Giá lúa giảm do đứt gãy chuỗi cung ứng
Trung Chánh
(KTSG Online) - Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long sụt giảm mạnh trong những ngày qua là do đứt gãy chuỗi cung ứng, chứ không phải do cung cầu vì khách quốc tế vẫn có nhu cầu nhập gạo của Việt Nam, theo các doanh nghiệp nhận định.
Tiêu thụ lúa gạo cho nông dân: lo ngại ‘nút thắt’ ở cảng
Nông dân 'khó chồng khó' vì giá lúa thấp, giá phân bón tăng mạnh
Lúa rớt giá, An Giang 'trách' các tổng công ty lương thực đang đứng ngoài cuộc
Giá lúa giảm do đứt gãy chuỗi cung ứng. Ảnh: Trung Chánh |
Ông Nguyễn Việt Anh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lương thực Phương Đông, cho biết khách hàng quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam nhưng các doanh nghiệp không giao được hàng.
Điều này khiến nông dân không bán được lúa dẫn đến giá sụt giảm như thực tế diễn ra thời gian gần đây, nhà máy thì không mua được hàng. Trong khi đó, sản phẩm không có ghe/sà lan giao đến cảng, bởi yêu cầu phải có giấy xét nghiệm nhanh Covid-19 nhưng giá trị ngắn, làm phát sinh chi phí cũng như do tâm lý sợ dịch bệnh.
Theo ông Việt Anh, hàng hoá ra cảng thì thiếu hoặc không có bốc xếp giao lên tàu, bởi công nhân buộc phải có xét nghiệm nhanh mới được lên tàu, trong khi một số ổ dịch xuất hiện khiến các tàu phải dừng làm hàng lâu, chờ đợi cơ quan chức năng xử lý dịch.
Ông Việt Anh dẫn chứng, trong tháng 6 và 7 đã có hơn 10 tàu có thuyền viên hoặc công nhân bị Covid-19 buộc phải dừng làm hàng, dẫn đến hiệu ứng “domino” cho toàn bộ các tàu tiếp theo, khiến ùn ứ ngoài cảng, gây áp lực lớn do các phương tiện giao hàng phải chờ lâu.
Ông Nguyễn Hà Nam, Tổng giám đốc Intimex Group, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho rằng các doanh nghiệp hiện không dám ký hợp đồng, bởi nếu ký mà không mua được hàng thì không thể giao cho đối tác.
Theo ông Nam, đơn vị này đã ký hợp đồng giao tháng 7 và 8 là 100.000 tấn, tuy nhiên, tháng 7 chỉ giao được 30.000 trên 50.000 tấn và tháng 8 khả năng giao không đến 50% của đơn hàng 50.000 tấn. “Nếu hợp đồng cứ tiếp tục thế này thì uy tín doanh nghiệp mất, thị trường cũng ảnh hưởng”, ông Nam cho biết.
Trước vấn đề nêu trên, ông Việt Anh đề xuất nên ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng trong chuỗi cung ứng, bao gồm tài công, sà lan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, giám định hàng hóa, khử trùng, nhân sự giao nhận xuất nhập khẩu của các công ty xuất khẩu.
Theo ông Việt Anh, phải tạo điều kiện đi lại cho các nhân sự nêu trên trong thời gian giãn cách vì lực lượng này đang duy trì xuất khẩu cho cả nước.
Mặt khác, ông Việt Anh cũng đề xuất hỗ trợ thuế, các khoản phí cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh (hiện các chi phí test nhanh và RT- PCR, chi phí ăn ở cho các lao động 3 tại chỗ là do doanh nghiệp chịu toàn bộ).
Ông Việt Anh cho rằng các quy định mới của cơ quan chức năng (nếu có) phải theo lộ trình, tránh đột ngột vì doanh nghiệp không trở tay kịp, nhất là các lô hàng đang trên đường. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu giải quyết thông thương cho hàng hoá và phương tiện vận tải lưu thông, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng.
Xem thêm: lmth.gnu-gnuc-iouhc-yag-tud-od-maig-aul-aig/753913/nv.semitnogiaseht.www