Thời gian qua xảy ra nhiều vụ việc người dân bất ngờ bị gọi điện khủng bố, vu khống vay nợ tiền và phỉ báng trên mạng xã hội. Để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi gặp phải trường hợp tương tự, PV Lao Động đã có buổi trao đổi với luật sư Mai Thảo - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú (TAT Law firm).
Cần làm gì khi bị vu khống, tấn công mạng?
Báo Lao Động vừa có phản ánh vụ việc anh Phan Trần Nam (Ngô Quyền - Hải Phòng) bị tấn công mạng sau khi nhận điện thoại từ người tự nhận là nhân viên Công ty mua bán nợ DSP thông báo việc nhân viên công ty mình quản lý vay tiền Công ty Mirae Asset chưa trả. Luật sư Mai Thảo đã đưa ra tư vấn cho người dân khi gặp tình huống tương tự.
Phó Giám đốc TAT Law firm nhận định, theo thông tin vụ việc thì một số người đã có những hành vi bịa đặt, loan truyền những thông tin không phải sự thật để nhằm bôi nhọ anh Nam và vợ anh Nam.
"Những hành vi này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, hình ảnh của vợ chồng anh Nam cũng như ảnh hưởng đến công việc, mối quan hệ với đồng nghiệp, bạn bè và mọi người xung quanh. Do đó, để bảo vệ bản thân mình, anh Nam cần phải:
- Thu thập các tài liệu, chứng cứ về việc bị vu khống, bôi nhọ danh dự:
+ Các bài đăng và hình ảnh bôi nhọ danh dự anh Nam, công ty của anh Nam.
+ Các bài đăng vu khống hai vợ chồng anh Nam vay tiền.
+ Ghi âm những lời lẽ, cuộc gọi vu khống, đe dọa.
+ Lập vi bằng những bài đăng, hành vi loan tin, bịa đặt, vu khống anh Nam", luật sư Mai Thảo cho biết.
Cũng theo luật sư Mai Thảo, sau khi thu thập các tài liệu, bằng chứng chứng minh bị vu khống, anh Nam nên làm đơn tố cáo ra cơ quan công an để tố cáo những người đó về tội vu khống hoặc tội làm nhục người khác. Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo, cơ quan công an sẽ có nghĩa vụ xác minh, điều tra và giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Nam và gia đình anh.
Mặt khác, anh Nam cũng có thể làm đơn khởi kiện những người có hành vi xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm của anh ra Tòa án để yêu cầu bác bỏ những thông tin sai sự thật, yêu cầu những người đó xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi vu khống
Luật sư Mai Thảo cho biết, việc đăng thông tin lên mạng đòi nợ với những lời lẽ xúc phạm, những thông tin không đúng sự thật để lăng mạ, vu khống tạo sức ép cho đối phương là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy theo mức độ và tính chất của hành vi mà có thể bị xử lý khác nhau, cụ thể:
- Phạt vi phạm hành chính: xử phạt từ 10 triệu đến 20 triệu đồng theo quy định tại Khoản 3 Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP về hành vi sử dụng thông tin của người khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
- Truy cứu trách nhiệm hình sự: Tùy theo biểu hiện của từng hành vi mà sẽ bị truy tố về tội Làm nhục người khác hoặc tội Vu khống theo Bộ luật Hình sự.
- Ngoài ra họ còn phải bồi thường về vật chất những thiệt hại gây ra cho cá nhân, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật Dân sự (nếu có).
Xem thêm: odl.755939-ig-mal-iahp-nad-iougn-nan-on-gnohk-ud-gnam-gnoc-nat-gnohk-uv-ib/ut-uad-et-neit/nv.gnodoal