Người lao động tự do sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/lần do ảnh hưởng của dịch COVID-19 - Ảnh: BỬU ĐẤU
Theo đó, người lao động tự do làm việc trong nhóm ngành, nghề, lĩnh vực sau: bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu không có địa điểm cố định; bốc vác, vận chuyển hàng hóa (bằng xe máy 2 bánh, xe thô sơ, xe ba gác); lái xe môtô 2 bánh chở khách (xe ôm), xe lôi chở khách.
Lao động tự làm hoặc làm thuê trong các lĩnh vực: cơ sở ăn uống, giải khát, lưu trú (phục vụ bàn, đầu bếp, phụ bếp, lễ tân, tạp vụ); làm đẹp (cắt tóc, uốn tóc, làm móng); chăm sóc sức khỏe (massage bấm huyệt, châm cứu, vật lý trị liệu); xây dựng (thợ hồ, phụ hồ).
Mức hỗ trợ là 1,5 triệu đồng/người/lần. Nguồn kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Thời gian triển khai hỗ trợ từ ngày 1-5 đến hết ngày 31-12.
Người lao động phải đăng ký đề nghị hỗ trợ tại UBND xã, phường, thị trấn. Sau đó, các địa phương sẽ tổng hợp báo cáo về UBND cấp huyện, thị xã, thành phố đề gửi về Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh phối hợp Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ Online, ông Châu Văn Ly - giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh An Giang - cho biết vừa qua An Giang đã hỗ trợ hơn 9.500 người bán vé số lưu động tại 11 huyện, thị xã, thành phố với tổng kinh phí trên 14 tỉ đồng.
"Toàn tỉnh có trên 50.000 người lao động tự do. Hiện tại, các địa phương sẽ thông báo để lao động đăng ký với UBND xã. Sau đó, chúng tôi sẽ trình UBND tỉnh phê duyệt. Từ khi xã nhận hồ sơ đến chi tiền chỉ có 10 ngày", ông Ly nói thêm.
TTO - 0913886380 - đây là số điện thoại đường dây nóng của tỉnh An Giang để tiếp nhận và hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản.