Theo Times Now, mặc dù không phải ai mắc bệnh tiểu đường loại 2 cũng thừa cân, nhưng béo phì và lối sống lười vận động là hai trong số những nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh tiểu đường loại 2.
Chế độ ăn uống không khoa học và lối sống lười vận động là một trong những nguyên nhân liên quan đến bệnh tiểu đường. Ảnh: NHẬT LINH
Insulin là một loại hormone được tạo ra bởi tuyến tụy, hoạt động giống như một chiếc chìa khóa để đưa lượng đường trong máu vào các tế bào trong cơ thể để sử dụng làm năng lượng. Khi một người phát triển bệnh tiểu đường loại 2, các tế bào không phản ứng bình thường với insulin; điều này được gọi là kháng insulin.
Tuyến tụy của bệnh nhân tạo ra nhiều insulin hơn để cố gắng làm cho các tế bào đáp ứng. Cuối cùng, tuyến tụy không thể theo kịp và lượng đường trong máu của bạn tăng lên, tạo tiền đề cho bệnh tiền tiểu đường và tiểu đường loại 2.
Đường huyết cao ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe?
Đường huyết cao có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như bệnh tim, giảm thị lực và bệnh thận.
Theo Viện quốc gia về bệnh tiểu đường, bệnh tiêu hóa và bệnh thận (NIDDK), người ta có thể kiểm soát bệnh tiểu đường bằng cách thay đổi lối sống bao gồm lập kế hoạch các bữa ăn lành mạnh, hạn chế calo nếu bạn thừa cân và hoạt động thể chất cũng là một phần trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
Trong số nhiều bước mà các bác sĩ khuyên để kiểm soát lượng đường trong máu, thời gian của các bữa ăn cũng đóng một vai trò trong việc kiểm soát lượng đường trong máu.
Người bị tiểu đường nên ăn vào thời gian nào?
Một số người mắc bệnh tiểu đường cần ăn vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Những người khác có thể linh hoạt hơn với thời gian bữa ăn của họ. Một số bác sĩ cũng khuyên rằng kích thước khẩu phần và khẩu phần ăn của bạn nên giữ gần như giống nhau về lượng calo, càng nhiều càng tốt.
Nếu bạn dùng insulin “mealtime”, lịch trình ăn uống có thể linh hoạt hơn.
Nếu bạn sử dụng một số loại thuốc tiểu đường hoặc insulin thì đừng bao giờ bỏ bữa, vì khi đó mức đường huyết của bạn có thể giảm xuống quá thấp - có thể phát triển thành một tình trạng đe dọa đến sức khỏe và tính mạng.
Bác sĩ đa khoa Sarah Brewer, giám đốc y tế của Healthspan, cho biết: "Thời gian bữa ăn của bạn đóng một vai trò trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Bạn nên đặt mục tiêu ăn vào khoảng thời gian giống nhau mỗi ngày, vì vậy hãy cố gắng tuân thủ thời gian ăn thông thường khi đi ăn ở nhà cũng như khi ăn ở ngoài."
"Ăn ít và thường xuyên trong ngày có thể tốt hơn so với ăn ba bữa lớn nhưng luôn tuân theo lời khuyên của bác sĩ dựa trên loại thuốc bạn đang dùng.", bác sĩ Sarah Brewer cho biết thêm.
Theo Mayo Clinic, chế độ ăn của người bệnh tiểu đường phải bao gồm carbohydrate lành mạnh, thực phẩm giàu chất xơ, cá và chất béo "tốt" (bao gồm dầu ô liu, dầu hạt cải, các loại hạt,...).
Bệnh tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và đột quỵ bằng cách đẩy nhanh sự phát triển của các động mạch bị tắc và cứng. Đó là lý do tại sao bệnh nhân tiểu đường nên tránh ăn thực phẩm có chứa chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa, cholesterol và natri cao, theo Times Now.