Tập đoàn Softbank vào ngày hôm qua đã nói rằng lợi nhuận ròng trong giai đoạn từ tháng 4 - 6 giảm 39% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 761,5 tỷ yên (6,9 tỷ USD). Nguyên nhân dẫn tới tình huống này là bởi Softbank nhận mức lợi nhuận nhỏ hơn từ các khoản đầu tư của họ vào startup. Ngoài ra, quý này cũng vắng bóng nhiều thương vụ IPO.
Kết quả này đánh dấu lần đầu tiên Softbank sụt giảm lợi nhuận trong 5 quý và là tín hiệu cho thấy những thách thức trong việc tạo ra lợi nhuận bền vững từ các khoản đầu tư vào những công ty công nghệ - vốn chịu ảnh hưởng lớn từ điều kiện thị trường.
Softbank đã báo cáo kỷ lục 4,99 nghìn tỷ yên lợi nhuận trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 - gồm một khoản lợi nhuận lớn nhất tới từ doanh thu bán cổ phần tại T-Mobile trong quý đầu tiên.
Lợi nhuận đầu tư của 2 quỹ Vision giảm 3% so với năm trước. Thương vụ IPO của công ty gọi xe Trung Quốc là Didi Chuxing vào ngày 30/6 đã giúp bù đắp sự sụt giảm lợi nhuận từ lượng cổ phần tại Coupang của Hàn Quốc và một số công ty khác. Tuy nhiên, cổ phiếu của Didi sau đó đã giảm 33% khi chịu sức ép từ chính quyền Trung Quốc. Điều này cũng gây thiệt hại lớn cho Softbank.
Ngoài Didi, những công ty Trung Quốc khác trong danh mục đầu tư của Softbank cũng đang chịu áp lực lớn.
Cổ phiếu của công ty gọi xe tải niêm yết tại Mỹ là Full Truck Alliance, website bất động sản Ke Holdings và công ty fintech OneConnect Financial Technology cũng đều chứng kiến mức giảm hơn 30% kể từ tháng 7.
Alibaba Group - tài sản giá trị nhất của Softbank cũng chứng kiến cổ phiếu giảm 14%. Softbank hiện mắc kẹt trong hàng loạt thỏa thuận nhằm huy động thêm tiền từ các nhà đầu tư, sử dụng cổ phần của Alibaba làm tài sản thế chấp.
Bản thân cổ phiếu Softbank cũng đã giảm13% kể từ tháng 7.
Áp lực lên danh mục đầu tư của Softbank sẽ làm dấy lên câu hỏi liệu Chủ tịch và CEO Masayoshi Son sẽ tuyên bố các biện pháp mới để hỗ trợ giá cổ phiếu của họ hay không.
Tháng 3/2020, Softbank tiến hành để mua lại cổ phiếu, giúp đẩy giá cổ phiếu công ty lên mức cao kỷ lục.
Hiện tại, một vài chuyên gia phân tích kêu gọi Softbank nên tổ chức thêm các đợt mua lại cổ phiếu.
"Chúng tôi tin rằng việc mua lại cổ phiếu là động lực giúp đẩy giá cổ phiếu Softbank trong ngắn hạn", chuyên gia Atul Goya nói.
Hơn nữa, Softbank đã chấm dứt các biện pháp bổ sung và thay vào đó đặt cược vào Vision Fund 2 - hoàn toàn do Softbank đầu tư. Vision Fund 2 đã đầu tư vào 91 công ty tính tới 30/6, tăng từ 44 so với cuối tháng 4. Trong khi đó, Vision Fund 1 đã đầu tư vào 95 công ty.
Các khoản đầu tư của Softbank vào các cổ phiếu đang giao dịch công khai đã nhận khoản lợi nhuận 210 tỷ yên trong quý đầu tiên và ghi nhận lỗ lũy kế là 22 tỷ yên. Danh mục đầu tư này của Softbank gồm cả Amazon, Paypal và TSMS.
Nguồn: Nikkei
Phương Linh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị