Trên phố Wall nhộn nhịp và huyên náo của nước Mỹ đầu thế kỷ 20. Người ta nhìn thấy một người đàn bà già nua, chầm chậm di chuyển trong chiếc váy đen bạc màu, bẩn thỉu, sờn rách giữa đám đàn ông mang dáng dấp nhà đầu tư với vẻ ngoài lịch lãm.
"Phù thủy phố Wall" trong trang phục đen đang đi trên phố lúc về già. Ảnh: Pinterest
Người phụ nữ trông có vẻ nghèo khổ, luôn cau có thường trực trên khuôn mặt chính là Hetty Green, hay còn được biết đến với biệt danh là "phù thủy phố Wall". Biệt danh này có bao hàm hai tầng ý nghĩa.
Thứ nhất, bà làm được những điều kỳ diệu. Thứ hai, bề ngoài của bà thực sự trông rất giống phù thủy.
Hetty Green chính là nhà đầu tư nữ vĩ đại nhất mọi thời đại. Thành công của Hetty Green ở Wall Street được coi là bằng chứng sống động nhất cho thấy phụ nữ cũng có thể đầu tư thành công chẳng kém gì đàn ông.
Tuy nhiên, bà cũng là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất ở nước Mỹ. Bức tranh về con người bà là những mảng sáng tối đan xen nhau. Có người khen bà là nhà đầu tư thiên tài. Có người lại chê bà là "mụ phù thủy" độc ác, keo kiệt và tàn nhẫn. Cuộc đời thăng trầm và đầy thị phi của bà đã để lại cho hậu thế nhiều bài học đắt giá.
Thần đồng tài chính với máu kinh doanh từ nhỏ nhưng sống khác người
Hetty Green (tên khai sinh là Henrietta Howland Robinson) sinh năm 1834 và là người con duy nhất trong một gia đình sở hữu công ty kinh doanh cá voi giàu có bậc nhất ở New Bedford, bang Massachusetts.
Do mẹ Hetty quá ốm yếu nên việc chăm sóc con gái dồn cả cho người bố và ông nội. Họ đã dạy dỗ Hetty cách quản lý tiền bạc khôn ngoan ngay từ nhỏ. Mỗi buổi tối thay vì đọc những câu chuyện đêm khuya cho con gái, họ đọc những bản tin thị trường chứng khoán cho Hetty nghe.
Hetty Green đúng là một nhà tài chính bẩm sinh. Năm 6 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa còn bay bổng với các câu chuyện cổ tích, Hetty Green đã làm quen với báo cáo thị trường chứng khoán vì thường nghe ông giảng giải và phân tích về chúng. Những ngày tháng ấy giúp Hetty có nền tảng về tài chính vững chắc.
Sở hữu tài khoản ngân hàng đầu tiên vào năm 8 tuổi, đến năm 10 tuổi, Hetty vào trường nội trú Eliza Wing ở Sanwich. Mặc dù là một học sinh kém cỏi ở hầu hết các môn học, nhưng tài năng của bà với các con số là không thể phủ nhận.
Chữ viết như gà bới, luôn luôn sai chính tả, nhưng Hetty luôn biết rõ những con số viết ra. Quan trọng hơn, bà biết cách làm cho chúng tăng trưởng.
Năm 13 tuổi, Hetty đảm nhận vị trí kế toán cho việc kinh doanh của gia đình.
Cả gia đình và nhà trường đều dạy Hetty một điều: "Bạn không cần nhiều để sống, và mục tiêu của kiếm tiền là để tiết kiệm, chứ không phải tiêu đi." Chính vì thế, ngay từ bé Hetty đã được ảnh hưởng rất lớn từ tư tưởng sống tằn tiện, tiết kiệm và luôn quan tâm đến giá trị đồng tiền trên hết. Ảnh: Headstuff
Cha của Hetty thời điểm này muốn con gái mình trở nên sang chảnh, kết giao với tầng lớp thượng lưu và cưới được một gia đình giàu có nên đã cho cô 1.200 USD để sắm sửa quần áo. Tuy vậy Hetty lại gửi ngân hàng 1.000 USD và kiếm những bộ đồ cũ để mặc với khoản tiền 200 USD còn lại. Hệ quả là Hetty chẳng được gia đình giàu có nào để mắt tới trong những buổi tiệc của trường với giới thượng lưu.
Hetty Green khi còn trẻ, quyết không lấy chồng nghèo. Ảnh: Pinterest
Thậm chí chính những ảnh hưởng của sự vụ lợi trong giới thượng lưu mà Hetty rất sợ những kẻ đào mỏ. Bà tự hứa với bản thân mình rằng sẽ không bao giờ lấy một kẻ tầm thường không có tài sản gì.
Năm 20 tuổi, ông Green tiếp tục mua tặng Hetty một cái tủ chứa đầy những bộ trang phục đẹp đẽ và thời thượng nhất, với hy vọng con gái sẽ quyến rũ được đàn ông giàu có làm chồng. Nhưng cuối cùng, Hetty đã bán sạch quần áo rồi lấy số tiền đó mua trái phiếu chính phủ.
Năm 33 tuổi, Hetty Green lên xe hoa với Edward Henry Green, người lớn hơn bà 12 tuổi, cũng là một người giàu có, nhưng ít hơn nhiều so với bà. Trên thực tế, Hetty chẳng yêu thương mấy người chồng Edward Henry Green của mình. Dẫu vậy Hetty chẳng thế chống lại định kiến xã hội về việc cưới xin cũng như phải sinh con.
Quyết đoán, đi ngược với đám đông, "phù thủy phố Wall" sử dụng chiến lược độc lạ để xây dựng gia tài tỷ đô
Sau khi ông bố qua đời vào năm 1865, Hetty Green thừa kế số tài sản lên đến 5 triệu USD, tương đương với 15 triệu USD bây giờ (gần 348 tỷ đồng).
Ngay khi nhận số tiền thừa kế khổng lồ, bà đã thực hiện một thương vụ lớn. Bà dùng tất cả tiền mua hết trái phiếu chính phủ, dù nhiều người khi đó cho rằng việc làm đó là "điên rồ" trong thời điểm nội chiến vừa kết thúc. Bà mua được trái phiếu giá rất rẻ từ các thương nhân. Cuối cùng, không nằm ngoài mong đợi, bà thu lại lợi nhuận khổng lồ.
Bà Hetty chia sẻ: "Tôi mua vào khi giá rẻ và khi mọi người chẳng quan tâm đến những mặt hàng đó. Tôi giữ chúng đến khi giá đi lên và mọi người điên cuồng mua vào. Đó chính là bí quyết cho thành công của tôi".
Với phương châm "mua rẻ, bán đắt", chọn đúng thời điểm, Hetty đã nhanh chóng thành công trên cả thị trường chứng khoán, bất động sản, kinh doanh và trái phiếu.
Hetty là một nhà chiến lược đại tài và cũng là một con "cá mập" cho vay nhẫn tâm. Ảnh Pinterest
Có những năm, lợi nhuận đầu tư của Hetty lên tới 1,25 triệu USD. Có những ngày, Hetty kiếm được tới 200.000 USD nhờ những quyết định đầu cơ thông minh.
Ngoài những thương vụ đầu cơ, Hetty cũng cho vay lấy lãi và đến năm 1905, bà đã trở thành chủ nợ lớn nhất ở New York.
Vào cuối thế kỷ 19, phụ nữ thường chỉ quanh quẩn trong nhà và lo việc gia đình. Hetty Green không phải mẫu người như vậy. Bà là người có ý thức nữ quyền và sự tự tin cao độ. Đây cũng là một trong những lý do tạo nên thành công to lớn của bà sau này.
Thời còn đi học, cô nữ sinh Hetty Green thường bị giáo viên chê bai vì chữ viết xấu như gà bới và toàn đánh vần sai. Hetty Green cũng không tỏ ra thất vọng hay buồn khổ vì điều đó. Chữ xấu cũng không chết ai. Ngoại hình tệ cũng không sao. Bà cho rằng ai cũng có nhược điểm và để thành công chỉ cần tập trung vào thế mạnh của mình là được. Thế mạnh của bà chính là khả năng kiếm tiền.
Trong một buổi phỏng vấn, Hetty Green tự tin trả lời rằng: "Khi đám đàn ông còn đang vật lộn kiếm sống ngoài xã hội thì tôi đã bắt đầu biết đầu tư và làm giàu từ năm 15 tuổi".
Hà tiện vô cực: Phong cách sống keo kiệt của nữ tỷ phú khiến cả thế giới kinh ngạc
Gia đình Hetty theo đạo Quaker (còn gọi là Hiệp hội tôn giáo các tín hữu) và bà được nuôi dưỡng trong niềm tin về giá trị sống tằn tiện và tiết kiệm.
Dù sở hữu khối tài sản đồ sộ, Hetty sống cực kỳ tiết kiệm, thậm chí keo kiệt. Mỗi ngày đi làm bà mang theo một chiếc cặp lồng, trong đó chỉ có bánh quy và bột yến mạch. Mỗi chiếc bánh có giá 15 xu.
Quần áo chỉ có vài bộ váy đen cũ nhàu, còn đồ lót thì chỉ chịu thay khi chúng đã sờn rách. Bà từng chia sẻ với đồng nghiệp rằng chỉ giặt đường viền của váy khi chúng bị bẩn để tiết kiệm xà phòng. Bà cũng không bao giờ tắm bằng nước nóng hay dùng lò sưởi dù trời lạnh đến đâu.
Thậm chí, "phù thủy phố Wall" chẳng mấy khi chịu rửa tay do sợ tốn xà phòng. Ngoài ra, bà còn sử dụng một chiếc xe ngựa cũ mèm. Thậm chí, bà thức trắng cả đêm để tìm một cái tem 20 xu, hay không cho đốt nến cắm trên bánh sinh nhật lần thứ 21 mà gỡ ra cất đi để dùng cho sinh nhật lần sau.
Hai đứa con của Hetty chỉ mặc quần áo cũ và sống như những đứa trẻ bình thường, thậm chí còn không bằng. Bà luôn mặc cả từng xu mọi món đồ mua ở cửa hàng. Vào mùa đông rét mướt, thay vì mua áo ấm, Hetty lót nhiều lớp báo bên trong váy để giữ ấm. Bà dùng lại những phong bì thư cũ và chây ì trả tiền thù lao cho các luật sư, bác sĩ.
Hiện vẫn chưa rõ những lời đồn trên là có thật hay không bởi xét đến những thành công mà Hetty làm được trong một xã hội trọng nam khinh nữ thời đó, nhiều khả năng những tin đồn nhảm bị chính những đối thủ của bà tung ra. Dẫu vậy, việc Hetty có suy nghĩ bảo thủ và cứng rắn là điều chắc chắn và nó dẫn đến những hệ lụy không đáng có.
Hetty chia sẻ: "Không có bí mật gì lớn trong làm giàu cả… Tất cả những gì bạn làm là mua rẻ và bán đắt, hành động với sự tằn tiện, sắc sảo và kiên trì". Ảnh: Pinterest
Cái giá của việc yêu tiền một cách mù quáng
Ngay cả sự đau đớn của bệnh tật cũng không khiến bà thay đổi tính cách. Sau 20 năm chịu đựng chứng thoát vị, cuối cùng bà mới để bác sĩ Henry Pascal khám cho mình vào năm 1915.
Bác sĩ nhận định bà bị chứng thoát vị quá nặng. Ông lập tức thông báo, chứng thoát vị của bà rất nghiêm trọng và cần phải phẫu thuật khẩn cấp. Khi được thông báo chi phí là 150 USD, bà quắc mắt lên quát bác sĩ: "Ông cũng vậy thôi! Một lũ kẻ cướp!" rồi bỏ ra khỏi phòng khám.
Bên cạnh đó, người viết tiểu sử kể rằng, khi cậu con trai Ned bị thương ở chân trong một vụ tai nạn, Hetty đã cho con mặc đồ cũ, tới phòng khám tư nhân miễn phí dành cho người nghèo. Khi các bác sĩ nhận ra "Phù thủy phố Wall", họ lập tức bắt bà trả viện phí. Hetty chỉ im lặng và rời khỏi đó, tìm cách chữa chân cho con bằng thảo dược ở nhà. Kết quả là không được điều trị kịp thời và đúng đắn, chân Ned bị hoại tử và buộc phải cắt bỏ.
Trong khi đó, người con gái Sylvia của Hetty cũng chịu ảnh hưởng bởi tính keo kiệt của bà. Sylvia phải sống với Hetty đến tận năm 30 tuổi mà chẳng lấy được chồng bởi mẹ cô từ chối mọi cuộc hôn nhân, bà cho rằng đàn ông chỉ ham muốn số tài sản thừa kế của Sylvia mà thôi.
Phải đến tận năm 1909, Sylvia mới lấy được Matthew Astor Wilks sau 2 năm thuyết phục. Anh này là một trong những người thừa kế của dòng họ Astor và phải góp 2 triệu USD để chứng minh mình không màng đến tài sản của Sylvia thì mới được Hetty đồng ý cho cưới. Tuy nhiên, 2 người vẫn phải làm hợp đồng tiền hôn nhân để đảm bảo rằng Matthew không được động vào tài sản của Sylvia.
Tình yêu của Hetty Green dành cho tiền khiến bà làm mọi thứ để bảo vệ tài sản. Kết hôn cùng người chồng Edward Henry Green, bà đã bắt ông kí vào một khế ước tiền hôn nhân để giữ cho cả hai độc lập về mặt tài chính.
Khi chồng gặp khó trong kinh doanh, nhờ tới sự trợ giúp của vợ, Hetty một mực từ chối. Bà cho rằng dù sống với nhau, tài chính của hai người hoàn toàn tách biệt, bà không có nghĩa vụ phải giúp đỡ chồng. Khi đó tài sản ròng của Hetty ước tính khoảng 25 triệu USD. Không có tiền, không được vợ đứng ra bảo lãnh, công ty của Edward phá sản. Edward vô cùng xấu hổ vì điều này. Cả hai chia tay không lâu sau đó.
Trong 25 năm tiếp theo, Hetty cùng hai con sống trong các căn hộ thuê ở New York và New Jersey. Bà liên tục đổi chỗ ở vì sợ bị ám sát và nhằm tránh khỏi "tai mắt" của cả báo chí lẫn những nhân viên thu thuế.
Có người còn nói rằng Hetty Green luôn thủ sẵn một khẩu súng trong người, sẵn sàng chĩa thẳng vào mặt những kẻ dám động đến... ví tiền của bà.
Năm 1916, bà Hetty qua đời vì ốm yếu, để lại khối tài sản ước tính khoảng 200 triệu USD cho hai con, sau khi đã đóng góp một khoản cho từ thiện. Cậu con trai Ned trở thành nhà sưu tập những thứ đắt đỏ, kết hôn với mối tình đầu, người bà Hetty từng nhất quyết phản đối. Còn Sylvia lập gia đình và tận hưởng cuộc sống nổi loạn, tự do, không có con cái.
Ngọc Nhi
Trí thức trẻ