Bộ Y tế vừa có công điện gửi chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Trong đó yêu cầu các địa phương cần đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine, tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn cho người được tiêm.
Người dân trong khu phong ở TP Thủ Đức được tiêm vaccine đợt 6
Tuyệt đối không để xảy ra lãng phí trong tiêm chủng vaccine
Cụ thể, các địa phương tổ chức tiêm chủng cho tất cả trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn; ưu tiên cho các địa bàn, khu vực đang có dịch và tiêm ngay cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền, các nhân viên đại sứ quán, lãnh sự quán các nước tại Việt Nam và lực lượng tuyến đầu về phát triển kinh tế (các nhà đầu tư, doanh nghiệp, khu công nghiệp, nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhóm bảo đảm lưu thông, cung cấp hàng hóa thiết yếu…).
Chủ tịch UBND tỉnh, TP quyết định đối tượng được tiêm phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu phòng chống dịch trên địa bàn.
Các địa phương huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành…; tổ chức tiêm ngay cho lực lượng y tế cả nhà nước, tư nhân, dược sĩ, người lao động, người làm trong các nhà máy, doanh nghiệp sản xuất thuốc, trang thiết bị, sản xuất, lưu thông ôxy…; tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị.
Đồng thời chuẩn bị đầy đủ hệ thống kho bảo quản vaccine. Tuyệt đối không để xảy ra lãng phí trong tiêm chủng vaccine.
Bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Không giới hạn số lượng người tiêm trong mỗi buổi tiêm chủng, phát huy tối đa năng lực của các điểm tiêm chủng. Thực hiện tiêm cuốn chiếu, khu vực nào xong khu vực đó để tạo ra vùng xanh an toàn trong khu vực đang bùng phát dịch.
Tại các khu phong tỏa, chính quyền địa phương căn cứ số lượng người dân để bố trí các điểm tiêm chủng cố định hoặc lưu động phù hợp, tránh để người dân phải di chuyển đến các khu vực khác khi tham gia tiêm chủng.
Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
TP.HCM có nguy cơ thiếu vaccine từ ngày 9-8
Theo thông tin Sở Y tế TP.HCM vào sáng 8-8, trong tổng số 262.471 người được tiêm vaccine vào ngày 7-8, có 398 người phản ứng sau tiêm 30 phút, tất cả an toàn. Đây là ngày có số lượt người tiêm vaccine cao nhất, tăng 12.228 lượt so với ngày 6-8.
Như vậy, bắt đầu từ đợt 5 (ngày 22-7) đến hết ngày 7-8, TP.HCM đã tiêm được 2.108.186 liều. Trong khi đó số vaccine TP.HCM đã nhận từ Bộ Y tế tính từ ngày 22-7 đến nay là 2.595.490 liều.
Sở Y tế đánh giá với tốc độ tiêm khá cao hiện nay, nếu Bộ Y tế không kịp thời phân bổ vaccine thì dự kiến hết ngày 9-8, TP sẽ đối diện với việc thiếu vaccine tiêm diện rộng như vừa qua.
TP.HCM bắt đầu tiêm vaccine đợt 5 vào chiều 22-7 và kết thúc sớm hơn kế hoạch. Phó Bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh TP.HCM đạt mục tiêu tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng sớm nhất. Do vậy, TP.HCM đang tổ chức lại và huy động các nguồn lực phấn đấu tiêm 300.000 liều/ngày. Trong tháng 8, nếu đảm bảo nguồn cung liên tục, TP.HCM sẽ cố gắng tiêm để đạt được tỉ lệ miễn dịch cộng đồng 70%-80% dân số trên 18 tuổi.
Trước đó, ngày 3-8, UBND TP.HCM gửi văn bản đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19, đề xuất được cấp 5,5 triệu liều vaccine từ ngày 5-8 và theo tiến độ liên tục đến 31-8. Trong thời gian này, TP cần trung bình mỗi ngày 210.000 liều vaccine. Việc này sẽ giúp TP.HCM đạt mục tiêu tiêm cho 7 triệu người từ 18 tuổi trở lên tại TP.
Sau kiến nghị của TP.HCM, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục ưu tiên cấp vaccine cho các tỉnh phía Nam, trong đó có TP, đồng thời xây dựng phương án phân bổ các lô tiếp theo.
Đến nay, TP.HCM là địa phương nhận nhiều vaccine nhất cả nước với hơn 4 triệu liều. Tỉ lệ phân bổ trên dân số TP từ 18 tuổi đạt 29%.•
Phân bổ thuốc Remdesivir đến các bệnh viện hồi sức TP.HCM Bắt đầu từ ngày 8-8, 10.000 lọ thuốc Remdesivir đầu tiên được Bộ Y tế phân bổ cho các bệnh viện hồi sức tại TP.HCM để điều trị bệnh nhân COVID-19. Đây là số thuốc nằm trong số 50.000 lọ về Việt Nam đêm 5-8. Remdesivir là thuốc kháng virus, được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt khẩn cấp hồi tháng 10-2020 để điều trị bệnh nhân COVID-19. Remdesivir có tác dụng rút ngắn thời gian hồi phục và giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân diễn tiến nặng. |
Bộ Y tế đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến vaccine Vero Cell Bộ Y tế vừa có công văn gửi UBND TP.HCM đề nghị làm rõ một số vấn đề liên quan đến vaccine Vero Cell. Theo đó, ngày 13-7, Bộ Y tế nhận được công văn của Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco) về việc đề nghị ký cam kết miễn trừ trách nhiệm nhà sản xuất Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd (Trung Quốc) sản xuất vaccine ngừa COVID-19 Vero Cell. Tiếp đến ngày 26-7, văn phòng đại diện China National Pharmaceutical Foreign Trade Corporation tại Hà Nội gửi công văn cho Bộ Y tế về việc ký kết cam kết miễn trừ trách nhiệm đối với nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19 (Vero Cell) Inactivated. Để làm rõ những vấn đề liên quan trên, Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM cho biết ý kiến của TP về việc giới thiệu Công ty Sapharco và văn phòng đại diện China National Pharmaceutical Foreign Trade Corporation tại Hà Nội được thực hiện việc đàm phán, mua vaccine ngừa COVID-19 Vero Cell và đề nghị Bộ Y tế ký bản cam kết miễn trừ trách nhiệm của nhà sản xuất vaccine. Đồng thời, Bộ Y tế đề nghị UBND TP.HCM cam kết thực hiện việc tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển, phân bổ, sử dụng vaccine để tiêm miễn phí cho người dân theo đúng quy định và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, bảo đảm an toàn tiêm chủng. HÀ PHƯỢNG |