Trong 5 năm gần đây (2016-2020), quy mô tài sản của Công ty TNHH Tài chính MTV Mirae Asset (MAFC) đã tăng hơn 10 lần. Giai đoạn này cũng chứng kiến sự tăng trưởng mạnh về doanh thu và lợi nhuận của MAFVN.
Gần đây, Lao Động nhận được phản ánh của anh Phan Trần Nam (Hải Phòng) về việc anh và gia đình liên tục bị quấy rối, tấn công mạng và bị uy hiếp đòi nợ mặc dù anh không hề vay nợ. Khoản nợ mà anh Nam bị đòi là do nhân viên của anh vay Công ty TNHH Tài chính MTV Mirae Asset. Mức lãi suất cho vay mà Công ty Tài chính Mirae Asset đưa ra lên tới 55,76%/năm. Luật sư Trương Thanh Đức (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định đây là mức lãi suất "cắt cổ".
Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, MAFC chính thức hoạt động tại Việt Nam từ tháng 9/2011, là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (Hàn Quốc).
Năm 2016, MAFC có vốn điều lệ là 500 tỉ đồng. Đến năm 2017, Công ty tăng vốn lên 700 tỉ đồng và giữ nguyên mức vốn điều lệ này đến 31.12.2020.
Theo dữ liệu của Lao Động, trong 5 năm 2016-2020, quy mô tài sản của MAFC tăng hơn 10 lần, từ 787 tỉ đồng năm 2016 lên 8.912 tỉ đồng năm 2020. Cùng với đà tăng của tổng tài sản, nợ phải trả của MAFC qua các năm cũng tăng hơn 33 lần trong 5 năm, từ 229,5 tỉ đồng (tại ngày 31.12.2016) lên mức 7.731 tỉ đồng khi kết thúc năm 2020. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu chỉ tăng hơn 2 lần trong giai đoạn 2016-2020, từ 557,4 tỉ đồng lên 1.180 tỉ đồng.
Tại ngày 31.12.2020, tổng tài sản của MAFC là 8.912 tỉ đồng, bao gồm 7.182 tỉ đồng cho vay khách hàng (tăng 36,5% so với năm 2019), 1.171 tỉ đồng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác (tăng 144% so với 2019), tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước 38,69 tỉ đồng, 61 tỉ đồng tài sản cố định và 458,48 tỉ đồng tài sản khác (bao gồm các khoản phải thu và các khoản lãi, phí phải thu).
Nợ phải trả của MAFC tại ngày 31.12.2020 là 7.731 tỉ đồng (chiếm 86,7% tổng tài sản), chủ yếu là vay nợ các tổ chức tín dụng khác (5.769 tỉ đồng) và phát hành giấy tờ có giá (1.706 tỉ đồng).
Kết quả kinh doanh của MAFC tăng trưởng mạnh trong giai đoạn 2016-2020. Trong đó, thu nhập lãi và các khoản tương tự (thu lãi cho vay; thu lãi từ nghiệp vụ mua bán nợ; thu khác từ hoạt động tín dụng theo quy định của pháp luật) của MAFC tăng 17 lần trong 5 năm gần đây: 136,5 tỉ (2016); 384,72 tỉ (2017), 856,56 tỉ đồng (2018) , 1.635 tỉ đồng (2019) và 2.312 tỉ (2020).
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ và hoạt động khác của MAFC cũng ghi nhận tăng trưởng đều đặn qua các năm. Sau khi trừ các chi phí và trích lập dự phòng rủi ro, thực hiện nghĩa vụ thuế, lãi ròng của MAFC tăng ấn tượng từ 22,36 tỉ đồng năm 2016 lên 150,81 tỉ đồng năm 2019.
Năm 2020, mặc dù lợi nhuận thuần trước trích lập dự phòng của MAFC đạt 1.571 tỉ đồng, tăng gần 58% so với năm 2019 nhưng trích lập dự phòng rủi ro tăng 75,6% - ở mức 1.416 tỉ đồng nên lãi sau thuế của MAFC giảm 17,8% so với năm trước, đạt 123,91 tỉ đồng.
Xem thêm: odl.301049-oan-oc-uaig-tessa-earim-hnihc-iat-yt-gnoc-man65-nag-ial-yav-ohc/et-hnik/nv.gnodoal