Nguyễn Thanh Ngọc Thảo bên cạnh các em nhỏ và sản phẩm băngđô từ vải tái chế - Ảnh: NVCC
Zy, cái tên thân mật mà bạn bè hay gọi Thảo, được cô đặt cho các sản phẩm phụ kiện làm từ vải vụn tái chế của mình.
Sẵn sàng bận rộn với đam mê
Sở thích làm phụ kiện khởi đầu chỉ từ mong muốn tự lập tài chính từ sớm của Thảo, khi cô còn là sinh viên. Năm 2015, Thảo bắt đầu bán các loại vòng tay, trang sức nhằm kiếm thêm tiền tiêu vặt mà không cần xin gia đình.
Cuối năm 2019, Thảo chuyển sang làm phụ kiện từ vải. Các sản phẩm cô làm ra được bán để gây quỹ cho một dự án cộng đồng về nước sạch tại tỉnh Lào Cai. Đầu năm 2020, Ngọc Thảo tình cờ chú ý đến những mảnh vải vụn trong một lần ghé thăm tiệm may của người thân tại Cần Thơ.
Mang những mảnh vải thừa này về, cô gái trẻ thử làm một số phụ kiện với mong muốn đơn giản là "tặng" cho bản thân mình, vừa để thỏa đam mê. Điều khiến Thảo bất ngờ là những sản phẩm tái chế này sau khi vô tình "lọt" vào tầm mắt của bạn bè cô lại rất được yêu thích và ủng hộ. Dự án Made by Zy sản xuất phụ kiện từ vải thừa chính thức ra đời từ khoảnh khắc ấy.
Hiện tại, Ngọc Thảo vẫn dành thời gian chính trong tuần cho công việc giảng dạy. Những ngày cuối tuần, cô lại trở về với góc nhỏ may vá của mình để "chơi đùa" cùng những mảnh vải.
"Mình luôn muốn bản thân ở tâm thế sẵn sàng làm việc. Đây là khoảng thời gian mình làm được những điều mình yêu thích. Mình tin rằng khi nhìn lại, mình sẽ có nhiều kỷ niệm đáng giá và không có gì để nuối tiếc", Thảo cười.
Thảo nói dì của cô - chủ tiệm may và cũng là người cho cô nguyên liệu tái chế - nhìn thấy được sự thiết thực trong dự án, từ đó hết lòng ủng hộ Thảo.
"Thay vì trước đây phải bỏ toàn bộ vải thừa đi, giờ đây chúng đã được sử dụng có ích hơn. Dì cũng là người gợi ý cho mình làm nhiều loại sản phẩm từ vải thừa", cô tiết lộ. Dần dà, khi dự án của Thảo được nhiều người biết đến, nguồn vải của cô cũng mở rộng hơn. Đó là các cô, chú đang làm chủ tiệm may.
Cũng như dì của Thảo, họ mong những mảnh vải thường ngày nằm dưới đất, sau đó bị gom lại thải ra môi trường, giờ sẽ có một cuộc sống mới hơn. Chúng sẽ trở thành những chiếc cột tóc, túi đựng bình nước, băngđô, bông tai, bao thư... dưới bàn tay và đam mê của Thảo.
Học kinh nghiệm từ thất bại
Trong chia sẻ của mình, Ngọc Thảo chưa một lần ngần ngại khi nói về thất bại. Là người trẻ làm kinh doanh, Thảo nói có những lúc cô thấy mình như ở "đường hầm", nhưng rồi lại nỗ lực, tìm cách chuyển mình để tìm được "ánh sáng".
Với những chiếc cột tóc đầu tiên, Thảo mất một tiếng cho mỗi sản phẩm. Cô "vật lộn" với việc cắt, ghép vải và may vá vì chưa tìm ra nguyên tắc may. Rồi những sản phẩm Thảo làm ra cũng không được thị trường đón nhận. Giá thành không cạnh tranh, thiếu kinh nghiệm để thương mại hóa sản phẩm, Thảo nói cô bị từ chối đến mức... nản. Cộng sự của Thảo từ những ngày đầu làm dự án cũng rời đi vì mong tìm được công việc ổn định hơn.
"Cảm giác lúc đó của mình là chông chênh và áp lực" - Thảo nói về quyết định rời khỏi vùng an toàn với công việc làm giáo viên ổn định để làm thêm mảng kinh doanh.
Vậy nhưng, với Thảo, những cảm xúc tiêu cực chỉ có thể ở lại một thời gian ngắn chứ không thể khiến cô từ bỏ đam mê. Cô tự mày mò ra cách may cột tóc, để rồi giờ đây chỉ cần 2 - 3 phút đã hoàn thành một sản phẩm, mỗi ngày có thể làm được 100 chiếc cột tóc.
Sau khi liên tục bị từ chối đầu ra cho sản phẩm, Thảo tìm đến một nhóm chia sẻ ý tưởng tái chế - tái sử dụng để chia sẻ về hành trình thực hiện cột tóc từ vải vụn của mình. Tâm huyết mà Thảo đặt trong từng câu chữ đã khiến cộng đồng quan tâm. Trong đó, một người lạ đã chủ động nhắn tin mời Thảo mang sản phẩm đến cửa hàng bán các sản phẩm thân thiện với môi trường để trưng bày. Cô nói mình như nhìn thấy "ánh sáng cuối đường hầm", chỉ từ những nỗ lực đến từ đam mê và cái tâm.
Mỗi điều không vui xảy ra trong hành trình làm dự án của Thảo cuối cùng đều dạy cho cô những bài học và kinh nghiệm. Cô cẩn thận hơn trong việc lựa chọn người đồng hành trong dự án.
Tháng 2-2021, Thảo thực hiện quy trình tái chế, thu hồi quần áo cũ, nhưng kế hoạch thất bại do thiếu nhân sự và khó kiểm soát chất lượng quần áo thu gom. Không nản, Ngọc Thảo chuyển hình thức thành những buổi workshop nhỏ - nơi người tham dự tự mang quần áo cũ của mình đến để tự tay tái chế thành sản phẩm mới như kẹp tóc, cột tóc, băng đô...
Mùa dịch, Thảo chuyển sang hình thức bán hàng trực tuyến và liên kết với các sàn thương mại điện tử chuyên bán sản phẩm thân thiện với môi trường để tiếp cận khách hàng. Cô mong ngoài chất liệu vải, Made by Zy có thể tái chế nhựa thành các sản phẩm mang tính ứng dụng cao trong thời gian tới.
Lan tỏa đến người trẻ
Ngọc Thảo cho biết các sản phẩm của cô hầu hết đều có giá thành phù hợp với túi tiền của học sinh, sinh viên. Cô mong mỗi người trẻ đều có thể tiếp cận với các sản phẩm thân thiện với môi trường, từ đó hình thành thói quen sống xanh hơn.
Bên cạnh đó, Thảo mở các workshop dành cho giới trẻ và cho các bé từ 6 - 12 tuổi. Ở đó, cô chia sẻ kiến thức về các loại vải, cách phân loại và sử dụng từng loại cũng như tác hại của chúng nếu bị thải ra môi trường. Ngọc Thảo hướng dẫn người tham gia tự tay làm ra các sản phẩm tái chế từ vải. Đối với trẻ em, Thảo mong thời gian đến với workshop không chỉ giúp các bé làm quen với việc tái chế sản phẩm mà còn giảm bớt thời gian tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính bảng, đồng thời kích thích sự sáng tạo, đam mê ở các em.
Hiện nay, Thảo cũng hỗ trợ các dự án về môi trường do học sinh, sinh viên thực hiện. Cô trích từ 20 - 25% doanh thu để các bạn duy trì hoạt động.
Dự kiến, trong tháng 8, Ngọc Thảo phối hợp với Đoàn phường 5 (quận 10) thực hiện chương trình trực tuyến chủ đề "Bé khéo tay" - hướng dẫn làm sản phẩm tái chế từ vải vụn, ly và ống hút nhựa thành đồ chơi.
TTO - Một ngày đọc được bài viết về lối sống tối giản, cô sinh viên xắn tay dọn dẹp tủ quần áo của mình. Có tài may vá, cô tận dụng quần áo cũ để may túi vải, hộp bút cho mình... Bạn bè thấy đẹp quá liền đặt hàng, cùng nhau theo đuổi lối “sống xanh”.
Xem thêm: mth.53202939090801202-neik-uhp-hnaht-nuv-iav-neib-em-ert-oaig-oc/nv.ertiout