội tiêm, phấn đấu đạt 300.000 mũi/ngày.
Theo ông Nam, nếu Bộ Y tế không kịp thời tiếp tục phân bổ vắc xin thì dự kiến ngày 9-8, TP sẽ đối diện thiếu vắc xin tiêm diện rộng như thời gian qua. Như vậy mục tiêu của TP sẽ khó đạt được như kỳ vọng.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ngày 6-8 đã ký văn bản khẩn đến các tỉnh thành về việc khẩn trương tiếp nhận vắc xin phòng COVID-19.
Theo đó, hiện vẫn còn một số đơn vị rất chậm trễ trong việc tiếp nhận vắc xin, tổ chức triển khai tiêm chủng và báo cáo tiến độ.
Đến ngày 10-8, nếu đơn vị nào triển khai tiêm chủng chậm, Bộ Y tế sẽ công bố công khai kết quả tiêm chủng của đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương và địa phương, đồng thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ, điều phối vắc xin cho các đơn vị khác và sẽ tạm dừng việc phân bổ vắc xin cho đơn vị trong các đợt tiếp theo.
Dữ liệu: Lan Anh - Đồ họa: N.KH.
Tháng 8-2021 cần thêm 5 - 5,5 triệu liều
Báo cáo ngày 8-8 của Sở Y tế TP.HCM cho thấy bắt đầu từ đợt 5 (từ ngày 22-7) đến hết ngày 7-8, TP đã tiêm hơn 2,1 triệu liều.
Số vắc xin TP.HCM đã nhận từ Bộ Y tế tính từ ngày 22-7 đến nay gần 2,6 triệu liều. Như vậy số vắc xin còn lại chỉ 487.304 liều.
Để có thêm vắc xin, cách đây gần một tuần, UBND TP đã đề xuất Chính phủ, Bộ Y tế trong tháng 8 cấp cho TP.HCM khoảng 5 - 5,5 triệu liều vắc xin. TP đặt mục tiêu trong tháng 8 này sẽ có 70-80% dân số trên 18 tuổi được tiêm vắc xin để đạt được tỉ lệ bao phủ vắc xin diện rộng.
Vắc xin "made in Việt Nam" còn những bước nào?
Sau khi Bộ Y tế đã họp nghiệm thu giai đoạn 1 và đánh giá giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 ngày 7-8, nhóm nghiên cứu cho biết hiện đang chờ thêm báo cáo về chỉ số trung hòa virus sống của thử nghiệm lâm sàng pha 3a, dự kiến ngày 11-8 toàn bộ báo cáo pha 3a sẽ được đệ trình lên Bộ Y tế như yêu cầu.
Ngày 15-8, Bộ Y tế sẽ tiếp tục có một cuộc họp đánh giá thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin.
Hiện vắc xin Nano Covax được đánh giá đạt yêu cầu về tính an toàn, tính sinh miễn dịch, chỉ số thứ 3 cũng rất quan trọng trong quá trình phát triển vắc xin là hiệu quả bảo vệ của vắc xin cần thêm thời gian theo dõi.
Người dân được khám sàng lọc trước khi tiêm vắc xin ở quận 7, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Thông thường, thời gian này có thể kéo dài hàng năm, nhưng trong đại dịch, nếu Bộ Y tế có hướng dẫn để cấp phép khẩn cấp theo hướng vừa sử dụng vừa theo dõi tiếp tục về chỉ số này, vắc xin Nano Covax có thể sớm ra thị trường phục vụ tiêm chủng, nhất là trong điều kiện Việt Nam đang rất thiếu vắc xin.
Trong trường hợp Bộ Y tế yêu cầu báo cáo hoàn thiện cả 3 chỉ số: tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ, vắc xin sẽ phải chờ theo dõi thêm.
Qua trao đổi với công chúng trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tuyến vừa diễn ra, ông Đỗ Minh Sĩ, đại diện nhóm nghiên cứu vắc xin Nano Covax (Công ty Nanogen), cho biết ông đã tiêm vắc xin này cách đây 6 tháng, khi gửi mẫu huyết thanh đánh giá độc lập tại Hà Nội gần đây, mẫu huyết thanh này cho thấy vắc xin có thể bảo vệ người được tiêm trước nhiều chủng virus gây COVID-19.
Cho đến nay đã có gần 14.000 người được tiêm vắc xin này, tỉ lệ gặp các phản ứng nặng sau tiêm là thấp (có 1 trường hợp gặp phản ứng phản vệ độ 2), còn lại các phản ứng thường gặp là phản ứng thông thường như sưng, đỏ, đau vị trí tiêm, sốt nhẹ sau tiêm... Vắc xin này cũng đã trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm, giai đoạn 1, 2, 3a và 3b.
Theo thông tin từ nhóm nghiên cứu vắc xin Nano Covax, vắc xin nội có tiến độ sản xuất nhanh nhất cho đến nay.
4.749 ca nhiễm mới ngày 8-8
Tính từ 6h đến 18h30 ngày 8-8, hệ thống quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.749 ca nhiễm mới COVID-19, trong đó 2 ca nhập cảnh. TP.HCM vẫn cao nhất với 2.002 ca, Bình Dương 1.733 ca, Đồng Nai 224 ca, Hà Nội 51 ca... Trong đó có 881 ca trong cộng đồng.
Số khỏi bệnh hơn 68.720, số tử vong đến sáng 8-8 là 3.250 ca.
LAN ANH
Bình Dương: nhiều nơi hoãn tiêm do thiếu vắc xin
Ngày 8-8, ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - đã ký văn bản hỏa tốc gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long để "cầu cứu", đề nghị phân bổ vắc xin phòng COVID-19.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, với quy mô dân số 2,6 triệu người; trong thời gian tới (tháng 8 và 9-2021), tỉnh phải tiêm vắc xin cho khoảng 2 triệu người trên địa bàn nhằm đảm bảo đủ lao động.
Tiêm vắc xin cho lao động sản xuất “3 tại chỗ” tại Bình Dương - Ảnh: B.S.
Đặc biệt tại 4 địa phương phía nam của tỉnh Bình Dương giáp hoặc gần với TP.HCM (Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Thủ Dầu Một) là vùng kinh tế quan trọng, cũng là những khu vực có tỉ lệ ca mắc không thua kém gì TP.HCM.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết đã khắc phục việc tiêm chậm và có kế hoạch nâng tốc độ tiêm vắc xin với quy mô tối đa 100.000 liều/ngày nên cam kết sẽ tiến hành tiêm vắc xin đúng tiến độ và đối tượng.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ trong ngày 8-8, hàng loạt xã, phường tại Bình Dương thông báo tạm hoãn tiêm do hết vắc xin khiến nhiều người dân hụt hẫng.
Mặc dù tỉnh Bình Dương có số ca mắc nhiều thứ hai cả nước, với tỉ lệ ca mắc trên quy mô dân số xấp xỉ TP.HCM nhưng vắc xin phân bổ cho Bình Dương chưa tương xứng với ca bệnh.
Nhiều doanh nghiệp kiến nghị cần ưu tiên vắc xin cho vùng đang có dịch bệnh nóng và ở "tuyến đầu sản xuất" để có nguồn vắc xin tiêm cho công nhân, người lao động yên tâm thực hiện "3 tại chỗ".
Số vắc xin mà tỉnh Bình Dương được phân bổ hiện tại là hơn 544.000 liều.
BÁ SƠN
TTO - TP.HCM đã hoàn thành tiêm vắc xin đợt 5 vào ngày 3-8 sau 13 ngày triển khai. Hiện TP đang tiếp tục tiêm tiếp nối đợt 5, mở rộng đối tượng tiêm là người trên 18 tuổi và cần 5,5 triệu liều vắc xin trong tháng 8 này.
Xem thêm: mth.99125928090801202-ueihn-noc-ion-et-y-ob-nix-cav-nac-mchpt/nv.ertiout