Sáng 10-8, thời điểm Hà Nội chưa điều chỉnh công văn siết chặt giấy đi đường, nhiều người dân Hà Nội phải "quay xe" vì không đủ giấy tờ - Videp: PHẠM TUẤN
Sáng 10-8, Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Anh Dũng ký thông báo hỏa tốc triển khai chỉ đạo UBND TP trong việc siết chặt giấy đi đường theo công văn số 2562 ngày 7-8 của UBND TP.
Theo đó, người đi đường xuất trình giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu) kèm theo giấy đi đường TP công bố ngày 29-7 - thay vì những thủ tục rườm rà mà TP quy định trong công văn ký ngày 7-8.
Ngay sau khi Hà Nội có quyết định điều chỉnh, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online tại khu vực làm thủ tục hành chính 1 cửa của phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy, đã khá thưa thớt người tới xin xác nhận giấy đi đường.
Nhiều người dân, doanh nghiệp khi biết tin TP ban hành văn bản mới về việc này đã thở phào vì đã "bớt lằng nhằng" như trước.
Chị An - đang làm việc lại một công ty có trụ sở tại phường Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy - hôm nay chỉ phải đến đây để nộp phương án kinh doanh và phòng chống dịch của công ty, cho biết như hôm qua thì khá hoang mang. Còn sáng nay khi đến phường thấy văn bản mới đã thở phào hơn vì thủ tục đơn giản.
Ông Bùi Chí Thanh, phó chủ tịch phường Dịch Vọng Hậu, đã đứng trước cửa trụ sở phường để trực tiếp hướng dẫn, giải thích về văn bản mới ban hành của TP.
Theo ông Thanh, nếu như hôm qua theo cách hiểu của người dân là chính quyền phải xác nhận cho họ vào giấy đi đường thì hôm nay trong văn bản mới của TP đã nói rất rõ là không cần nữa mà người dân chỉ cần sử dụng mẫu giấy đi đường cũ là được.
"Người dân, doanh nghiệp đến phường chỉ để nộp phương án hoạt động, phòng chống dịch theo quy định mà không cần phải xin xác nhận của chính quyền vào giấy đi đường nữa. Điều này đã nhanh chóng tháo gỡ nhiều thủ tục cho cả phường và doanh nghiệp", ông Thanh nói thêm.
Một số người dân chưa biết quy định điều chỉnh, nên vẫn đến phường xin xác nhận - Ảnh: NAM TRẦN
Còn tại phường Yên Hòa, Cầu Giấy, nhiều người vẫn đến để xin xác nhận giấy đi đường vì chưa hiểu rõ văn bản mới. Chị Vũ Trang, nhân viên của một công ty viễn thông, vẫn đến phường với một tập hồ sơ để xin xác nhận của phường trên.
"Trời ơi, bắt người ta chạy đi chạy lại mãi, nhiều thủ tục quá nên tôi cũng chưa thể nắm hết nên vẫn nghĩ phải xin xác nhận", chị Trang nói. Ngoài ra, nhiều người dân đến đây từ sớm phải đứng bên ngoài trụ sở phường vì chỉ được 5 người/lượt vào làm thủ tục để đảm bảo giãn cách.
Phường Yên Hòa, Cầu Giấy chỉ cho tối đa 5 người làm thủ tục 1 lượt trong sáng 10-8 - Ảnh: NAM TRẦN
Doanh nghiệp đỡ áp lực, sợ sệt
Bà Hoàng Thị Phương, tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn PAM, cho biết thấy thoải mái hơn khi thủ tục xin xác nhận giấy đi đường bớt rườm rà.
"Tôi đang chuẩn bị lên phương án kinh doanh để ra phường xin xác nhận, rất may báo chí đã có những thông tin kịp thời để TP có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Bản thân doanh nghiệp cũng đỡ sợ sệt và áp lực", bà Phương nói.
Trước đó, trong chiều 9-8, bà Phương đã có mặt tại trụ sở UBND phường Dịch Vọng Hậu (Cầu Giấy) để xin giấy xác nhận đi đường cho nhân viên từ lúc 15h30, tuy nhiên đến 19h bà Phương được UBND phường hướng dẫn về bổ sung hồ sơ vì chưa đủ thủ tục.
Chốt kiểm soát thông thoáng, người dân không còn phải "quay xe"
Đầu giờ sáng 10-8, người dân phải xuất trình giấy tờ, một số người phải quay về vì không đủ thủ tục - Ảnh: PHẠM TUẤN
Đến trưa 10-8, ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, tại các chốt kiểm soát trên đường phố Hà Nội, các phương tiện cũng không còn cảnh ùn ứ, ngoài ra, việc kiểm tra giấy tờ cũng nhanh gọn hơn.
Trước đó, trong sáng 10-8, thời điểm Hà Nội chưa điều chỉnh công văn trên, tại chốt kiểm soát ở đường Đào Tấn (Ba Đình, Hà Nội), những người dân nếu mang đủ giấy tờ quy định tại công văn 2562/UBND-KT ngày 7-8 thì sẽ được lực lượng chức năng cho "thông chốt", các trường hợp còn lại phải quay về.
Chị Nguyễn Thị Thu Trang (nhân viên đại lý vé máy bay) khi đi qua chốt kiểm soát kể trên đã bị lực lượng chức năng yêu cầu "mời chị quay xe" vì đang sử dụng mẫu giấy đi đường trước đó, chưa kịp xin xác nhận của UBND phường.
Chị Trang cho hay, thủ tục trên là không cần thiết và gây phiền hà cho người dân.
"Thực ra tôi nghĩ chỉ cần giấy đi đường theo như mẫu cũ, vì công ty tôi nhận mẫu đó từ liên đoàn lao động và có đóng dấu đỏ của cơ quan, cần thiết thì kiểm tra thêm chứng minh thư để xác nhận đúng là nhân viên đó đi làm", chị Trang nói.
TTO - UBND TP Hà Nội vừa điều chỉnh công văn 2562/UBND-KT của UBND TP ký ngày 7-8 về việc siết chặt giấy đi đường vì 'chưa phù hợp'.