Mới đây, tâm sự của một người bố trên một diễn đàn phụ huynh có con theo học tại hệ thống trường tư nổi tiếng đã nhận được rất nhiều chia sẻ. Theo lời kể, từ năm ngoái, do Covid-19, gia đình này đã gặp khó khăn vì cả bố và mẹ đều làm việc trong lĩnh vực du lịch. Trước đó, họ đã đầu tư toàn bộ số tiền tích lũy và vay ngân hàng để làm ăn. Đến ngày đóng học phí cho con lớn (đang học tại đây), anh chị phải bán xe lấy tiền đóng học.
Nhưng tội nghiệp hơn cả là bé thứ 2, đã đỗ vào lớp 1 của trường này nhưng bố mẹ quyết định xin sang trường công vì không đủ lo học phí. Ngày khai giảng, cô bé hỏi một câu khiến người bố thực sự đau lòng: "Sao không cho con học cùng trường với anh, cô bảo con đạt rồi mà?"
"Thương con nhưng lực bất tòng tâm" - Người này tâm sự. Anh cũng băn khoăn suy nghĩ đến việc chuyển trường cho con lớn.
Trên các diễn đàn của phụ huynh, chúng ta không khó để bắt gặp những lời tâm sự như vậy khi gần 2 năm dịch Covid-19 đã khiến nhiều phụ huynh lâm vào cảnh khó khăn, đặc biệt là những người làm trong lĩnh vực du lịch.
Dẫu biết cha mẹ nào cũng thương con và mong muốn đem đến những điều tốt đẹp nhất cho con, nhưng trong hoàn cảnh thu nhập gia đình bị giảm mạnh, nên lựa chọn như thế nào?
3 MỨC CHI PHÍ GIÁO DỤC Ở VIỆT NAM
"Đây là một câu hỏi rất thiết thực, không chỉ trong hoàn cảnh hiện Covid hiện nay. Việc bố mẹ lựa chọn trường học nào cho con luôn là câu hỏi muôn thủa của mọi gia đình. Trừ một số ít gia đình rất giàu có, việc lựa chọn trường học cho con chỉ cần quan tâm đến yếu tố chất lượng, danh tiếng của trường, thì phần lớn các gia đình chúng ta sẽ cần cân nhắc thêm yếu tố tài chính" - Chuyên gia tài chính cá nhân Trần Nhật Nam nhận xét.
Nếu phân loại trên yếu tố tài chính thì hiện nay, các gia đình ở Việt Nam có 3 lựa chọn chính là A. Trường công lập; B. Trường tư thục và C. Trường Quốc Tế.
Ba lựa chọn này có ba mức chi phí khá khác biệt.
Lựa chọn A. Công lập: Nếu không đi học thêm thì chi phí chính thức cho mỗi học sinh chỉ khoảng 500-700.000đ/tháng.
Lựa chọn B. Tư Thục: từ 5-10 triệu/tháng
Lựa chọn C. Trường Quốc tế: Từ 15-30 triệu/tháng
Lựa chọn B với mức chi phí khoảng 7-10 triệu đồng/tháng là một mức chi phí không hề nhỏ. Vì vậy, câu trả lời nếu chỉ thuần túy về mặt tài chính thì rất rõ ràng.
Nếu thu nhập của gia đình chỉ ở mức 25-35 triệu mà dành cả 15-20 triệu để cả hai con học trường tư, đó không phải là lựa chọn khôn ngoan. Tuy nhiên, việc có quyết định cho con nghỉ hay không còn cần cân nhắc thêm một số yếu tố thực tế nữa. Ví dụ, việc khó khăn do Covid chỉ là tạm thời, nếu gia đình tự tin rằng sau Covid, thu nhập sẽ tốt lên thì việc chịu đựng thêm một thời gian để con không bị thay đổi môi trường, cho đến hết cấp cũng là một lựa chọn có thể cân nhắc.
Chuyên gia tài chính cá nhân Trần Nhật Nam
CHI CHO GIÁO DỤC, BAO NHIÊU THÌ HỢP LÝ?
Chuyên gia Trần Nhật Nam chia sẻ, việc lựa chọn trường công hay trường tư sẽ cần bắt đầu bằng một "check list" đơn giản trước, lúc đó, chúng ta có thể loại bớt được những biến số làm rối quyết định của phụ huynh.
Đầu tiên, ta xét đến yếu tố tài chính gia đình. Nếu thu nhập của gia đình dưới 20 triệu, chúng ta nên bỏ qua lựa chọn trường tư và tập trung vào tìm kiếm các trường công tốt, phù hợp. Khi Tài chính gia đình cho phép, lúc đó chúng ta sẽ cân nhắc đến việc lựa chọn trường Công hay Tư.
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất của hai hệ thống trường Công và Tư là ở 3 yếu tố:
- Ngoại ngữ (Tiếng Anh)
- Kiến thức xã hội
- Cơ sở vật chất
Các cụ có câu, tiền nào của nấy, rõ ràng, trường tư với sự đầu tư về cơ sở vật chất và các môn học chứa nhiều kiến thức xã hội, đào tạo ngoại ngữ tốt hơn sẽ dễ cuốn hút trẻ em, tạo điều kiện tốt hơn các cháu ngay trong lúc đi học và cho cả tương lai.
"Một lợi điểm vô hình mà tôi thấy được ở hệ thống trường tư là các cháu không phải chứng kiến một số tiêu cực hay có trong hệ thống trường công" - Chuyên gia Trần Nhật Nam nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù nhiều gia đình đủ điều kiện về tài chính, họ vẫn lựa chọn trường Công cho con cái mình vì các lý do cũng rất hợp lý.
- Trường công có tính kỷ luật cao hơn (các con không được chiều chuộng như trường tư)
- Thầy cô giáo trường công nhiều kinh nghiệm giảng dạy hơn
- Học trường công xong để dành tiền cho con đi học thêm. Đây là lý do rất phù hợp với các gia đình quyết tâm cho con đi theo hệ công lập, thi vào các trường chuyên lớp chọn.
Vậy mức chi phí hợp lý dành cho giáo dục nên chiếm bao nhiêu % trong tổng thu nhập của một gia đình?
Nếu thu nhập của gia đình dưới 20 triệu, chúng ta nên bỏ qua lựa chọn trường tư và tập trung vào tìm kiếm các trường công tốt, phù hợp.
Theo chuyên gia, nếu là gia đình mức trung lưu, thu nhập khoảng 40 - 50 triệu/tháng thì tối đa cũng chỉ nên dành 30-40% thu nhập cho giáo dục. Đây là mức rất cao so với thế giới bởi vì người Việt chúng ta rất coi trọng giáo dục. Tuy nhiên, mức này đồng nghĩa với việc chúng ta phải chi tiết khá tiết kiệm và đặc biệt là phải giảm bớt quỹ tiết kiệm của gia đình.
Đáng ra, với thu nhập 40-50 triệu/tháng, một gia đình có thể để dành được khoảng 30% thu nhập dùng cho tiết kiệm và đầu tư cho tương lai. Tuy nhiên, nếu gia đình đã quyết định đầu tư cho con cái đi học thì rõ ràng mức tiết kiệm sẽ giảm xuống rất thấp.
Mặc dù vậy, tôi luôn khuyên rằng chúng ta luôn cần phải giữ một mức tiết kiệm tối thiểu 10% thu nhập cho gia đình" - Chuyên gia nhấn mạnh.
Việc chúng ta tìm đến những lựa chọn giáo dục rẻ hơn không có nghĩa là chúng ta đã hy sinh tương lai của con cái mình. Phần lớn sự thành công của con cái là dựa trên sự quan tâm và sự gương mẫu của cha mẹ, chứ không phải là do bỏ thật nhiều tiền cho con học trường nọ lớp kia. Cha mẹ dành thời gian cho con, sống đúng mực, luôn cố gắng để con noi theo sẽ là nền tảng giao dục quan trọng nhất cho con cái. Nếu điều kiện tài chính của gia đình không đủ học trường tư, cha mẹ hoàn toàn có thể bổ sung kiến thức tiếng Anh và xã hội cho con cái bằng các con đường khác.
"Nhiều cha mẹ sợ cho con xem tivi, youtube nhưng từ kinh nghiệm bản thân tôi, cho trẻ tiếp xúc nhiều với Tivi, Youtube từ nhỏ nhưng chịu khó hướng dẫn con những nội dung bằng tiếng Anh phù hợp, trẻ sẽ có được nền tảng tiếng Anh rất tốt và kiến thức xã hội sâu rộng. Đối với ngoại ngữ và kiến thức xã hội, giáo dục thụ động, để cho thông tin, kiến thức ngấm dần một cách tự nhiên sẽ có hiệu quả cao hơn. Chúng ta không thể ngăn cản con cái với tất cả các thông tin xấu, chúng ta chỉ có thể hướng dẫn chúng phân biệt được là đâu là tốt và đâu là xấu" - Ông Trần Nhật Nam chia sẻ.
Việc chúng ta tìm đến những lựa chọn giáo dục rẻ hơn không có nghĩa là chúng ta đã hy sinh tương lai của con cái mình
CÓ NÊN ĐI VAY ĐỂ CHO CON ĐI HỌC TRƯỜNG "XỊN"?
Từng xuất hiện thông tin có những trường tư thục liên kết với ngân hàng, cung cấp gói tín dụng cho phụ huynh để đóng học phí cho con từ cấp mầm non. Trước câu hỏi có nên đi vay để "đầu tư" cho tương lai của con, ông Trần Nhật Nam trả lời: "Tôi hoàn toàn phản đối việc bố mẹ vay tiền để con đi học".
Tại xã hội chúng ta hiện nay, Chính Phủ đã lo cho toàn dân phổ cập giáo dục, vì vậy, nếu không đủ năng lực tài chính thì chúng ta nên lựa chọn trường công, không nên vay tiền để theo học các ngôi trường đắt tiền.
Ở phương tây, chỉ có các trường đại học mới cung cấp gói vay tiền vì họ biết rằng sau khi học đại học, sinh viên ra trường có thể kiếm tiền để trả nợ. Còn các trường cấp 2-3 tư thục, họ chỉ dành cho con cái các gia đình giầu có, đủ năng lực tài chính trang trải cho con. Việc các con đi học là cả một quá trình 16-18 năm (từ mẫu giáo đến đại học), vì vậy, việc vay tiền trong từng đấy năm học sẽ khiến tài chính gia đình bạn kiệt quệ.
Nếu là 2 con nữa thì có thể lên đến 22 năm hoặc hơn. Việc vay tiền liên tục trong 1 khoảng thời gian dài như vậy sẽ làm tài chính gia đình kiệt quệ, gây áp lực quá lớn so với lợi ích của việc học Trường tư mang lại.
"Tóm lại, lời khuyên của tôi cho các bậc cha mẹ cần cân nhắc tình hình tài chính rất kỹ, dù có đầu tư cho con, vẫn nên ở mức làm sao gia đình vẫn có tối thiểu 10% thu nhập cho tích lũy. Nếu không đủ tài chính cho con theo học các trường tư, việc dành thời gian và hướng dẫn con cái cái sẽ mang lại hiệu quả giáo dục rất lớn mà không cần phải chi quá nhiều tiền." - Chuyên gia kết luận.