Ngư dân test nhanh tại cảng cá Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG
Chuyến biển đội thêm chi phí
Ông Hùng ở phường Phú Tài, TP Phan Thiết có hai chiếc ghe hành nghề lưới chà, với hơn 30 lao động. Trước khi hai chiếc ghe xuất cảng cá Phan Thiết, ông phải làm thêm thủ tục test nhanh cho toàn bộ lao động.
Mỗi người test với giá 320.000 đồng. Tổng cộng chuyến biển này ông Hùng phải bỏ hơn 10 triệu đồng tiền test nhanh. Do kết quả chỉ có hiệu lực trong vòng 3 ngày nên lúc ghe vào lại cảng phải test thêm lần nữa. Lúc này chi phí càng đội cao.
Ghe cá ngư dân sau khi đánh bắt về là cập cảng Phan Thiết, chuẩn bị làm các thủ tục khai báo y tế - Ảnh: ĐỨC TRONG
Theo ông Hùng, đó là chưa kể giá rau xanh và đồ đạc sinh hoạt cho chuyến đi biển mùa dịch khó mua, nếu mua được thì giá cao hơn ngày thường. Trong khi hải sản đánh bắt vào bờ khó bán hơn trước vì nhiều chợ đóng cửa, đặc biệt là thị trường TP.HCM và các tỉnh phía Nam.
Ngoài ra, trước khi dịch, các ghe tàu lớn chạy ra tận ngoài khơi thu mua nên chi phí dầu đỡ tốn.
"Bây giờ họ không ra thu mua như vậy nữa nên mình phải chạy vào bờ bán, chứ để lâu là hư hết cá. Nghề của tụi tôi từ xưa đến giờ nên phải cố gắng bám biển. Ngoài lo chi phí ở nhà còn tạo công việc cho bạn ghe, chứ chẳng ai muốn đi khó khăn như vậy" - ông Hùng chia sẻ.
Thời điểm này, nhiều chủ ghe linh động thêm việc đánh bắt. Chẳng hạn nhà ông Hùng có hai chiếc, khi đánh ngoài khơi được khoảng 5 ngày là dồn qua một chiếc chạy vào bán. Chiếc còn lại tiếp tục đánh bắt nên giảm bớt chi phí dầu máy và test nhanh.
Nhưng trường hợp đó nếu là nhà nào có nhiều ghe. Còn nhà chỉ có một chiếc thì buộc chạy ra chạy vô liên tục.
Không biết cầm cự đến bao giờ
Tương tự, ông Đỗ Văn Thanh - giám đốc Công ty TNHH Bích Thanh - cho biết thời gian qua chi phí chuyến đi biển phát sinh khiến nhiều chủ ghe ở đây lao đao.
"Vì hiện tại là mùa Nam nên họ phải tranh thủ đánh bắt. Nhưng phí test nhanh thậm chí còn cao hơn công lao động một ngày thì sao chủ ghe chịu nổi?" - ông Thanh nói.
Ngoài ra, ông Thanh cho rằng thời gian dành cho việc test nhanh cũng tốn kém. Ví dụ ghe cập cảng lúc nửa đêm là không có ai test nên phải chờ đến sáng hôm sau mới bốc dỡ hàng xuống được.
Mỗi chiếc ghe lớn có khoảng 20 lao động nên thời gian test mất mấy tiếng đồng hồ. Khi không có nhân viên y tế tại cảng, chủ ghe phải đưa cùng lúc mấy chục người đến bệnh viện, gặp vô vàn khó khăn trong việc đi lại do đang trong thời điểm giãn cách.
Nói về việc thu mua, ông Thanh cho biết ngư dân đánh vào là phải tiêu thụ. "Nhưng thời điểm này các bạn hàng của vựa tôi đã nghỉ buôn bán gần hết. May mà vựa có nhiều kho lạnh nên tôi cố gắng tích trữ cho ngư dân.
Họ đánh vào mà không thu mua sao nỡ đành. Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhưng nói thiệt chúng tôi gặp rất nhiều trở ngại. Tình hình cứ kéo dài mãi thì ngư dân không biết xoay xở thế nào, chắc bế tắc!" - ông Thanh thở dài, nói.
Ghe cá ngư dân cập cảng Phan Thiết bốc dỡ hải sản sau khi đánh bắt - Ảnh: ĐỨC TRONG
Theo Ban quản lý cảng cá Phan Thiết, mỗi ngày có từ 20 - 30 lượt tàu cá cập cảng. Từ cuối tháng 4 đến nay, tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ hải sản. Hiện các kho lạnh tại cảng với sức chứa 250 tấn đang hoạt động hết công suất.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết không chỉ hải sản mà nhiều mặt hàng nông sản khác cũng đang bị tắc đầu ra. Hiện nay địa phương đang quản lý chặt hoạt động thu mua hải sản tại các cảng cá để đúng quy định phòng chống dịch.
Nhiều ngư dân đồng tình việc kiểm soát y tế như hiện nay nhưng mong muốn hỗ trợ phần nào chi phí vì đã phát sinh nhiều, tốn kém.
TTO - Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết sẽ thúc đẩy thiết lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, cùng các địa phương xác định và xây dựng 'luồng xanh', 'vùng xanh' cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng.