Philippines là một trong những quốc gia đang phát triển đang rất cần vắc xin để đối phó với dịch bệnh đang tăng mạnh. Trong ảnh: người dân ở Manila, Philippines, chờ tiêm vắc xin ngừa COVID-19 Ảnh: Reuters
"Có lẽ có 20 người trên thế giới đóng vai trò quyết định lúc này trong việc giải quyết vấn đề bất công (vắc xin) này" - Hãng tin AFP dẫn lời phát biểu của bác sĩ Bruce Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, nói hôm 10-8.
Theo tiết lộ của ông Aylward, nhóm này là những công ty lớn chịu trách nhiệm cung ứng vắc xin, lãnh đạo các quốc gia đang ký hợp đồng mua hầu hết vắc xin COVID-19 của thế giới và lãnh đạo các quốc gia sản xuất vắc xin.
Lời khẩn cầu của WHO
"Chúng ta cần 20 người đó nói rằng: Chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này vào cuối tháng 9. Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng ít nhất 10% dân số ở mọi quốc gia được tiêm chủng" - bác sĩ Aylward nói.
Thế giới hiện đã phân phối được khoảng 4,5 tỉ liều vắc xin. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, trong khi các nước giàu đã tiêm được 104 liều/100 người dân, nhóm 29 nước nghèo nhất chỉ mới tiêm được 2 liều/100 dân.
Trong nỗ lực ngăn các nước giàu tiếp tục gom vắc xin để tiêm liều bổ sung, WHO vẫn khẳng định chưa cần phải tiêm liều thứ 3. "Chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy chúng ta cần liều thứ 3" - trợ lý tổng giám đốc WHO, bà Mariangela Simao, nhấn mạnh.
WHO trước đó đã kêu gọi các nước giàu hoãn tiêm bổ sung để đạt mục tiêu mọi quốc gia tiêm được cho 10% dân số vào cuối tháng 9-2021, 40% vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022.
Không chỉ vắc xin, WHO cũng đang kêu gọi các nước đóng góp 8 tỉ USD để hỗ trợ các nước nghèo chống chọi với biến thể Delta. Theo ông Aylward, các nước nghèo cũng cần phải xét nghiệm hiệu quả các ca mắc COVID-19, nguồn oxy y tế và khẩu trang để chống dịch.
"Bên cạnh vấn đề đạo đức, mọi người không nên chết nếu công nghệ có sẵn ở một nơi khác. Cũng có một vấn đề là chúng ta không thể loại bỏ đại dịch này tại từng nước" - bà Simao nói, cho rằng các quốc gia cần xích lại gần nhau hơn nếu muốn chấm dứt đại dịch.
Tôi không ngừng suy nghĩ rằng nếu chúng ta cố giữ lại vắc xin cho riêng mình, chúng ta sẽ khiến cho tình hình thế giới hiện nay tồi tệ hơn.
Bác sĩ Bruce Aylward (cố vấn cấp cao của WHO)
Có thể giải quyết được
Theo các chuyên gia, sự bất công trong hệ thống phân phối vắc xin ngừa COVID-19 toàn cầu chủ yếu do ba yếu tố: tài chính, nguồn cung vắc xin và sự sẵn sàng chia sẻ vắc xin. Đây đều là những vấn đề có thể giải quyết được.
Bác sĩ Aylward, cố vấn cấp cao của WHO, đã khẳng định vấn đề hàng đầu của chương trình phân phối vắc xin công bằng COVAX là tài chính. "Điều đầu tiên chúng tôi cần là tiền" - ông nói.
Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) cho biết cơ chế tiếp cận vắc xin COVID-19 COVAX cần có đủ nguồn quỹ để cạnh tranh mua vắc xin với các nước giàu, tránh lặp lại kịch bản "trắng tay" như cuối năm ngoái.
Trong khi nguồn cung vắc xin cũng là một thách thức lớn, điều COVAX hiện đang cần hơn là sự chia sẻ của các nước giàu. Đây là một giải pháp khả thi khi một số nước như Mỹ dự kiến dư đến 300 triệu liều vắc xin đến tháng 7-2021, theo ước tính của các nhà nghiên cứu Đại học Duke, Mỹ.
Tuy nhiên, ông Aylward cho rằng các nước không nên chỉ chia sẻ vắc xin dư thừa mà cần phải nhường lại các suất mua vắc xin cho nước cần hơn. Theo đó, những đối tượng có nguy cơ cao tại nhiều nước như Ấn Độ không phải chờ đợi trong khi nước giàu tiêm hết cho những người có nguy cơ thấp hơn.
"Chúng tôi không muốn họ nhận vắc xin rồi nói rằng, chúng tôi không cần nữa nên sẽ cho các anh" - ông Aylward nói, lấy ví dụ một số nước giàu như Thụy Điển đã cho đi 1/5 vắc xin của mình dù chỉ mới tiêm được cho 30% người dân.
Trong lập luận ngày 10-8, ông Andrew Pollard - người đứng đầu nhóm vắc xin Oxford - cũng kêu gọi Anh nên tặng vắc xin thay vì để tiêm liều bổ sung. "Không có bất kỳ lý do gì để hoảng loạn ở thời điểm này. Chúng tôi không thấy có vấn đề bệnh nặng ở ca đột phá" - ông Pollard nói, đề cập đến những người mắc COVID-19 dù đã tiêm đủ liều vắc xin.
Nước giàu cũng thiếu vắc xin?
Hàn Quốc là nước mới nhất bị ảnh hưởng bởi thiếu hụt vắc xin, khiến bộ trưởng y tế nước này mới đây đã phải lên tiếng xin lỗi người dân. Nguyên do thiếu hụt là vì Hãng dược Mỹ Moderna chỉ cung cấp được một nửa số lượng trong hợp đồng 8,5 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19, dự kiến giao cho Seoul trong tháng 8-2021. Đây có thể là một bước lùi cho chương trình tiêm chủng tại Hàn Quốc trong bối cảnh ca bệnh đang tăng trở lại.
Để giải quyết nguồn cung, Hàn Quốc mới đây tuyên bố đầu tư 2 tỉ USD để trở thành cường quốc vắc xin vào năm 2025. Tương tự, Canada cũng đạt thỏa thuận với Moderna xây dựng nhà máy vắc xin ở nước này để tránh tình trạng thiếu hụt vắc xin như đầu năm nay.
TTO - Bác sĩ Bruce Aylward, cố vấn cao cấp tại Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đã dùng từ "phẫn nộ" và "đáng hổ thẹn" khi nói về tình trạng phân phối vắc xin COVID-19 không công bằng. Ông kêu gọi 20 nhân vật quyền lực hành động.
Xem thêm: mth.79312931211801202-nix-cav-gnoc-tab-teyuq-iaig-eht-oc-iougn-02/nv.ertiout