Nợ hộ gia đình đe dọa tầm nhìn tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa của Trung Quốc
Chánh Tài
(KTSG Online) - Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư hạ tầng và xuất khẩu sang mô hình tăng trưởng dựa vào tiêu dùng nội địa. Nhưng “núi nợ” hộ gia đình ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể làm chệch hướng tầm nhìn này.
Với mức nợ hộ gia đình lên đến mức kỷ lục 130,9% so với thu nhập khả dụng của họ, áp lực trả nợ sẽ ăn mòn những khoản tiền dôi dư mà họ đáng lẽ ra có thể sử dụng để mua hàng hóa và dịch vụ, giúp thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế.
Một gia đình đi mua sắm ở một siêu thị tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters |
Căng thẳng vì áp lực trả nợ
Kể từ tháng 5, Jane Zeng trải qua nhiều đêm mất ngủ sau khi chồng cô thông báo các khoản nợ lớn của gia đình. Chồng cô đã vay ngân hàng nhiều lần trong những năm qua bao gồm một khoản vay để mua 3 căn hộ ở Thâm Quyến và một khoản nợ thế chấp bất động sản để phục vụ cho các khoản đầu tư khác. Tổng giá trị thị trường của các bất động sản này giờ đây đã lên hơn 18 triệu nhân dân tệ nhưng họ cần đến 60.000 nhân dân tệ (213 triệu đồng VN) để trả nợ hàng tháng cho các các khoản vay gần 10 triệu nhân dân tệ ở ngân hàng.
Jane Zeng nói: “Các món nợ khổng lồ đã làm suy giảm chất lượng cuộc sống gia đình của chúng tôi. Ngoại trừ khoản học phí cố định phải đóng cho con cái ở các trường học quốc tế, tôi đang cố gắng hết sức để giảm chi tiêu sinh hoạt về mức 5.000 nhân dân tệ (17,7 triệu đồng VN) mỗi tháng”. Cô nói tiếp: “Các bất động sản của chúng tôi đang tăng giá nhưng tôi cảm thấy rất căng thẳng và lo chúng tôi sẽ không có đủ tiền trả nợ thế chấp bất động sản vào tháng tới”.
Tình trạng bất ổn của gia đình Jane Zeng là chỉ dấu cho thấy “núi nợ” hộ gia đình ở Trung Quốc đang đe dọa làm suy giảm đà phục hồi tiêu dùng nội địa mà Bắc Kinh kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế trong nửa cuối năm nay.
Nợ hộ gia đình ở Trung Quốc tính theo tỷ lệ phần trăm so với GDP đang ở mức 62% hồi cuối quí 2-2021, giảm nhẹ so với mức kỷ lục 62,2% hồi cuối năm 2020.
Tuy nhiên, tính đến cuối năm ngoái, tổng nợ hộ gia đình ở nước này tính theo tỷ lệ phần trăm so với thu nhập khả dụng của họ lên đến mức kỷ lục 130,9%. Thu nhập khả dụng là thu nhập mà hộ gia đình có thể sử dụng sau khi đã nộp thuế thu nhập cá nhân và bảo hiểm xã hội.
Tổng nợ hộ gia đình ở Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng với các khoản vay mới đã giải ngân lên tới 3,7 ngàn tỉ nhân dân tệ trong 5 tháng đầu năm năm, theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu cao cấp của Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải. Con số này cao hơn 1,1 ngàn tỉ nhân dân tệ so với cùng kỳ của năm 2020.
Vay nợ để mua bất động sản và cổ phiếu
Nợ hộ gia đình ở Trung Quốc tăng nhanh vì nhiều lý do nhưng xu hướng đáng lo ngại nhất là các hộ gia đình trung lưu đang vay nợ ồ ạt để mua bất động sản hoặc cổ phiếu, tận dụng đà phục hồi kinh tế. Chồng của Jane Jeng nói: “Trong 2 năm qua, các gia đình trung lưu và giàu có mà tôi biết đều tăng vay nợ để mua bất động sản và cổ phiếu”.
Vì vay đầu tư quá lớn, nhiều hộ gia đình đang thiếu tiền để trả nợ, buộc phải bán các bất động sản hiện tại với giá rẻ.
Nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chưa phục hồi hoàn toàn sau cao trào của cuộc khủng hoảng Covid-19 năm ngoái, phải vay những khoản vay cá nhân để duy trì hoạt động kinh doanh.
Raymond Hu, chủ một doanh nghiệp dịch thuật và in ấn ở Quảng Châu, là một trong những doanh nhân đang vay nợ để vượt qua đại dịch. Hồi tháng 6, ông thế chấp căn hộ trị giá 3 triệu nhân dân tệ để vay tiền duy trì hoạt động kinh doanh. “Nếu tôi không làm vậy, tôi sẽ phải đóng cửa công ty”, Hu nói. Ông cho biết công ty ông thua lỗ hơn 1 triệu nhân dân tệ kể từ khi đại dịch ập đến.
Thông qua các ứng dụng cho vay trực tuyến, những hộ gia đình khác vay tiền với lãi suất cao để trang trải chi phí sinh hoạt hoặc các khoản chi khẩn cấp. Tang Ying, một cư dân Quảng Châu, đang có thu nhập 4.800 nhân dân tệ/tháng nhưng cô đã vay nợ qua ứng dụng 18.000 nhân dân tệ trong 4 tháng thất nghiệp vào năm ngoái. Giờ đây, cô đang phải trả lãi gần 16% mỗi năm cho khoản nợ này. Wang Yan, chủ một doanh nghiệp sản xuất máy móc chế biến lương thực, cho biết hầu hết công nhân ở nhà máy của ông đều vay nợ để mua nhà hoặc để mua sắm của hồi môn cho con gái đi lấy chồng.
Bào mòn thu nhập khả dụng
Bất kể lý do gì, chi phí trả nợ đang bào mòn thu nhập khả dụng của các hộ gia đình Trung Quốc, mà trong trường hợp nếu không vay nợ, có thể được sử dụng để mua hàng hóa và dịch vụ, giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế vẫn bất ổn vì đại dịch Covid-19, giớ lãnh đạo Trung Quốc tăng tốc kế hoạch chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang một mô hình tăng trưởng dựa vào thị trường nội địa khổng lồ. Nhưng khi các khoản nợ hộ gia đình ngày càng tăng, có nhiều ý kiến lo ngại cho rằng kế hoạch đó có thể khó thúc đẩy nhanh được
Tháng trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) bất ngờ thông báo hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) ở các ngân hành thương mại để bơm 1.000 tỉ nhân dân tệ (154,6 tỉ đô la) vào nền kinh tế. Giới phân tích cho rằng động thái này cho thấy Bắc Kinh đang sốt sắng tìm cách giảm chi phí nợ vay ngân hàng và áp lực đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với khu vực kinh tế tư đang sử dụng lực lượng lao động lớn nhất, động thái hạ RRR này có thể được xem là nỗ lực nhằm cải thiện thị trường lao động đang ảm đạm và giảm áp lực nợ hộ gia đình đang gia tăng.
Đối với Jane Jeng, việc hạ tỷ lệ RRR là tin vui vì cô hy vọng nó sẽ giúp tăng thanh khoản đáng kể cho thị trường bất động sản ở Thâm Quyến, giúp gia đình cô bán một căn hộ 3 phòng ngủ để thu về 8-9 triệu nhân dân tệ. Tuy nhiên, tháng trước, giới chức trách Thâm Quyến tăng mức đặt cọc đối với hộ gia đình mua căn nhà thứ 2, buộc họ phải trả trước ít nhất 5 triệu nhân dân tệ. Điều này khiến kế hoạch bán nhà của cô khó khăn hơn.
Hầu hết các nhà phân tích dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ dễ dàng vượt 8% trong năm nay, nhưng nhiều yếu tố có thể làm chệch hướng dự báo này, bao gồm dân số già, hiệu quả kinh doanh đang suy giảm của các ngân hàng và mức nợ gia tăng của các chính quyền địa phương cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Mức nợ hộ gia đình quá lớn và tác động của nó đối với tiêu dùng nội địa cũng là một mối lo ngại đối với triển vọng tăng trưởng.
Theo South China Morning Post