Xuất hàng dự trữ quốc gia phục vụ phòng chống dịch trong trường hợp cấp bách
Minh Duy
(KTSG Online) - Chính phủ vừa ban hành nghị quyết về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, đề ra thời hạn cho các địa phương kiểm soát dịch, quyết nghị các cơ chế, chính sách đặc thù cho thuốc, vaccine ngừa Covid-19, đề cập đến việc xuất hàng dự trữ quốc gia để kịp thời phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để kịp thời phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TTXVN |
TPHCM phấn đấu kiểm soát dịch trước ngày 15-9
Trong Nghị quyết số 86/NQ-CP về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Chính phủ yêu cầu các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 phải thực hiện nghiêm những quy định trong các chỉ thị này.
Trong vòng 14 ngày kể từ ngày đầu tiên thực hiện giãn cách phải xác định được cụ thể và bảo vệ được thật chắc các vùng xanh - vùng an toàn; có biện pháp, lộ trình cụ thể để chuyển những vùng có nguy cơ thành vùng xanh và thu hẹp vùng đỏ - khu vực phong tỏa, cách ly.
Trong thời hạn 28 ngày, những địa phương trên phải kiểm soát được tình hình và phải cô lập được các “vùng đỏ” ở phạm vi hẹp nhất.
TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15-9 tới. Các tỉnh Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 1- 9 tới. Các tỉnh, thành phố khác trước ngày 25-8.
Cùng với việc thực hiện nghiêm các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, các bộ ngành cùng địa phương phải đáp ứng nhu cầu thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu và kịp thời cấp cứu, chữa bệnh cho mọi người dân.
Cấp hàng dự trữ quốc gia phục vụ phòng, chống dịch bệnh
Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, các bộ, ngành, địa phương ưu tiên sắp xếp, bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn lực hợp pháp khác để bảo đảm kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và cơ sở điều trị người bệnh Covid-19.
Thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% chi phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% kinh phí chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 không tính tiền lương và các khoản thu nhập khác để có thêm kinh phí phòng, chống dịch.
Thêm vào đó là thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, tập trung kinh phí cho việc chống Covid-19.
Bộ Y tế được giao tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ chi thường xuyên cho các cơ sở y tế công lập thu không đủ chi do tác động của dịch.
Cơ quan này cũng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để kịp thời phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Các bộ, ngành địa phương, đơn vị được chủ động quyết định sử dụng, mua sắm theo các kịch bản và phương án ứng phó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; được phép mua sắm với số lượng cao hơn nhu cầu thực tế để dự phòng trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp.
Theo Nghị quyết số 86/NQ-CP, trong thời hạn 28 ngày, những địa phương thực hiện giãn cách xã hội phải kiểm soát được tình hình dịch. Ảnh minh họa: Minh Duy |
Cơ chế đặc thù cho vaccine, thuốc điều trị Covid-19
Chính phủ cũng quyết nghị về các cơ chế, chính sách đặc thù. Cụ thể, việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vaccine ngừa Covid-19 được áp dụng các cơ chế, gồm:
Khi nộp hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc, vaccine, trường hợp không có giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm thì được thay thế bằng giấy tờ pháp lý do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng minh thuốc, vaccine đã được cấp phép lưu hành.
Thuốc điều trị, vaccine ngừa Covid-19 được sản xuất tại Việt Nam đang thực hiện thử lâm sàng nhưng đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả điều trị hoặc hiệu quả bảo vệ của vaccine dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vaccine được sử dụng để xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện.
Tuy nhiên, việc cấp giấy đăng ký lưu hành cũng phải dựa trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia đối với thuốc, vaccine thực hiện thử lâm sàng tại Việt Nam.
Thêm vào đó là ý kiến tư vấn của Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với từng thuốc, vaccine cụ thể, có tham khảo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Thuốc, vaccine được cấp trong các trường hợp trên phải được tiếp tục theo dõi về tính an toàn, hiệu quả, kiểm soát về đối tượng, số lượng, phạm vi sử dụng sau khi cấp giấy đăng ký lưu hành.
Bộ Y tế xem xét, quyết định từng trường hợp cụ thể đối với việc cho miễn phiếu kiểm nghiệm (COA) cho từng lô thuốc, vaccine khi thông quan trong trường hợp cần nhập khẩu khẩn cấp phục vụ yêu cầu phòng, chống dịch.
Việc nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất thuốc điều trị, vaccine ngừa Covid-19 đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch theo điều 85 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 8-5-2017 được miễn văn bản phê duyệt danh mục thuốc của Bộ Y tế.
Chi phí khám, chữa bệnh Covid-19
Cũng theo nghị quyết này, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh cho bệnh nhân Covid-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 do ngân sách nhà nước bảo đảm theo chi phí thực tế.
Chi phí điều trị các bệnh khác trong quá trình điều trị Covid-19 thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế được ban hành văn bản hướng dẫn việc tổ chức khám bệnh, chữa bệnh và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của người tham gia bảo hiểm y tế trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Bộ Y tế ban hành quy trình, định mức kinh tế - kỹ thuật các loại xét nghiệm Covid-19. Trên cơ sở đó, UBND cấp tỉnh quyết định giá đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan cấp dưới thực hiện.
Mời đọc thêm:
Người mắc Covid-19 theo dõi tại nhà có thể dùng những loại thuốc nào?
TPHCM yêu cầu bệnh viện luôn sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân đến khám và cấp cứu