Cầu Trường Tiền như một chiếc lược chải lên dòng nước trong xanh của Hương Giang - Ảnh: PHAN THÀNH
Ba lần cầu sụp đổ vì thiên tai và chiến tranh. Bốn lần cầu thay tên đổi họ. Và chỉ cái tên cầu thôi đã thấy thăng trầm của lịch sử.
Cầu Thành Thái và nỗi đau nô lệ
Cầu Trường Tiền ra đời in đậm dấu ấn kiến tạo của hai nhân vật chính trong lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, đó là vua Thành Thái và quan toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.
Đích thân P. Doumer đã lấy niên hiệu vua để đặt tên là cầu Thành Thái. Điều đó đúng với vai trò của vua Thành Thái trong việc sinh thành chiếc cầu này, khởi đầu từ chỉ dụ của vua vào tháng 9-1896: "Chính trị nhân đức không gì quan trọng bằng gia ân cho dân. Gần đây, phàm tiến hành làm các cầu đường là để tiện cho dân vậy. Nay theo lời Viện Cơ mật tâu, nghĩ nên làm một cây cầu sắt để tiện thông hành".
Toàn quyền P. Doumer đề nghị nên làm một cây cầu rộng rãi, chịu tốn kém một lần để yên ổn lâu dài, chính phủ bảo hộ đã hỗ trợ phần chi phí tăng thêm. Tháng 10 năm Giáp Tý 1900, vua Thành Thái và toàn quyền P. Doumer cắt băng khánh thành chiếc cầu sắt qua sông Hương.
Lên ngôi năm 10 tuổi (1889), đến năm xây xong chiếc cầu này (1900) thì nhà vua đã 21 tuổi. Các tài liệu lịch sử triều Nguyễn cho biết vua Thành Thái là người chống Pháp nhưng không bài ngoại, có tư tưởng cấp tiến, nên chủ động tìm hiểu kỹ thuật tân tiến của phương Tây. Ông có nhiều dự kiến cải cách nhằm canh tân nước nhà, nhưng đưa ra cách gì cũng bị khâm sứ Pháp cản trở.
Khi cơn bão Giáp Thìn 1904 hất văng bốn vài cầu Thành Thái xuống sông, vua đã tỏ thái độ bằng một bài thơ thuận nghịch, đọc xuôi cũng được đọc ngược cũng xong: "Cao điện chốn đều thay ngói cũ/ Sắt cầu nơi lại uốn lưng cong/ Cong lưng uốn lại nơi cầu sắt/ Cũ ngói thay đều chốn điện cao".
Đó là tâm trạng xót xa, tủi nhục của nhà vua trước cảnh triều đình mất quyền, quần thần bất lực trước ngoại bang. Càng ngày xung đột càng cao độ, vua trở nên u uất và chống đối quyết liệt. Tháng 7-1907, người Pháp cho rằng vua bị bệnh điên nên buộc vua phải thoái vị.
Tháng 11-1916, ông bị đày sang đảo Reunion (châu Phi) cùng với con trai (là vua Duy Tân) cũng vừa bị Pháp phế truất. Nhưng cầu Thành Thái thì vẫn còn giữ tên cho đến ba năm sau.
Cầu Trường Tiền là công trình kiến trúc đặc sắc, góp phần làm nên vẻ đẹp Huế - Ảnh: HOÀNG HẢI
Cầu Clemenceau - cái tên xa lạ
Tháng 7-1919, quyền toàn quyền Đông Dương lúc này là ông M.A.F. Montguillot (mới giữ tạm quyền thay ông Albert Sarraut) ban hành nghị định "Đặt tên cầu Huế". Từ ngày 14-7-1919, cầu Huế có tên Thành Thái sẽ đổi tên là cầu Clemenceau. Văn bản này được in trong Công báo Trung Kỳ (Bulletin administratif de l'Annam) năm 1919.
Năm đó, hoàng đế An Nam là vị vua có niên hiệu Khải Định, vừa mới lên ngôi vào tháng 4-1916, sau khi vua Duy Tân (hoàng tử của vua Thành Thái) bị truất phế bởi những hành động chống Pháp. Nhưng Clemenceau là ai mà người Pháp muốn đặt thay tên cho cầu Thành Thái?
Clemenceau là tên của thủ tướng nước Pháp vào thời điểm đó. Ông này làm thủ tướng Pháp trong hai khoảng thời gian năm 1906 - 1909 và 1917 - 1920. Ở châu Âu, Georges Clemenceau đang là cái tên vang dội, vì ông này là người đã lãnh đạo nước Pháp chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ nhất vừa kết thúc vào tháng 11-1918.
Nhưng ở Huế, người dân chẳng biết Clemenceau là ai cả. Năm 1954, thực dân Pháp rút khỏi Đông Dương theo thỏa thuận của hiệp định Genève, mang theo cái tên cầu Clemenceau vào dĩ vãng.
Cầu Trường Tiền là công trình kiến trúc đặc sắc, góp phần làm nên vẻ đẹp Huế - Ảnh: HOÀNG HẢI
Cầu Nguyễn Hoàng - dấu ấn "thoát Tây"
Rất ít người Huế biết rằng cầu Trường Tiền đã từng mang tên cầu Nguyễn Hoàng - tên của vị chúa Nguyễn đầu tiên khai mở xứ Đàng Trong. Tên cầu Clemenceau được đổi thành cầu Nguyễn Hoàng vào tháng 5-1945, gắn liền với các sự kiện "xóa bỏ tên Tây" ngay sau khi Nhật vừa đảo chính Pháp trên toàn cõi Đông Dương.
Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, tác giả sách Huế - tên đường phố xưa & nay, sau khi Nhật đảo chính Pháp, vua Bảo Đại cho lập nội các mới do ông Trần Trọng Kim làm tổng trưởng vào ngày 17-4-1945. Một tháng sau (5-1945), hội đồng nội các đã đệ trình vua Bảo Đại phê duyệt sắc lệnh tổ chức lại hoạt động hành chính, trong đó có yêu cầu dùng tiếng Việt hệ quốc ngữ thay tiếng Pháp; xóa bỏ tên đường phố, trường học, công viên... bằng tiếng Pháp và thay lại bằng tiếng Việt.
Thành phố Huế là nơi đầu tiên thực hiện sắc lệnh này và cầu Clemenceau được đổi thành cầu Nguyễn Hoàng. Trong sách Việt Nam 1945, sử gia Hoa Kỳ David Marr cho biết hành động đó của chính phủ Trần Trọng Kim là nhằm kết thúc sự phụ thuộc vào Pháp.
Tuy nhiên, tên cầu Nguyễn Hoàng rất ít được nhắc đến. Các văn bản của chính quyền cách mạng lâm thời cũng như các sách báo thời kỳ sau đó đều gọi là cầu Trường Tiền. Và cứ thế, cái tên cầu Trường Tiền của dân gian đã đi vào văn bản chính thống của nhà nước tự khi nào chẳng rõ.
Tên cầu Trường Tiền đã được trả lại theo nguyện vọng của người dân Huế - Ảnh: M.TỰ
Cầu Trường Tiền - sức sống của người dân
Trường Tiền là cái tên đã có từ trước khi xây dựng cây cầu này. "Trường Tiền" là xưởng đúc tiền. Theo Từ điển nhà Nguyễn của Võ Hương An, năm 1775 chúa Trịnh sau khi chiếm được thành Phú Xuân đã cho lập xưởng đúc tiền ở vị trí bên tả ngạn sông Hương, cách cửa Thượng Tứ khoảng 500m.
Bến đò cạnh đó được gọi là bến đò Trường Tiền. Và cây cầu sắt xây dựng chỗ bến đò đó cũng gọi là cầu Trường Tiền. Cái tên vừa dễ nhớ mà lại chứa đựng biết bao tâm sự của người dân xứ Huế.
Năm 1939 diễn ra cuộc đại trùng tu cây cầu sắt mà báo Tràng An gọi là "công trình kiến trúc vĩ đại nhất mà chánh phủ Bảo hộ đã làm tại kinh đô Huế", nhưng tờ báo bị xem là "thân Tây" này vẫn không muốn gọi là "cầu Clemenceau".
Trên trang nhất số báo ra ngày 4-7-1939, trong bài "Điều tra chung quanh việc mở rộng cầu Trường Tiền", báo này viết: "Thấy cầu ấy làm tại Trường - tiền (...) thì gọi là cầu Trường - tiền, xưa nay vẫn quen gọi vậy và ít ai để ý đến sự thay đổi danh hiệu của cái cầu ấy. Không ngờ thói quen ấy lại là một cách xử thế thật khôn ngoan đáo để...".
Và báo Tràng An đã có một đánh giá rất công bằng: "Mỗi khi chúng ta để chân lên chiếc cầu rộng rãi tốt đẹp ấy, thì cũng nên nhớ rằng nó là một công trình vĩ đại của chánh phủ Bảo hộ, và cũng là vật cấu tạo của hàng ngàn, hàng vạn, hàng ức, hàng triệu giọt mồ hôi, nước mắt của chúng ta".
Sau 121 năm cây cầu Trường Tiền có mặt trên đất Huế với biết bao biến đổi theo thời cuộc, chúng tôi vẫn thấy nhận xét đó là xác đáng.
Cầu được chiếu sáng nghệ thuật và là sân khấu biểu diễn của nhiều lễ hội - Ảnh: MINH TỰ
Cầu được chiếu sáng nghệ thuật và là sân khấu biểu diễn của nhiều lễ hội - Ảnh: TRƯƠNG VỮNG
Cầu Trường Tiền có mấy vài, mấy nhịp?
Người dân Huế cũng như không ít sách báo xưa nay vẫn cho rằng cầu Trường Tiền có 6 vài 12 nhịp, xuất phát từ câu ca dao nổi tiếng: "Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp/Em qua không kịp tội lắm anh ơi...".
Tài liệu về cầu Trường Tiền của Sở GTVT Thừa Thiên Huế cho biết "cầu gồm có 6 nhịp dầm thép mạ cong hình vành lược". Từ điển tiếng Việt do Hoàng Phê chủ biên (NXB Đà Nẵng, 2003) giải thích nhịp cầu là khoảng cách giữa hai trụ hoặc mố cầu liền nhau. Trong các từ điển tiếng Việt không có từ "vài cầu" mà chỉ có từ "vì cầu" hoặc "vày cầu". Có lẽ "vài cầu" là biến âm của hai từ đó.
Từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê giải thích vày cầu tức là vì cầu, "vì cầu là kết cấu nối liền nhịp giữa hai mố cầu và tựa lên các mố đó". Từ các giải thích đó, đối chiếu thực tế thì thấy rõ cầu Trường Tiền có 6 nhịp (tựa lên 5 trụ và 2 mố hai đầu cầu), trên mỗi nhịp có hai vài cầu bằng thép hình vành lược. Như vậy, cầu Trường Tiền chính xác là có 6 nhịp, 12 vài.
TTO - Ai đến Huế vào những năm sau 1975 mà không xót xa khi nhìn hình ảnh chiếc cầu Trường Tiền tiều tụy chỉ còn năm vài sét gỉ với nhiều thương tích đầy mình.