Mới đây, trên các diễn đàn về tiền số đã đăng tải nhiều bài viết cùng bằng chứng, cho rằng chuyên gia đào tạo – tiến sĩ Lê Thẩm Dương đang quảng bá cho dự án tiền ảo có dấu hiệu lừa đảo.
Cụ thể, tiến sĩ Lê Thẩm Dương là khách mời, diễn giả trong một hội thảo do dự án tiền ảo Deffe** và quỹ đầu tư DCAPITA* tổ chức. Trong bài thuyết trình của mình, ông Dương nói về nhiều chủ đề như khởi nghiệp, xu hướng tài chính cũng như bình luận về dự án tiền số Deffe**, cho rằng đây là một kênh đầu tư uy tín trên thị trường.
Tuy nhiên, dự án tiền ảo Deffe** được cho là một mô hình đa cấp, trả lãi theo nhiều tầng, ẩn chứa đầy rủi ro. Ví dụ, đầu tư 100-1.000 USD sẽ nhận lợi nhuận 5%/tháng, 1.001-10.000 USD sẽ nhận lợi nhuận 6%/tháng và cao nhất là gói trên 100.001 USD sẽ nhận về 10%/tháng. Tuy nhiên, các khoản lợi nhuận này đều được trả bằng đồng DEF chứ không phải tiền thật.
Vài năm gần đây, thuật ngữ “tự do tài chính” dần phổ biến tại Việt Nam. Thực tế những hứa hẹn về lãi suất cao bởi các mô hình đa cấp khiến không ít người muốn nhanh chóng giàu có hay tự do tài chính nhưng không hiểu biết mù quáng tin theo.
Trả lời Zing về nghi vấn quảng cáo cho dự án tiền ảo Deffe**, TS. Lê Thẩm Dương cho biết bản thân bị các nhóm đa cấp lợi dụng hình ảnh. "Tôi được mời đến để nói về kiến thức đầu tư. Hội thảo này được tổ chức bởi những người uy tín. Trong sự kiện, tôi cũng khẳng định hình thức đầu tư nào trên 30% lợi nhuận đều có khả năng là lừa đảo", ông Dương cho biết.
"Tôi không kêu gọi bất cứ ai đầu tư cả. Việc tôi làm lúc đó chỉ thuần nói về kiến thức và cảnh báo cộng đồng", TS. Lê Thẩm Dương cho biết. Đồng thời, ông Dương cũng lên tiếng cảnh báo người đầu tư không tham gia những dự án có cách làm truyền thông "vô học" như vậy.
Trong talkshow Chìa khóa thành công hồi tháng 5/2020, tiến sĩ nổi tiếng Lê Thẩm Dương từng gây ấn tượng khi nói về khái niệm tự do tài chính. Ông chia sẻ: "Một là làm thuê. Nhưng nếu tôi khởi đầu gia đình tôi tốt thì tôi chả làm thuê. Nhưng nếu tôi nghèo thì tôi sẽ làm thuê. Làm thuê là làm theo ý chí, làm theo não của kẻ khác." Đây là bước đầu tiên trên con đường hướng tới tự do tài chính.
Nấc thứ 2 theo ông Dương là chuyển sang tự doanh. Thực tế ông cho rằng nhiều người thậm chí còn không dám nghĩ đến điều này. Còn nấc thứ 3 theo ông Dương là chuyển sang làm chủ. "Tự doanh là tôi cùng lính lăn ra làm. Còn ông chủ là tao ngồi mày làm. Nó phải rõ ràng nhưng cái đó vẫn là thu nhập chủ động. Anh vẫn phải lăn sức ra làm", ông phân biệt giữa 2 nấc tài chính.
"Cho nên có những kẻ giàu hơn khoảng 1 triệu lần tôi nhưng thực ra tài sản có thể mất bất cứ lúc nào vì anh vẫn là chủ của công ty thôi. Tôi thu nhập ít hơn. Nhưng ví dụ Michael Jackson hát một bài hát dù anh ý chết rồi nhưng gia đình anh vẫn giàu vì sao, vì thu nhập thu động. Tôi giảng online 10 năm nay, rất tiếc tôi không nói được thu nhập của thôi nhưng tôi ngồi chơi nhưng máy nó vẫn chạy. Đấy là thu nhập thụ động. Anh làm chủ, tỷ phú không hẳn bằng tôi đâu vì cái tiền ấy đương nhiên có, muốn mất cũng không được, chẳng cần bảo hiểm cái tiền ấy. Khi tôi tự do tài chính thì tôi sẽ có tự do cá nhân", ông Lê Thẩm Dương lấy ví dụ.
Dựa vào kinh nghiệm từ chính bản thân mình, ông cho rằng dù làm chủ doanh nghiệp thì đây vẫn là thu nhập chủ động. Nó vẫn bị lệ thuộc bởi lao động và thời gian, nó có thể nhảy lên rất cao rồi về 0. Để đạt tự do tài chính cần lên mức 4 khi không cần thời gian, ngủ mà vẫn có tiền.
"Lời khuyên là bạn phải vượt ngưỡng: Lần 1 sang tự doanh, lần 2 sang ông chủ/bà chủ, lần 3 sang đánh tennis", ông Lê Thẩm Dương đưa ra lời khuyên.
Thảo Nguyên
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị