Ngày 10/8, Công an tỉnh Bắc Ninh phát hiện Nguyễn Bá Tú, 34 tuổi, bán giấy xét nghiệm PCR giả cho các tài xế có nhu cầu. Nguồn cung cấp giấy là Phan Đình Hải, 25 tuổi, ở huyện Quế Võ.
Bị khám xét, triệu tập làm việc, Hải khai là lái xe tải chở hàng đi các tỉnh. Muốn có giấy để qua chốt kiểm dịch, anh ta làm giả phiếu kết quả xét nghiệm của Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ, ở TP Bắc Ninh. Hải bán giấy xét nghiệm giả cho Tú, thu lời bất chính 20 triệu đồng.
Hải và Tú đang bị điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Hiện tượng sử dụng giấy xét nghiệm giả để "thông chốt" đang xuất hiện ở nhiều nơi. Ngày 11/8, Công an huyện Nam Trực (Nam Định) cho biết đã khởi tố các tài xế Trần Đình Quảng, 48 tuổi và Phạm Quang Trung, 46 tuổi về các tội Làm, sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức.
Trước đó, ngày 30/7, cảnh sát phát hiện ông Quảng sử dụng giấy xét nghiệm giả để vào địa bàn Nam Định. Tài xế này khai giấy giả được đồng nghiệp Trung đưa cho để "thông chốt" dù không đi xét nghiệm.
Ngày 18/7, lực lượng chức năng tại Cần Thơ cũng phát hiện tài xế Phan Minh Nhựt, 29 tuổi, sử dụng giấy xét nghiệm giả để làm thủ tục qua chốt kiểm soát dịch bệnh. Tài xế khai có xét nghiệm ngày 10/7 với kết quả âm tính và khi giấy hết hạn đã chỉnh sửa ngày tháng để tiếp tục sử dụng thay vì xét nghiệm lại.
Trước đó vào tháng 6, chốt kiểm soát dịch bệnh trên cầu Bạch Đằng, Quảng Ninh phát hiện một xe cứu thương chở năm người đi vào địa bàn tỉnh. Thay vì khai báo y tế, những người trên xe đưa ra giấy xét nghiệm mua của Nguyễn Tùng Lâm, cán bộ CDC Hải Dương.
Bị cảnh sát triệu tập, Lâm khai từ cuối tháng 5 đã đến nhà hoặc ở một địa điểm hẹn trước để lấy mẫu xét nghiệm cho những ai có nhu cầu. Anh ta không xét nghiệm theo quy định nhưng làm giả chữ ký của lãnh đạo, đóng dấu.
Đến khi bị bắt giữ, Lâm đã cấp giấy cho khoảng 40 trường hợp, thu gần 10 triệu đồng. Ngày 11/8, Công an thị xã Quảng Yên thông tin đã khởi tố Lâm về tội Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và những người sử dụng giấy giả của Lâm cũng sẽ bị xử lý theo quy định.
Đại tá Bùi Duy Hưng, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Ninh, khuyến cáo người dân có nhu cầu xét nghiệm Covid-19 cần đến các cơ sở được cấp phép, không nên mua qua mạng hoặc qua môi giới. Các tài xế đều phải biết chỉ có đi xét nghiệm mới được cấp giấy chứng nhận âm tính với SARS-CoV-2.
Luật sư Đặng Xuân Cường, Công ty Luật TAT Law Firm, cho biết tài xế nếu có hành vi sử dụng giấy xét nghiệm giả để "thông chốt" và thực hiện hành vi trái pháp luật như buôn lậu, vận chuyển hàng cấm... sẽ bị xử lý hình sự về tội Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, theo điều 341 Bộ luật Hình sự.
Hình phạt cho tội danh này từ 6 tháng đến 7 năm. Nếu các hành vi khác như vận chuyển hàng cấm, buôn lậu... đã đến mức xử lý hình sự, tài xế còn bị xử lý thêm về những tội danh tương ứng.
Người mua, bán hoặc mua giúp người khác giấy xét nghiệm giả có thể sẽ bị xử lý về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, đối mặt hình phạt từ 6 tháng đến 7 năm tù.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá, hành vi mua bán, sử dụng hay làm giả giấy xét nghiệm có thể tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh.
Những người sản xuất, buôn bán giấy xét nghiệm giả đang trục lợi từ sức khỏe, sự an toàn của người khác cần phải bị xử lý nghiêm và nhanh để tạo tính răn đe. Nếu không rất có thể người khác lại vi phạm tương tự.
"Nếu mắc Covid-19 mà trưng ra giấy xét nghiệm giả, anh thể làm lây dịch bệnh ra cộng đồng ở những nơi đi qua. Việc này càng nguy hiểm hơn nữa với người làm nghề lái xe đường dài bởi họ đi qua nhiều tỉnh thành, diện ảnh hưởng rất rộng", ông nói.
Ông cho rằng cần tổ chức xét nghiệm hợp lý hơn, tránh tình trạng tập trung đông người, tạo thuận lợi cho lái xe; áp dụng quy trình vận tải giao nhận hàng hóa dưới dạng "không tiếp xúc" để hạn chế việc xét nghiệm cho tài xế
Song Minh
Xem thêm: lmth.0698334-tohc-gnoht-ed-aig-rcp-meihgn-tex-yaig-gnud-ut-aoh-na/ten.sserpxenv