Sáng 11-8, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Bộ Công Thương đồng chủ trì hội nghị trực tuyến tìm giải pháp bình ổn thị trường phân bón trong nước.
Nguồn cung phân bón không thiếu nhưng giá vẫn tăng
Thông tin tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Thanh, Cục trưởng Cục Hóa Chất (Bộ Công Thương) cho biết, sau thời gian tăng giá kỷ lục vào cuối năm 2018, giá phân bón đã liên tục giảm và chạm đáy vào tháng 7-2020.
Từ tháng 7-2020 đến nay, giá phân bón bắt đầu phục hồi và có chiều hướng tăng cao trong những tháng gần đây.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh và Thứ trưởng Bộ Công Thương đồng chủ trì hội nghị trực tuyến tìm giải pháp bình ổn thị trường phân bón trong nước. Ảnh: LQ
Ông Thanh cho rằng, nguyên nhân khiến giá phân bón tăng cao là do giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua. Cùng với đó, tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón.
Trong khi đó, do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cũng cho hay, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón.
Thống kê mới nhất từ Bộ NN&PTNT cho thấy, cả nước hiện có 841 nhà máy sản xuất phân bón, với công suất gần 30 triệu tấn/năm, như vậy, công suất sản xuất của chúng ta gấp 3 lần so với nhu cầu tiêu thụ.
“7 tháng đầu năm, các nhà máy trong nước đã sản xuất được 2,5 triệu tấn phân bón, tăng gần 200 triệu tấn so với cùng kỳ. Năm 2020, chúng ta nhập khẩu 3,97 triệu tấn, nhưng 7 tháng đầu năm 2021, chúng ta đã nhập 3,1 triệu tấn, tăng 6.700 tấn so với cùng kỳ.
Số liệu trên cho thấy, năng lực sản xuất và nhập khẩu đều tăng và không có chuyện cung cầu đứt gãy, khi nguồn cung phân bón còn dư” - ông Trung khẳng định.
Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem) cũng khẳng định nguồn cung phân bón không thiếu so với nhu cầu, nhưng do giá thế giới biến động tác động lớn đến chi phí giá thành sản xuất làm tăng giá bán sản phẩm.
“Nếu nói giá phân bón tăng do bấp cập cung cầu là không đúng. Mà nguyên nhân chính là do chi phí sản xuất 7 tháng đầu năm tăng rất cao như lưu huỳnh tăng 170%, amoniac tăng gấp 2 lần… khiến giá đầu vào tăng. Cùng với đó, là sự gia tăng của chi phí vận chuyển và những tác động tiêu cực đến từ đại dịch Covid-19” - ông Chuyên nói.
Từ đó, Phó Tổng giám đốc Vinachem cho rằng, trước mắt, để bình ổn thị trường phân bón cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển. Về lâu dài, cần giảm chi phí sản xuất, dù vẫn phải chấp nhận giá cao đối với một số nguyên liệu nhập khẩu đầu vào. Quan trọng hơn cả là bình ổn giá các mặt hàng nguyên liệu sẵn có trong nước như than cho sản xuất URE, amoniac cho sản xuất DAP…
Ông Văn Tiến Thanh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau thông tin thêm, từ đầu năm 2021 đến nay, trong nước đã hạn chế xuất khẩu, đồng thời các nhà máy đã gia tăng tất cả năng lực sản xuất, duy trì nhà máy 100 - 110% công suất, nhưng quy luật về giá không thể khác được với thị trường thế giới.
"Thực tế, giá phân bón trong nước không phải do nhà sản xuất quyết định mà do thị trường thế giới đã ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp" - ông Thanh nhấn mạnh.
2 Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ xem xét vấn đề thuế giá trị gia tăng
Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, hiện giá một số mặt hàng nông sản đang phục hồi, được giá nên bà con đầu tư, chăm sóc kỹ hơn, kéo theo nhu cầu sử dụng phân bón tăng.
Để chia sẻ với bà con, Thứ trưởng Doanh đề nghị và yêu cầu, trong đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp không tăng giá, không để xảy ra tình trạng găm hàng, đầu cơ, tích trữ.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) cho hay, trong khoảng 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã cơ bản tự chủ được mặt hàng phân bón. Ảnh: LQ
Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng cho biết để bình ổn thị trường phân bón, liên Bộ đã thống nhất nhiều giải pháp, trong đó tập trung hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với bà con nông dân bằng nhiều hình thức như giảm giá thành sản phẩm; bình ổn giá nguyên vật liệu đầu vào.
Thứ trưởng yêu cầu, các doanh nghiệp cố gắng hợp lý hóa các chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam được bán giá thấp hơn phân bón nhập vào, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhất.
Về khâu lưu thông, Thứ trưởng đề nghị, tất cả các doanh nghiệp sản xuất phân phải chủ động các giải pháp đảm bảo lưu thông, đưa phân bón đến với các khu vực cần để đảm bảo cho vụ Đông-Xuân sắp tới.
“Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét lại vấn đề thuế giá trị gia tăng đối với sản xuất phân bón” - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Liên quan đến các biện pháp phòng vệ thương mại đối với mặt hàng phân bón DAP và MAP, trong phiên rà soát tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận các ý kiến đề xuất của các nhà sản xuất phân bón DAP và MAP cũng như các đơn vị kinh doanh nhập khẩu và sử dụng phân bón khác để đưa ra quyết định đúng đắn nhất, trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật cũng như các cam kết của WTO.