Sáng 10-8, TP.HCM đã tổ chức họp báo về tình hình dịch bệnh COVID-19. Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM chủ trì buổi họp báo.
Tại buổi họp báo, ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM thông tin về gói hỗ trợ đợt 2 của TP.HCM.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM. Ảnh: TTBC
Theo ông Tấn, HĐND TP đã ban hành nghị quyết 09 để hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn bởi dịch COVID-19.
Đến nay, nhóm lao động bị hoãn việc và nghỉ việc không hưởng lương đã hỗ trợ cho 52.000/56.000 công nhân, người lao động (đạt 92%); 5.800 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động theo Chỉ thị 16 (đạt 100%); 15.000/16.500 hộ thương nhân ở chợ truyền thống (đạt 90%); hơn 365.000 lao động tự do không ký hợp đồng lao động (đạt 100%)… với kinh phí 576 tỉ đồng.
Về chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn, nghề nghiệp thì có 11.000 đơn vị với 2.300.000 công nhân, với kinh phí hơn 1 tỉ đồng. Các chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất có 102 đơn vị với tổng kinh phí là 218 triệu, cho 22.300 công nhân.
Về chính sách cho vay để trả lương cho người lao động thì có 44 doanh nghiệp vay để trả lương cho 9.600 công nhân với kinh phí 75 tỉ; hỗ trợ cho 6.000 hướng dẫn viên du lịch với kinh phí trên 23 tỉ; hỗ trợ cho đạo diễn, viễn viên 139/139 người với kinh phí trên 500 triệu.
Khi tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, TP.HCM triển khai gói hỗ trợ lần 2, trong đó mở rộng đối tượng được hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 900 tỉ đồng. Ông Tấn cho biết TP phấn đấu đến ngày 15-8 phải đưa tiền hỗ trợ đến người dân.
Cụ thể, lao động tự do và các hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp nhiều khó khăn được nhận thêm 1,5 triệu đồng từ ngân sách và nguồn vận động xã hội hóa.
TP.HCM cũng hỗ trợ cho người lao động nghèo ở trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực bị phong tỏa gặp khó khăn thực sự. Theo thống kê ban đầu có khoảng 174.000 hộ, mỗi hộ 1,5 triệu đồng gồm tiền mặt và quà.
Ông Tấn lưu ý không phải bất cứ người ở nhà trọ nào cũng được hỗ trợ mà chỉ hỗ trợ người thật sự khó khăn ở các nhà trọ, xóm nghèo, khu vực phong tỏa. Gói hỗ trợ này không phân biệt thường trú hay tạm trú, TP sẽ chuyển qua tài khoản cá nhân hoặc nếu không có tài khoản thì sẽ đến trực tiếp từng nhà hỗ trợ cho bà con.
“TP.HCM bảo đảm không sót, không trùng, nếu một hộ thuộc nhiều diện thì chỉ nhận được một gói. Ưu tiên hộ nghèo, cận nghèo có từ 3 nhân khẩu trở lên, hộ lao động có từ 3 người trở lên hỗ trợ trước” – ông Tấn nói.
Đối với khoảng 33.000 xe ôm truyền thống, xe xích lô hoạt động trên địa bàn TP.HCM, ông Tấn cho biết TP quyết định hỗ trợ cho nhóm lao động này vì họ không sử dụng công nghệ bắt mối mà chỉ ngồi ở gần bệnh viện, siêu thị, ngã tư đường… mỗi trường hợp được hỗ trợ 1,5 triệu.
Riêng về chính sách nếu có người không may tử vong do dịch COVID-19, TP sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí hỗ trợ từ ngân sách TP, theo đó sẽ hưởng mức 50 lần so với mức hỗ trợ hàng tháng (hơn 17 triệu/người bị tử vong).