Sau gần 3 tuần thực hiện giãn cách, giá thực phẩm tại Hà Nội tăng "phi mã", đặc biệt là các mặt hàng trứng, thịt gia súc, gia cầm, thủy sản…
Theo khảo sát của PV và phản ánh của một số người dân, sau gần 3 tuần thực hiện giãn cách, giá thực phẩm đã tăng khá mạnh, dù nguồn cung không thiếu.
Chị Nguyễn Diệu Linh (B10 Đồng Xa, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giá thịt lợn loại ngon trước giãn cách bán 160.000 đồng/kg thì nay lên 190.000-200.000 đồng/kg. Các loại rau cũng đều tăng giá.
Chị Nguyễn Thị Hiện (253 Nguyễn Trãi – Thanh Xuân – Hà Nội) cũng thông tin, do chợ thực hiện giãn cách, số tiểu thương được tham gia bán hàng không nhiều, nguồn cung cũng không dồi dào như trước, giá các mặt hàng tại chợ Nhân Chính đã tăng cao.
“Trước tôi mua cá trắm to loại cắt khúc giá chỉ 90.000 đồng/kg, thì nay giá đã 110.000-120.000 đồng/kg” – chị Hiện phản ánh.
Chị Phan Thanh Lan (ngõ 167 Tây Sơn, Đống Đa, Hà Nội) cũng cho biết: Sáng 11.8, chị mua hàng thì giá thịt lợn, thịt gia cầm đều đã tăng giá khoảng 30.000 đồng/kg.
“Gà ta nguyên lông trước dịch giá 120.000 đồng/kg thì nay tăng lên 150.000 đồng/kg. Thịt lợn có giá 150.000-180.000 đồng/kg. Rau muống từ 7.000 đồng tăng lên 10.000 đồng/mớ. Tăng giá cao nhất là các loại hành lá, từ 25.000 đồng/kg lên 50.000 đồng/kg. Cà chua từ 20.000 đồng tăng lên 30.000-40.000 đồng/kg tùy loại” – chị Lan phản ánh.
Đặc biệt, tại các chợ dân sinh, trứng gia cầm không nhiều, phải đặt từ trước cũng chỉ được mua với số lượng rất ít, giá cũng tăng mạnh: Trứng gà ta thường giá 3.500 đồng/quả, loại ngon giá 5.000-6.000 đồng/quả.
Người bán hàng cho biết, do dịch bệnh COVID-19, việc lấy hàng hiện nay rất khó khăn do phải có nhiều loại giấy tờ, thủ tục. Người bán hàng phải test COVID-19 với tần suất 3 ngày/lần, các chi phí bảo hộ, sát khuẩn… khiến giá thành hàng hóa tăng từ đầu mối chợ nông sản đến chợ bán lẻ.
“Riêng tiền test COVID, mỗi tuần gia đình tôi 2 vợ chồng đi chợ đã mất 1.200.000 đồng, trong khi lời lãi chẳng có bao nhiêu bởi số lượng bán ra giảm sút đến 70%” – ông Nguyễn Quân – kinh doanh thực phẩm tại điểm chợ lưu động (khoanh vùng và test COVID-19) Mai Dịch, cho biết.
Theo Sở NNPTNT Hà Nội, hiện nay, Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 127 siêu thị chủ yếu tập trung tại các quận nội thành; 458 chợ; trên 1.800 cửa hàng tiện ích, 786 cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn, trên 128 chuỗi kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm... hầu hết đều được mở cửa phục vụ người tiêu dùng, giá hàng hóa tại các siêu thị đều ổn định.
Việc một số chợ có biểu hiện tăng giá, một phần do tự phát, một phần do các chi phí phát sinh, 2 ngành NNPTNT và công thương Hà Nội sẽ phối hợp đẩy mạnh kiểm tra, xử lý.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hàng hóa, nông sản tại các trang trại không thiếu, thậm chí tại các nhà vườn giá nông sản đang rất rẻ bởi diện tích rau màu, cây ăn trái… năm 2021 đều tăng cao hơn năm trước.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, việc cung ứng nông sản cũng có nhiều hạn chế so với trước.
Xem thêm: odl.677049-ioh-ax-hcac-naig-neih-cuht-ion-ah-naut-3-uas-am-ihp-gnat-mahp-cuht-aig/et-hnik/nv.gnodoal