TP.HCM đang thực hiện giãn cách toàn xã hội, đặc biệt từ ngày 26-7 thì người dân không được ra đường sau 18 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau, các cơ sở kinh doanh dịch vụ... đều đóng cửa.
Dắt bộ xe 10 km về TP Thủ Đức
Ngày 26-7, anh Ngô Tùng, phóng viên của một tờ báo trung ương đang công tác tại TP.HCM đi tác nghiệp từ phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức qua quận 1.
Đến khoảng 17 giờ, anh Tùng tiếp tục đi bến xe Miền Đồng (quận Bình Thạnh) để ghi nhận cảnh CSGT tỉnh Phú Yên vào TP.HCM dẫn đường cho đoàn xe đón người dân tại TP.HCM về Phú Yên.
Tác nghiệp xong, khoảng 18 giờ 30 anh Tùng vào bãi gửi xe dắt xe máy ra về thì phát hiện bánh sau bị lủng. Anh đã tìm cách vá xe nhưng không có cửa hàng, nhà dân nào mở cửa.
Anh Tùng gọi điện nhờ bạn bè hỗ trợ nhưng không ai dám ra đường nên đành phải dắt bộ xe đi về nhà.
“Tôi không dám leo lên xe đi vì sợ hư mâm, vỏ xe. Tôi quyết định dắt xe bộ để về phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức với quãng đường hơn 10 km”- anh Tùng nói thêm.
PV Ngô Tùng cho CSGT biết đã dắt bộ gần 10 km vì bánh xe bị lủng khi đi tác nghiệp. Ảnh: TỰ SANG
Cũng theo anh Tùng, dọc đường đi từ bến xe Miền Đông – Phạm Văn Đồng – chợ Thủ Đức – Võ Văn Ngân – ngã tư Thủ Đức và về tận tới phòng trọ tại phường Hiệp Phú đều không có nhà dân hay tiệm sửa xe nào mở cửa.
Trong khoảng thời gian đi về, anh Tùng đeo trên vai một ba lô chứa máy ảnh, máy quay, máy tính và các thiết bị tác nghiệp.
Khi được CSGT hỏi lý do ra đường sau 18 giờ anh Tùng nói: "Tôi đi tác nghiệp thì xe bị lủng bánh, đi dọc đường phải dừng nghỉ nhiều lần vì mệt quá"
Anh Tùng cũng cho biết anh phải mất gần 3 tiếng đồng hồ mới về đến nhà.
May mắn được người đi đường giúp đỡ
Còn chị Nga - PV một tờ báo ở TP.HCM, cho biết ngày 15-7 chị đi tác nghiệp ở quận Bình Tân. Đến 11 giờ 30 lấy xe máy ra về thì xe không nổ máy được, người dân gần đó cũng hỗ trợ xem giúp nhưng xe vẫn không nổ máy.
Chị Nga đành phải dắt bộ, đi được tầm khoảng 1 km giữa trời nắng nóng khiến mồ hôi đầm đìa, chị ức chế đến xém khóc.
Rất may, sau đó chị Nga được mọi người trong đoàn đi tác nghiệp đến hỗ trợ đẩy bộ đi tìm tiệm sửa xe. Tuy nhiên phải đi thêm khoảng 5 km, chị Nga và mọi người trong đoàn mới năn nỉ được một người đi đường sửa giúp khi tiệm sửa xe của người này đã đóng cửa.
“Khi nhờ được sửa xe thì chúng tôi vỡ oà vì vui", chị Nga nói thêm.
Hay hôm 3-8, người mẹ tên Lê Thị R., 64 tuổi được con gái chở bằng xe máy từ Tây Ninh xuống TP.HCM để chạy thận. Lúc ra về thì quá 18 giờ và không may xe bị lủng bánh.
Sau đó hai mẹ con đành dắt bộ về Tây Ninh, khi đến chốt kiểm soát dịch trên quốc lộ 22 (xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi) thì tổ công tác của Trạm CSGT Tây Bắc (PC08, Công an TP.HCM) dừng để kiểm tra.
Bà R. trình ra giấy chứng nhận điều trị của bệnh viện, phải chạy thận nhân tạo định kỳ. Tổ công tác lập tức dùng xe đặc chủng đưa hai mẹ con tới chốt kiểm soát thuộc tỉnh Tây Ninh và nhờ chốt này hỗ trợ đưa về nhà.
Trước đó, ngày 26-7, Đội CSGT-TT Công an TP Thủ Đức đang làm nhiệm vụ tại góc đường Võ Văn Ngân – Đặng Văn Bi thì phát hiện một xe ba gác máy đang chở máy bơm hơi cùng nhiều thiết bị sửa xe lưu động.
CSGT đã dừng xe này kiểm tra để hỏi lý do ra đường sau 18 giờ, tài xế cho biết nhận được cầu cứu của người dân có xe tải bị lủng bánh nên đi vá xe lưu động cho người dân.
Sau khi kiểm tra thông tin tài xế nói là chính xác, CSGT đã cho phép xe này tiếp tục lưu thông.
Các trường hợp được ra đường sau 18 giờ tại TP.HCM Ngày 26-7, UBND TP.HCM có văn bản khẩn về tăng cường các biện pháp giảm mật độ lưu thông trên đường phố ở TP.HCM. Theo đó, UBND TP yêu cầu mọi người dân trên địa bàn TP hạn chế tối đa ra đường, cơ sở kinh doanh phải đóng cửa từ 18 giờ đến 6 giờ (hàng ngày). Tuy nhiên, có năm trường hợp được đi ra đường, gồm: - Cấp cứu, các lực lượng làm công tác phòng chống dịch hoặc các lực lượng hỗ trợ theo yêu cầu điều phối để phòng chống dịch bệnh của cơ quan, chức năng, chính quyền địa phương. - Cán bộ, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo, đài thực hiện nhiệm vụ chính trị trên địa bàn TP, bao gồm cả công tác phát hành báo. - Lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đô thị; lực lượng xử lý sự cố về: điện, nước, hệ thống thông tin và hệ thống hạ tầng kỹ thuật. - Các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu; phương tiện đưa đón lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch; phương tiện đưa đón công nhân tại các doanh nghiệp đang thực hiện “1 cung đường – 2 điểm đến”; phương tiện vận chuyển vật tư phục vụ sản xuất, hàng hóa xuất nhập khẩu. - Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở 12 cửa ngõ chính của TP.HCM. Ngoài ra, ngày 2-8, UBND TP cũng đã có văn bản cho phép dịch vụ vận chuyển bưu chính được hoạt động và di chuyển trên đường từ 18 giờ đến 6 giờ hàng ngày. |