Bộ Quốc phòng Trung Quốc gần đây đã xác nhận rằng các lực lượng vũ trang của Nga và Trung Quốc sẽ tham gia cuộc tập trận quân sự ZAPAD/INTERACTION-2021, dự kiến sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào cuối tháng 8, tờ The Diplomat đưa tin.
Mục đích của cuộc tập trận?
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Thượng tá Ngô Khiêm cho biết hai nước đã thống nhất về kế hoạch tập trận và dự kiến chúng sẽ diễn ra tại căn cứ huấn luyện chiến thuật phối hợp của quân đội Trung Quốc ở thành phố Thanh Đồng Hạp (khu tự trị Ninh Hạ, Trung Quốc), với chủ đề “cùng bảo vệ an ninh và ổn định khu vực”.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, lực lượng Trung Quốc tham gia cuộc tập trận chủ yếu đến từ Bộ Tư lệnh Quân khu phía Tây của quân đội nước này. Nga sẽ gửi quân từ Quân khu phía Đông của họ đến Trung Quốc tập trận.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP
Theo The Diplomat, cuộc tập trận sẽ có tổng cộng hơn 10.000 quân và một số máy bay, đại bác cùng một số xe tăng bọc thép đến từ hai nước. Cuộc tập trận chung nhằm mục đích kiểm tra, xác nhận và tăng cường khả năng do thám chung, cảnh báo sớm, tác chiến điện tử và các khả năng tấn công chung.
Cải thiện khả năng tác chiến chiến thuật là một khía cạnh quan trọng của cuộc tập trận chung sắp tới, nhưng quan trọng hơn, nó là một minh chứng rõ ràng cho quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung về cả chiều sâu lẫn quy mô, dựa trên một số mục tiêu chung bao gồm phát triển trật tự thế giới đa cực.
Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, cuộc tập trận ZAPAD 2021 nhằm mục đích “củng cố và phát triển quan hệ Hợp tác Đối tác chiến lược toàn diện Nga - Trung trong thời kỳ mới, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác thiết thực và tình hữu nghị truyền thống giữa quân đội hai nước, đồng thời thể hiện rõ hơn hai bên quyết tâm và khả năng chiến đấu của cả hai trong việc chống lại các lực lượng khủng bố, cùng bảo vệ hòa bình và an ninh khu vực".
Ở cấp độ chiến lược quy mô lớn, ông Richard Weitz - Giám đốc trung tâm phân tích quân sự - chính trị tại Viện Hudson (Mỹ) - nhận định việc gia tăng số lượng các cuộc tập trận quân sự giữa Nga và Trung Quốc chính là "để cải thiện năng lực của cả hai lực lượng, tăng cường khả năng tương tác, khuyến khích hợp tác công nghiệp quốc phòng, gửi thông điệp cho các bên thứ ba, và thúc đẩy các biện pháp trấn an và xây dựng lòng tin lẫn nhau. Các cuộc tập trận đã trở thành một công cụ quan trọng để thể chế hóa quan hệ quốc phòng Nga - Trung mà không cần thành lập một liên minh chính thức."
Bên cạnh đó, một số nhà phân tích như Eugene Rumer và Richard Sokolsky cho rằng lợi ích của các cuộc tập trận chung giữa Trung Quốc và Nga phần lớn là về địa chính trị.
Theo đó, sự hợp tác giữa Nga - Trung góp phần loại bỏ áp lực phải duy trì các lực lượng lớn dọc biên giới của hai quốc gia. Điều này đặc biệt quan trọng đối với Nga vì nước này đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng nhân khẩu học đáng kể và sẽ gặp khó khăn trong việc xây dựng lực lượng mặt đất lớn hơn.
Củng cố niềm tin Nga - Trung, tập trung đối phó Mỹ
Quan trọng hơn, việc đẩy mạnh quan hệ Nga - Trung khiên cả hai nuóc có thể tập trung vào việc đối phó Mỹ, cũng như các đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cuộc tập trận này cũng cho thấy niềm tin ngày càng lớn mà hai bên dành cho nhau.
Theo The Diplomat, dù lợi ích mà hai bên đạt được khá hạn chế, việc quân đội hai nước đã tiến hành khoảng 30 cuộc tập trận chung, bắt đầu từ năm 2003, cho thấy một động lực nhất định trong mối quan hệ chiến lược Nga - Trung.
Gần đây, hai nước đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm Hiệp ước Láng giềng Hữu nghị và Hợp tác Thân thiện Nga - Trung. Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra tuyên bố chung nhấn mạnh quan hệ đối tác của họ không phải là “liên minh chính trị” hay “quân sự” như mối quan hệ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cam kết rằng hai nước sẽ tiếp tục “tăng cường hợp tác chiến lược để củng cố các trụ cột nhằm duy trì hòa bình và an ninh thế giới”.
Theo The Diplomat, quan hệ an ninh Nga - Trung có vẻ khá bền chặt dù lâu nay Moscow vẫn có sự cảnh giác đối với Bắc Kinh. Trước sự cô lập từ phương Tây, Nga cảm thấy rằng họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc củng cố quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc.
Một số nhà phân tích đưa ra các lập luận, đề xuất nhằm kêu gọi Nga nên giữ khoảng cách với Trung Quốc, song cũng có một số khác chỉ ra rằng viễn cảnh này khó có thể xảy ra trong tương lai gần.