Trong lúc chờ đợi tham gia phòng chống dịch, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng mở lớp tập huấn kỹ năng cấp cứu cho bác sĩ một phòng khám ở quận Hải Châu, TP Đà Nẵng - Ảnh: TẤN LỰC
Mỗi lá đơn của một bác sĩ về hưu là một nguyện vọng tham gia nơi tuyến đầu để cứu chữa các ca bệnh COVID-19 nặng, hỗ trợ điểm tiêm chủng và bệnh viện dã chiến. Dịch mỗi ngày lại lan rộng, lòng ai cũng nóng như lửa, nôn nao xung trận.
“Chia lửa” cùng đồng nghiệp
Trên bảng đăng ký vừa được CDC Đà Nẵng tổng hợp, tên bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng (56 tuổi), nguyên phó giám đốc phụ trách chuyên môn Trung tâm Cấp cứu 115 TP, xếp đầu danh sách. Bác sĩ Hồng đề xuất tham gia hỗ trợ Bệnh viện dã chiến phía Tây, và thường trực cấp cứu tại các điểm tiêm chủng.
Chị bảo đã không đi thì thôi, còn đã đi là phải tới điểm nóng nhất để chia lửa cùng đồng nghiệp. Mà đây không phải lần đầu đăng ký xung phong, khi dịch COVID-19 bùng phát tại TP.HCM, vị bác sĩ này đã xin chi viện các đồng nghiệp phía Nam. Nhìn từng đoàn y bác sĩ các tỉnh lần lượt vào tâm dịch trong khi bản thân không được đi vì chưa tiêm vắc xin, bác sĩ Hồng đứng ngồi không yên.
Không chịu ngồi bó gối trong khi thành phố đang huy động mọi nguồn lực y tế, bác sĩ Hồng tham gia cùng một phòng khám tại quận Hải Châu hỗ trợ cấp cứu ngoại viện cho bệnh nhân khó khăn.
Để các y bác sĩ trẻ tự tin hơn, chị mở lớp tập huấn cấp cứu ngoại viện ngay tại phòng khám, chia sẻ cho mọi người kiến thức cơ bản về quy trình cấp cứu ngừng tuần hoàn, hô hấp. Trong những ngày này, vị bác sĩ dày dạn kinh nghiệm đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ để lên đường bất kể khi nào được gọi.
Chị xin nghỉ việc 2 tháng không lương tại trường đại học nơi đang giảng dạy. Quần áo tư trang đã chuẩn bị sẵn trong balô. Để tránh nguy cơ cho mọi người, chị sang ở một mình tại nhà người thân.
Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng hướng dẫn thế hệ đàn em phương pháp sử dụng trang bị trên xe cấp cứu - Ảnh: TẤN LỰC
Trong đợt dịch bùng phát dữ dội tại Đà Nẵng tháng 7-2020, với vị trí phó giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115, bác sĩ Hồng trực tiếp điều hành đội xe cấp cứu giải tỏa hàng trăm bệnh nhân tại tâm dịch Bệnh viện Đà Nẵng sang các bệnh viện khác, và quan trọng hơn, tham gia cấp cứu, vận chuyển những bệnh nhân COVID-19 thể nặng, nguy kịch sang Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, Bệnh viện Phổi và cả Bệnh viện Trung ương Huế.
Những ngày hệ thống y tế Đà Nẵng căng mình chống đỡ trước áp lực khủng khiếp, khi tâm dịch bao trùm gây tê liệt các bệnh viện lớn. Đã có lúc những bác sĩ, y tá trung tâm cấp cứu sốc nhiệt, mất nước ngất xỉu, nằm liệt giường sau mỗi chuyến xe.
Để giữ vững trận tuyến, bác sĩ Hồng trực tiếp tham gia hỗ trợ xử lý bệnh nhân và truyền lửa cho các đồng nghiệp trẻ tiếp tục cuộc chiến.
Trong mắt những thế hệ đàn em, người nữ bác sĩ dày dạn kinh nghiệm và bản lĩnh, từng lênh đênh trên tàu cứu nạn cấp cứu ngư dân giữa sóng to gió lớn Hoàng Sa chính là tấm gương y đức và tinh thần dấn thân của người thầy thuốc.
Nhiều hạt cát nhỏ sẽ mang đến bất ngờ lớn
“Các đồng nghiệp từ TP.HCM chia sẻ biến chủng virus Delta lần này lây lan rất nhanh, bệnh nhân thường bất ngờ chuyển nặng. Tôi có ngại một xíu, nhưng nói sợ thì không. Từ kinh nghiệm Đà Nẵng, tôi tự tin vào khả năng bảo hộ, phòng chống lây nhiễm trong xử lý cấp cứu. Đợt này tôi thấy dịch ở Đà Nẵng cũng rất căng, số ca nhiễm tăng nhanh mỗi ngày.
Tôi muốn trực tiếp tham gia vào hồi sức cấp cứu, chữa trị các ca bệnh nặng để sẻ chia cùng đồng nghiệp. Tôi vẫn biết mình chỉ là một hạt cát nhỏ trong cuộc chiến tổng lực này thôi, nhưng tôi biết quanh đây, ngay trong thành phố này, có rất nhiều y bác sĩ đã sẵn lòng xông pha. Biết đâu khi nhiều hạt cát nhỏ hợp lại sẽ mang tới bất ngờ lớn trong cuộc chiến này!”, bác sĩ Hồng tâm sự.
Bác sĩ Trương Thị Xuân Bình (65 tuổi), trú phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, là một trong hai bác sĩ lớn tuổi nhất có tên trong danh sách đăng ký. Tròn 10 năm về hưu nhưng đôi tay vị bác sĩ này chỉ mới vừa rời ra khỏi công việc phòng khám ít lâu. Bác sĩ Bình tự giới thiệu mình có thể chất tốt, không mắc bệnh nền, có thể tham gia tiêm vắc xin hoặc hỗ trợ xét nghiệm COVID-19. Hơn ai hết, bà thấu hiểu sự vất vả của đội ngũ nhân viên xét nghiệm khi mỗi ngày phải xử lý hàng chục ngàn mẫu bệnh phẩm.
“Cái khó của người kỹ thuật viên xét nghiệm là phải luôn tỉnh táo, không được làm sai, làm nhầm lẫn kết quả. Trong tình huống bệnh nhân có thể trở nặng bất kể lúc nào, kỹ thuật viên phải cố gắng trả kết quả nhanh nhất, vì bác sĩ đang chờ đợi xét nghiệm để chỉ định điều trị.
Tôi biết những tháng qua đội ngũ xét nghiệm đã làm việc không quản ngày đêm, quên ăn quên ngủ để chặn đứng đà lây nhiễm. Với những người làm nghề y, trong thời khắc này không ai có thể ngồi yên trong nhà được!” - bác sĩ Bình bộc bạch.
Theo bước đàn chị, đàn anh
Trong số hơn 70 tình nguyện viên đăng ký tham gia chống dịch tại CDC Đà Nẵng lần này, đa số là các y bác sĩ đã về hưu của các chuyên ngành bác sĩ đa khoa, chuyên khoa, xét nghiệm, răng hàm mặt, phụ sản và điều dưỡng, y sĩ, dược sĩ.
Có những bác sĩ tuổi cao, mang bệnh tiểu đường, rối loạn mỡ máu vẫn xung phong đăng ký và đề nghị bố trí công việc phù hợp.
Đáng chú ý, bên cạnh các y bác sĩ đã về hưu còn có rất nhiều y bác sĩ trẻ tham gia đăng ký sát cánh cùng các bậc đàn anh, đàn chị xung phong chống dịch dù chưa được kêu gọi.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, giám đốc CDC Đà Nẵng, cho biết đã chốt danh sách và trình Sở Y tế phân công nhiệm vụ để tổ chức tập huấn. Theo bác sĩ Thạnh, đa số các tình nguyện viên được huy động lần này sẽ tham gia vào chiến dịch tiêm chủng toàn TP khi số lượng vắc xin những ngày tới về nhiều.
TTO - Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, dù đang gặp rất nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp du lịch vẫn đồng hành cùng chính quyền Đà Nẵng với hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi.
Xem thêm: mth.34685200101801202-hcid-gnohc-id-neyugn-hnit-uuh-ev-is-cab/nv.ertiout