Đạo đức của nền tảng mạng xã hội qua câu chuyện hư cấu 'bác sĩ Khoa'
Yên Minh
(KTSG Online) - Thông tin hư cấu về trường hợp một bác sĩ rút ống thở của người nhà để nhường máy thở cho mẹ con sản phụ trong tuần qua tựa như một vệt màu tối trong bức tranh cộng đồng đang kiên trì và nỗ lực gắng gượng vượt qua những ngày gian nan phòng chống dịch bệnh Covid-19. Ở góc nhìn về trách nhiệm đối với cộng đồng, một lần nữa trách nhiệm của các nền tảng mạng xã hội trong cuộc chiến chống tin giả (fake news) lại được đặt ra.
Trước khi thông tin lan truyền trên mạng xã hội về “bác sĩ Khoa rút ống thở của mẹ mắc Covid-19 để cứu sản phụ sắp sinh” được các ngành chức năng tuyên bố là hư cấu và sẽ làm rõ nguồn gốc bài đăng này để xử lý theo quy định của pháp luật, nhiều ý kiến đã đề cập về tính đạo đức của câu chuyện. Những ý kiến này đến từ những người làm việc trong và cả ngoài ngành y, cho rằng việc rút ống thở của người đang điều trị không chỉ liên quan đến những quy định pháp luật mà còn liên quan đến tính nhân đạo. Y bác sĩ là một nghề cao quý, công việc của họ mỗi ngày là chữa bệnh, cứu người. Đây là một nghề nghiệp được quy định rất khắt khe về quyền và nghĩa vụ với nhiều quy định pháp luật, hơn nữa mỗi một sinh viên trường y trước khi tốt nghiệp còn phải tuyên thệ Lời thề Hippocrates.
Do đó, bên cạnh việc lên án tác hại của thông tin giả này, nhiều người sử dụng Facebook cũng đặt vấn đề về việc tại sao một thông tin có liên quan đến yếu tố đạo đức, lại được truyền tải và chia sẻ với tốc độ “chóng mặt” trên Facebook mà không có sự ngăn chặn từ chính nền tảng này.
Gần đây, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát đi lời cảnh báo tin giả về vaccine đang gây tổn hại cho các chương trình tiêm chủng, làm suy yếu cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 ở nhiều quốc gia, thậm chí đẩy tính mạng người dân vào nguy hiểm.
Các loại vaccine ngừa Covid-19 đang được sử dụng trong các chiến dịch tiêm chủng trên khắp thế giới, đem lại hy vọng về một cuộc sống bình thường. Các chủ đề liên quan tới hiệu quả của vaccine, cách thức vaccine hoạt động, hay lời khuyên sau khi tiêm vaccine..., cũng được nhiều người quan tâm, tìm kiếm trên mạng.
Tuy nhiên, không ít thông tin sai lệch, không có căn cứ khoa học, thường với mục đích gây tâm lý nghi ngờ về tính hiệu quả của vaccine, khiến mọi người hoang mang, không đi tiêm chủng hay tẩy chay vaccine... đã được phát tán rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Twitter.
Trung tâm Chống thù ghét trên mạng xã hội (CCDH) - một tổ chức phi lợi nhuận hoạt động nhằm chống lại những phát ngôn gây thù ghét và tin giả trên không gian mạng, hồi tháng 3 đã đưa ra một báo cáo và kêu gọi Facebook, Google, Twitter chặn tài khoản của 12 cá nhân được cho đã tạo ra đến 65% thông tin sai về vaccine ngừa Covid-19 tại Mỹ. Nhóm này có nhiều tài khoản khác nhau với hơn 59 triệu người theo dõi, khiến các thông tin sai lệch lan truyền mạnh mẽ trên mạng, làm nhiều người sợ đi tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Sau đó, vào giữa tháng 7, chính phủ Mỹ đã yêu cầu những “người khổng lồ” công nghệ ở Thung lũng Silicon phải xử lý các thông tin sai lệch liên quan đến vaccine ngừa Covid-19 được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội(*).
Các chuyên gia gọi những thông tin giả, sai sự thật trên mạng xã hội là một loại virus “siêu lây lan” và gây nguy hiểm không kém gì virus SARS-CoV-2. Việc cảnh giác và kiên quyết chống lại tin giả cũng sẽ góp phần vào nỗ lực chung toàn cầu trong cuộc chiến chống Covid-19.
Hiệp hội Chữ thập Đỏ và Trăng lưỡi liềm Đỏ quốc tế (IFRC) cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế kích hoạt cuộc chiến thứ hai - cuộc chiến chống lại nạn tin giả về vaccine ngừa Covid-19, bên cạnh cuộc chiến chống dịch bệnh, bởi sự xuất hiện ngày càng ồ ạt những thông tin sai lệch, nhiễu loạn về vaccine chính là "đại dịch thứ hai" mà thế giới đang đối mặt khi chúng tạo điều kiện cho virus tiếp tục lây lan và hủy hoại những nỗ lực phòng chống Covid-19.
Tại Việt Nam, tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch Covid-19 cũng đang có dấu hiệu gia tăng, gây hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội, đồng thời gia tăng những áp lực, khó khăn lên cuộc sống người dân trong giai đoạn thực hiện nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Trong báo cáo thảo luận chính sách gần đây về an toàn số trong chuyển đổi số quốc gia ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) khuyến nghị 4 giải pháp chính sách để nâng cao vấn đề an toàn trên môi trường số nói chung và ứng phó tin giả nói riêng. Thứ nhất, tăng cường năng lực báo chí chính thống để cung cấp thông tin kịp thời, lấy "tin thật" đẩy lùi tin giả.
Thứ hai, nâng cao nhận thức cho người dân để họ biết cách tránh bẫy thông tin, biết tìm kiếm thông tin từ nguồn chính thống, phân biệt được "thật-giả". Điều này cần bắt nguồn từ hoạt động giáo dục kỹ năng số, kỹ năng sử dụng mạng xã hội cho trẻ em ngay từ tiểu học.
Thứ ba, trong khi nhóm giải pháp thứ nhất và thứ hai cần thời gian dài hơn để thực thi, trước mắt cần khuyến khích người dân, doanh nghiệp khởi kiện khi lợi ích hợp pháp bị xâm phạm vì tin giả. Theo đó, hệ thống tòa án cũng cần được gấp rút tăng cường năng lực thụ lý và xử lý nhanh các vụ kiện như thế.
Thứ tư, thành lập các trung tâm chống tin giả với nhiệm vụ cung cấp thông tin nhanh, chính thức, chuẩn xác từ chính quyền.
Tuy nhiên, việc thực thi các giải pháp để ngăn chặn tin giả lan truyền trên mạng xã hội không chỉ đến từ phía chính quyền và cộng đồng sử dụng, cần có yêu cầu trách nhiệm và cao hơn nữa là yêu cầu về đạo đức kinh doanh đối với các nền tảng mạng xã hội, nơi đang cung cấp dịch vụ truyền tải và kết nối thông tin đến hàng tỉ con người trên toàn thế giới.
Vào giữa tháng 7, Facebook thông báo chính sách mới(**) sẽ cho phép quản trị viên trong các hội nhóm chỉ định một số thành viên làm "chuyên gia". Họ là người có thẩm quyền kiểm chứng thông tin, giúp dập tắt thông tin sai lệch lan truyền trong nhóm.
Tuy nhiên, theo Business Insider, động thái này cũng giống như hồi Facebook thành lập ban giám sát nội dung (Oversight Board) - một kiểu "tòa án tối cao" trên nền tảng. Khi bị chỉ trích về cách kiểm duyệt bài đăng, Facebook không đứng ra chịu trách nhiệm mà thay vào đó lại chi 130 triệu đô la Mỹ thuê đối tác bên ngoài để đánh giá những quyết định của công ty. Vừa mới ra mắt, ban giám sát của Facebook đã bị phản đối dữ dội, nhiều người yêu cầu công ty nên tự kiểm soát bài đăng và ngừng "lười biếng". Bằng cách đẩy trách nhiệm ngăn chặn thông tin sai lệch cho người dùng, Facebook đang khiến mọi việc tệ hơn.
Ban đầu, dù được tạo ra với mục đích hạn chế thông tin sai lệch nhưng các nhóm trên Facebook ngày càng biến tướng, trở thành nơi để các thành viên thóa mạ, công kích lẫn nhau. Trong những hội nhóm thuyết âm mưu, các chuyên gia có thể chính là những nguồn phát tán tin giả. Vì vậy, việc tạo nên chức danh "chuyên gia" chẳng khác nào trao thêm quyền lực cho những phần tử cực đoan.
Tuần qua, một trong những động thái đáng chú ý của các mạng xã hội đó là việc Twitter thông báo sẽ hợp tác với các hãng truyền thông Associated Press (Mỹ) và Reuters (Vương quốc Anh) để cung cấp thông tin đáng tin cậy thông tin trên trang mạng xã hội như một phần của nỗ lực để chống lại sự lan truyền của thông tin sai lệch.
Người phát ngôn của hãng Twitter cho biết, quan hệ đối tác này đánh dấu lần đầu tiên Twitter chính thức cộng tác với các hãng tin để nâng cao độ chính xác của thông tin trên trang mạng của mình. Hãng cũng thông tin vào đầu năm nay đã xúc tiến một chương trình có tên Birdwatch, yêu cầu người dùng giúp xác định và kiểm tra thực tế những nội dung đăng tải gây hiểu lầm.
Tuy nhiên, cộng đồng người sử dụng vẫn đang chờ đợi những chuyển biến mạnh mẽ và tích cực hơn từ các nền tảng mạng xã hội khổng lồ nêu trên.
------------
(*) https://www.theguardian.com/world/2021/jul/17/covid-misinformation-conspiracy-theories-ccdh-report
(**) https://www.businessinsider.com/facebook-groups-experts-tools-content-moderation-misinformation-responsibility-2021-7
Xem thêm: lmth.aohk-is-cab-uac-uh-neyuhc-uac-auq-ioh-ax-gnam-gnat-nen-auc-cud-oad/462913/nv.semitnogiaseht.www