Ngày 10-8 Mỹ cho biết sẽ triển khai khoản viện trợ hơn 50 triệu USD cho Myanmar nhằm giúp quốc gia Đông Nam Á này đối phó sự hoành hành của đại dịch COVID-19, hãng Reuters đưa tin.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price hôm 10-8, “khoản hỗ trợ này được đưa ra vào thời điểm quan trọng khi nhu cầu nhân đạo đang gia tăng và sẽ giúp giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 đối với cuộc sống của người dân Thái Lan và Myanmar”.
Thống tướng Min Aung Hlaing. Ảnh: REUTERS
“Sự hỗ trợ này từ Mỹ sẽ tạo điều kiện cho các đối tác nhân đạo giúp đỡ những nhóm dân cư bị ảnh hưởng dễ bị tổn thương nhất ở Myanmar và Thái Lan, mang lại lợi ích cho hơn 700.000 người dân Myanmar và đóng góp vào việc cung cấp hỗ trợ nhân đạo” – ông Price cho hay, lưu ý đến tình hình bất ổn ở Myanmar khiến hàng nghìn người phải rời bỏ nhà cửa.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, tại Myanmar, khoản viện trợ của Mỹ sẽ hỗ trợ "những người buộc phải chạy trốn khỏi bạo lực và sự ngược đãi" cũng như giúp các đối tác nhân đạo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, chỗ ở và nước.
Ông Price cũng thông báo khoản viện trợ 5 triệu USD sẽ đến Thái Lan để đáp ứng các nhu cầu tương tự như cung cấp và quản lý vaccine nhằm đối phó đại dịch COVID-19.
Sáu tháng sau khi quân đội nắm chính quyền, nền kinh tế Myanmar đã suy yếu hơn nhiều và hệ thống chăm sóc y tế của nước này hiện đối mặt nhiều khó khăn trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 gia tăng.
Theo dữ liệu của Reuters, số ca nhiễm COVID-19 tại Myanmar lên đỉnh điểm vào tháng trước khi nước này ghi nhận trung bình 3.824 ca nhiễm mới mỗi ngày.
Myanmar đến nay đã ghi nhận 333.127 ca nhiễm, trong đó có 12.014 ca tử vong kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Reuters dẫn lời bà Christine Schraner Burgener - đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) về Myanmar – hôm 10-8 cho rằng quyền lực của chính quyền quân sự và Thống tướng Min Aung Hlaing dường như được củng cố hơn sau cuộc chính biến hồi tháng 2. Mặt khác bà cảnh báo rằng đảng chính trị của Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi có thể sớm bị giải tán. Bà Schraner Burgener trích dẫn thông báo của ông Min Aung Hlaing hôm 1-8 rằng ông hiện là thủ tướng trong một chính phủ tạm quyền và cũng chính thức hủy bỏ kết quả của cuộc bầu cử tháng 11-2020. Theo bà Schraner Burgener, trừ khi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc hành động, Đại sứ của Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun vẫn là đặc phái viên hợp pháp của nước này tại LHQ và bà Suu Kyi và Tổng thống Myanmar Win Myint là các nhà lãnh đạo của đất nước. Bà Schraner Burgener nhấn mạnh rằng việc quyết định ai sẽ đại diện cho Myanmar tại LHQ là tùy thuộc vào các quốc gia thành viên, song bà mô tả đây là một "thời điểm quan trọng". |