Giá vật tư tăng, dịch COVID-19 bùng phát, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội… nhiều yếu tố tác động cùng lúc đã khiến ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản (BĐS) điêu đứng trong tháng 7 vừa qua.
Theo các chuyên gia, tháng 8 này theo âm lịch là tháng ngâu, dự kiến quý III năm nay bức tranh thị trường cũng chưa thể sáng lại.
Tháng 7 khó khăn nhất
“Tháng 7, giá vật tư ngành xây dựng tăng, dịch COVID-19 bùng phát trở lại và TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội nên các dự án bị ảnh hưởng rất lớn về tiến độ thực hiện” - báo cáo của Cục Thống kê TP.HCM về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm 2021 cho hay.
Nhiều yếu tố tác động như giá vật tư tăng, dịch COVID-19 bùng phát đã khiến ngành xây dựng và kinh doanh bất động sản điêu đứng.
Ảnh minh họa: HOÀNG GIANG
Theo Cục Thống kê TP.HCM, tháng 7 là tháng khó khăn nhất từ đầu năm đến nay của ngành xây dựng. Dự ước tháng 7 khối lượng thực hiện ngành xây dựng so với tháng 6 chỉ bằng 47%, so với tháng cùng kỳ bằng 32,5%. So với cùng kỳ, số giấy phép cấp để người dân xây dựng và sửa chữa nhà ở giảm 8,8% (1.666 giấy phép) và giảm 21,6% về diện tích (855.000 m2).
“Làn sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát tại Việt Nam với chủng virus Delta có tốc độ lây nhiễm nhanh, mạnh và rộng. Tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP trong hai tháng qua diễn biến hết sức phức tạp, tác động mạnh đến mọi mặt đời sống người dân và tất cả lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp” - Cục Thống kê TP.HCM nhận định.
Về tình hình cấp phép đầu tư trực tiếp nước ngoài, từ đầu năm, TP.HCM cấp mới chỉ 345 dự án với vốn đăng ký đạt 284,5 triệu USD, giảm 42,3% về số giấy phép và giảm 20,1% về vốn so với cùng kỳ năm trước.
Vốn đăng ký tập trung chủ yếu ở ba ngành là kinh doanh BĐS, thương nghiệp và vận tải kho bãi. Trong đó, ngành kinh doanh BĐS có 13 dự án, vốn đạt 126,9 triệu USD (chiếm 44,6%).
Doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu điêu đứng
Khảo sát thực tế từ các đơn vị xây dựng, ông Thanh Tùng, một chủ thầu xây dựng công trình nhà ở trên địa bàn nhiều quận, huyện như quận 8, 7, 5, chia sẻ: “Trong tháng 7, công trình chúng tôi làm phải ngưng lại hết, hết dịch may ra mới khởi động lại được. Ảnh hưởng nặng nhất là hai công trình ở quận 8, có căn sắp bàn giao cho khách cũng không làm cho xong được”.
Tình hình khó khăn không thể cầm cự nổi, ông Tùng vừa phải cho 15 thợ tạm nghỉ. Số thợ này đều ở TP.HCM nên ông hy vọng sau này tình hình ổn hơn sẽ huy động được họ ngay. “Số thợ ở quê thì họ đã về quê, đến lúc công trình khởi động lại sẽ rất khó gọi được họ. Tôi chỉ mong dịch sớm hết để có thể làm việc lại” - ông Tùng thở dài.
Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, do tác động của dịch COVID-19 nên việc dừng thi công hay giãn tiến độ diễn ra trên thực tế tại hầu hết dự án đang triển khai.
Ông Việt cho rằng trong thời gian này các chủ đầu tư đều đang có một lượng hàng lớn cần thanh khoản. Cách xử lý triệt để là tính toán lại một mức giá thật hấp dẫn để bán nhanh, thu tiền về đảm bảo tài chính dự án.
“Thực tế đã và đang có những chủ đầu tư thức thời, điều chỉnh giá thông qua các ưu đãi cao khi thanh toán sớm. Khó có thể dự đoán khi nào hết dịch, chúng ta sẽ cần linh động thay đổi chiến lược kinh doanh để thích ứng. Cơ hội sẽ không thiếu ở tương lai khi nhu cầu tăng nhà luôn cao” - ông Việt phân tích.
Ông Việt tư vấn thêm thay vì neo giá cao, dòng tiền vào chậm thì các chủ đầu tư nên hạ thấp kỳ vọng, hạ giá bán. Hàng được bán ra sẽ giảm mạnh áp lực tài chính cho chính chủ đầu tư. Có như vậy họ mới tiếp tục tồn tại bền vững sau khi giai đoạn đỉnh dịch này qua đi.
Còn theo ông Trần Hiếu, Phó Tổng giám đốc kinh doanh DKRA Việt Nam, trước mắt thị trường địa ốc sẽ ảm đạm, kéo dài trong quý III. Thêm vào đó, tháng 8 cũng là tháng ngâu (âm lịch), mua bán nhà, đất hạn chế do tâm lý kiêng kỵ của người dân.
“Tôi nghĩ thị trường BĐS sẽ trầm lắng trong suốt quý III. Nếu đầu quý IV, dịch COVID-19 được kiểm soát tốt hơn thì thị trường mới có thể dần hồi phục. Còn nếu không, đến cuối năm tình hình vẫn chưa có gì sáng sủa và phải sau tết 2022 thị trường mới tái khởi động được” - ông Hiếu nói thêm.
Tâm lý thị trường lạc quan Tại sự kiện công bố báo cáo thị trường quý II-2021, chuyên trang BĐS batdongsan.com.vn đưa ra thông tin khảo sát cho biết hơn 50% người dùng tham gia có nhận định thị trường BĐS trong sáu tháng cuối năm vẫn sẽ có xu hướng tăng trưởng dù chậm. Tỉ lệ người dùng lo ngại thị trường sẽ suy thoái chiếm chưa đến 3%. |