Tại phiên họp Chính phủ chiều 11-8, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và bảy tháng đầu năm 2021, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại.
Nhiều hoạt động hỗ trợ sôi nổi, ấm áp tình người
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 tuy gặp nhiều khó khăn nhưng nhìn chung bảy tháng vẫn duy trì được một số mặt tích cực.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được bảo đảm.
Trong đó, chỉ số CPI bình quân bảy tháng tăng 1,64% và còn dư địa trong điều hành bảo đảm mục tiêu thấp hơn 4%. Sản xuất, kinh doanh được duy trì mặc dù bị tác động mạnh từ dịch bệnh.
Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP
Cũng theo Bộ trưởng KH&ĐT, trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta đã đẩy mạnh tìm kiếm các nguồn cung cấp vaccine trên các mặt trận ngoại giao, doanh nghiệp, tài trợ, chương trình COVAX của Liên Hợp Quốc, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng, sản xuất vaccine trong nước cũng như nhanh chóng triển khai tiêm vaccine với nhiều phương thức và địa điểm tiêm phong phú, đa dạng.
Chỉ trong thời gian ngắn, chúng ta đã huy động được khoảng 18 triệu liều vaccine để tiêm phòng miễn phí cho toàn dân, đặt ra mục tiêu đến tháng 4-2022 sẽ tiêm phòng khoảng 150 triệu liều cho khoảng 75% dân số.
“Điều này góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp về quyết tâm phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân của Chính phủ, Thủ tướng”- ông Dũng nói.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT, trong khó khăn, nhiều hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ của mọi tầng lớp nhân dân trên khắp mọi miền đất nước với người dân vùng dịch, lực lượng tuyến đầu chống dịch đã diễn ra sôi nổi, ấm áp tình người, từ buồng chuối, bó rau, quả trứng hay từ những đồng tiền ít ỏi của những người mà cuộc sống vốn chưa phải khá giả gì để đóng góp cho Quỹ Vaccine của Chính phủ…
12,8 triệu lao động bị mất việc, giảm giờ làm, thu nhập
Bộ trưởng KH&ĐT cũng thừa nhận diễn biến rất phức tạp của dịch COVID-19 trong tháng 7 đã tác động không nhỏ đến mọi mặt của nền kinh tế, nhất là các vùng, địa phương động lực, có nhiều khu công nghiệp ở phía Nam.
Điều này khiến hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiêu dùng tại các khu vực này bị đứt gãy, đình trệ. Cùng với đó, sức mua trong nước và xuất khẩu giảm sút; đời sống người dân tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội, nhất là công nhân lao động trong các khu công nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề...
Theo ông Dũng, chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng bị đình trệ cục bộ, lưu thông hàng hóa gặp khó khăn; nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do bạn hàng thay đổi chuỗi cung ứng.
Về kinh tế vĩ mô, Bộ trưởng cảnh báo lạm phát tiềm ẩn nguy cơ tăng cao do tác động của lạm phát, giá cả thế giới và mất cân đối cung cầu hàng hóa ngắn hạn ở trong nước. CPI tháng 7 đã tăng ở mức cao (0,62%) và có nguy cơ tiếp tục tăng trong tháng tiếp theo nếu dịch bệnh kéo dài.
Ngoài ra, cân đối ngân sách có thể gặp khó khăn, thu nội địa giảm ở những địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề, ngân sách trung ương có thể phải tăng thêm chi tiêu cho công tác phòng, chống dịch.
Xuất khẩu có xu hướng chững lại; rủi ro về tín dụng, nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong những tháng cuối năm...
Ông Dũng cho hay tình hình đăng ký và hoạt động của doanh nghiệp có xu hướng giảm mạnh, trong đó, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7 giảm gần 34% so với cùng kỳ, trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 24,6%. “Riêng TP.HCM chiếm 30% tổng số doanh nghiệp rút lui của cả nước”- ông Dũng cho biết.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng cho thấy việc làm, sinh kế, đời sống của người dân bị ảnh hưởng, đã có gần 12,8 triệu lao động bị mất việc, giảm giờ làm, thu nhập, trở thành đối tượng dễ bị tổn thương.
Năm 2021: Khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% Bộ trưởng KH&ĐT đánh giá dư địa tăng trưởng của quý III không còn nhiều; khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 từ 6-6,5% ngày càng khó hơn theo thời gian tác động của dịch COVID-19. Điều này làm ảnh hưởng đến khả năng thực hiện các mục tiêu phát triển năm 2021. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đề nghị cần tăng cường các biện pháp phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân là ưu tiên hàng đầu. Tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, sẵn sàng phục hồi sản xuất, kinh doanh khi có điều kiện, cơ hội. Cạnh đó, cần khẩn trương tháo gỡ các điểm nghẽn của nền kinh tế, khơi thông nguồn lực cho phát triển… |