TAND tỉnh Hà Tĩnh vừa xử phúc thẩm vụ sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức đối với bị cáo Đặng Thị Thảo và Nguyễn Kim Đức (chồng của Thảo).
Theo hồ sơ, Thảo làm ăn thua lỗ dẫn đến khoản nợ khoảng 1,5 tỉ đồng nhưng không có khả năng trả nợ, bị những người cho vay liên tục thúc ép, gây áp lực yêu cầu trả nợ.
Khoảng cuối năm 2019, vợ chồng Thảo, Đức gọi điện thoại cho chị Nguyễn Thị Lợi (bạn học của Thảo, trú xã Đại Đồng, huyện Thanh Chương, Nghệ An) hỏi vay 200 triệu đồng để kinh doanh nhưng thực chất là để trả nợ.
Vợ chồng Thảo sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất giả để cầm cố vay tiền. Ảnh minh họa
Chị Lợi đồng ý cho vay nhưng yêu cầu Thảo phải có tài sản cầm cố. Do dó, vợ chồng Thảo bàn nhau làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) đối với thửa đất trước đây thuộc quyền sử dụng của hai vợ chồng nhưng đã chuyển nhượng cho người khác.
Thảo lên mạng xã hội Facebook thuê một người (không rõ lai lịch) làm giả GCNQSDĐ số BI 161104. Để tạo lòng tin, vợ chồng Thảo đến văn phòng công chứng làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với thửa đất trên cho vợ chồng chị Lợi.
Trong bản hợp đồng có chữ ký, điểm chỉ của vợ chồng Thảo, Đức. Hợp đồng có đóng dấu treo của văn phòng công chứng, chưa được chứng thực vì chưa có chữ ký của người mua.
Khoảng tháng 1-2020, Thảo cầm GCNQSDĐ giả và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đến nhà giao cho chị Lợi và nhận 200 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận miệng nếu trong hai tháng vợ chồng Thảo không trả tiền thì phải chuyển nhượng thửa đất nói trên cho vợ chồng chị Lợi.
Sau nhiều lần đòi nợ nhưng không được, tháng 6-2020, chị Lợi yêu cầu Thảo làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất như đã thỏa thuận. Sợ bị lộ việc sử dụng giấy chứng nhận giả nên vợ chồng Thảo tiếp tục xin khất nợ.
Đến ngày 17-8-2020, do Thảo không trả tiền nên chị Lợi đã đưa toàn bộ hồ sơ nói trên đến văn phòng đăng ký đất đai để làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất. Biết giấy tờ trên là giả, chị Lợi đã tố cáo đến cơ quan công an.
Xử sơ thẩm ngày 30-11-2020, TAND huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đã xử phạt bị cáo Thảo sáu tháng tù, Đức bốn tháng tù nhưng cho hưởng án treo cùng về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.
VKSND tỉnh Hà Tĩnh sau đó đã ban hành kháng nghị phúc thẩm theo hướng hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại vì cho rằng tòa bỏ lọt hành vi phạm tội.
Tòa phúc thẩm xét thấy mặc dù không có khả năng trả nợ, không có tài sản để cầm cố nhưng Thảo và Đức đã dùng thủ đoạn gian dối tạo lòng tin để chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng của vợ chồng chị Lợi.
Cả hai đã đưa ra thông tin không đúng sự thật về mục đích vay tiền là để kinh doanh vì nếu biết vay để trả nợ, chị Lợi sẽ không cho vay. Đồng thời, hai bị cáo đã thuê người làm giả GCNQSDĐ nhằm đáp ứng điều kiện phải có tài sản cầm cố khi cho vay của chị Lợi…
Ngoài hành vi phạm tội đã bị xét xử, hành vi trên đã cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Việc cấp sơ thẩm chỉ truy tố và xét xử đối với hai bị cáo về tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức mà không xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là bỏ lọt hành vi phạm tội. Nội dung kháng nghị của VKS là có căn cứ.
Do đó, HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị của VKS, hủy bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại.