Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 xác nhận cả xe cũng như Công ty TNHH vận chuyển cấp cứu 115 phía Đông không nằm trong hệ thống cấp cứu mà ngành y tế đã cấp phép - Ảnh: Công an cung cấp
Liên quan đến vụ việc xe cứu thương "chui", bác sĩ Nguyễn Duy Long - giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 - xác nhận cả phương tiện cũng như Công ty TNHH vận chuyển cấp cứu 115 phía Đông không nằm trong hệ thống cấp cứu mà ngành y tế đã cấp phép, quản lý.
Đại diện phòng quản lý dịch vụ y tế tư nhân (Sở Y tế TP.HCM) cũng xác nhận thông tin này.
Làm sao để nhận diện xe cứu thương thật?
Xe cứu thương từ nhiều đơn vị tư nhận được huy động vận chuyển cấp cứu, đều có logo và thẻ nhận dạng - Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115 cung cấp
Theo bác sĩ Long, thời gian gần đây đơn vị nhận được phản ảnh của một số cá nhân về việc xuất hiện xe cứu thương giả vận chuyển bệnh nhân mắc COVID-19 với giá "chặt chém".
"Theo phản ảnh, các xe này có dán các thông tin tình nguyện, nói miễn phí nhưng khi chở bệnh nhân đến bệnh viện lại giở trò thu tiền. Ngoài ra còn có rải rác ở một số xe tỉnh lên TP.HCM để vận chuyển cấp cứu với mục đích kiếm ăn" - ông Long nói.
Làm sao để nhận diện đâu là xe cấp cứu thật, đâu là xe cấp cứu giả trong bối cảnh này? Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa - phó phòng tổ chức hành chính (Trung tâm Cấp cứu 115), tất cả xe thuộc sở hữu của 115 đều có biển kiểm soát màu xanh, có logo đơn vị ở trước hoặc hai bên cửa xe.
Thẻ nhận dạng có đóng dấu Trung tâm Cấp cứu 115 trước xe - Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115 cung cấp
Đối với các xe cứu thương được trung tâm huy động, đơn vị có gắn thẻ nhận dạng xe phục vụ công tác phòng chống dịch (có dấu Trung tâm 115).
"Các xe này đều được lưu biển số, tên lái xe, thực hiện nhiệm vụ do trung tâm điều động (trực tại các bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19, các trạm cấp cứu dã chiến, các điểm tiêm vắc xin)" - ông Nghĩa nói.
Bị phát hiện do đã "chặt chém" một bệnh nhân khác
Liên quan đến vụ việc nêu trên, ngày 11-8, lãnh đạo Công an quận 8 (TP.HCM) cho biết đã bàn giao tài xế và xe cứu thương cho Công an quận Tân Bình tiếp tục xử lý.
Trước đó, tối 10-8, Công an phường 15 (quận 8) tuần tra phát hiện một ôtô có hình dạng giống xe cấp cứu mang biển số 51B-321.49 màu trắng, được hoán cải thành xe cứu thương, có đèn và còi ụ gắn trên nóc xe, bốn bên thành xe dán chữ thập màu đỏ.
Nhận thấy xe có nhiều biểu hiện nghi vấn, lực lượng công an yêu cầu tài xế N.D.T. (31 tuổi, tạm trú quận 12) dừng xe kiểm tra.
Tất cả xe thuộc sở hữu của 115 đều có biển kiểm soát màu xanh, có logo đơn vị ở trước hoặc hai bên cửa xe - Ảnh: Trung tâm Cấp cứu 115 cung cấp
Tài xế này không xuất trình được căn cước công dân, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe. Lúc chuyển bệnh trên xe không có bác sĩ và nhân viên y tế đi theo, khi có sự cố về sức khỏe, theo tài xế "sẽ tự xử lý".
Bước đầu tài xế này khai nhận được Công ty TNHH vận chuyển cấp cứu 115 phía Đông (có trụ sở tại TP Thủ Đức) điều phối đi nhận bệnh nhân COVID-19 tại quận 8, đưa vào cấp cứu và điều trị tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Giá cả vận chuyển, người nhà bệnh nhân tự thương lượng với công ty, tài xế không được biết.
Chị N.T.D.T. cho biết chiều 10-8, người thân có biểu hiện mệt, khó thở nên gia đình lên mạng tìm số điện thoại gọi xe cứu thương. "Lúc sau có người xưng tài xế xe cứu thương đến, chở từ quận 8 sang Bệnh viện Nhân dân Gia Định cấp cứu. Do lúc đó gấp gáp quá nên gia đình chấp nhận với chủ công ty giá 3 triệu đồng" - chị T. kể.
Khi xe "cứu thương" chở bệnh nhân trên đường bị công an phát hiện đây là chiếc xe đang truy tìm. Trước đó, sáng cùng ngày, xe này có chở một bệnh nhân khác từ quận Tân Bình đến Bệnh viện Chợ Rẫy và lấy 3,5 triệu đồng chỉ với đoạn đường 4km.
Sau khi tạm giữ phương tiện, Công an quận 8 đã phối hợp cơ quan y tế phân công nhân viên đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Tất cả đều miễn phí
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long, hiện tại trên địa bàn TP.HCM, ngoài số lượng xe cấp cứu của đơn vị còn có sự hỗ trợ từ một số doanh nghiệp (Phương Trang, Mai Linh) và một số bệnh viện tư. Ngoài ra, hiện chỉ có 6 đơn vị tư nhân được cấp phép vận chuyển cấp cứu.
"Chỉ định chạy xe, tiếp cận người dân như thế nào đều do ban chỉ đạo chống dịch của quận, huyện đảm trách điều phối, tất cả đều miễn phí. Cái quan trọng bây giờ là các địa phương phải có lực lượng túc trực nghe điện thoại để kịp thời tư vấn hướng dẫn cho người dân" - bác sĩ Long nói.
TTO - Tài xế hoán cải xe 16 chỗ thành xe 'cứu thương' rồi đăng số điện thoại lên mạng. Khi có bệnh nhân cần cấp cứu, người này ra giá 3-4 triệu đồng một chuyến dù quãng đường có khi chỉ 4km...
Xem thêm: mth.27744942111801202-hneb-iougn-mehc-tahc-mod-gnouht-uuc-ex-91-divoc-uuc-pac-gnud-iol/nv.ertiout