Bộ Y tế có văn bản hôm 9-8 đề nghị UBND TP.HCM khẳng định về việc có mua 5 triệu liều vaccine Moderna hay không và phải có văn bản trả lời trước ngày 15-8 để Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng.
Theo Bộ Y tế, ngày 28-5, Bộ Y tế đã làm việc với Công ty Zuellig Pharma - đơn vị được Moderna chỉ định nhập khẩu, phân phối vaccine COVID-19 cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, công ty này dự kiến cung cấp 5 triệu liều vaccine Moderna cho Việt Nam. Bộ Y tế đã có công văn ủng hộ chủ trương để TP.HCM mua vaccine Moderna phục vụ nhu cầu tiêm chủng phòng COVID-19 của người dân TP.
Tuy nhiên, đến ngày 8-8, Bộ Y tế chưa nhận được thông tin về tiến độ thực hiện mua vaccine của TP.HCM.
Theo Bộ Y tế, sự chậm trễ trong việc mua 5 triệu liều vaccine Moderna
không phải từ TP.HCM mà do phía nhà sản xuất Moderna. Ảnh: NGUYỆT NHI
Bị nhà sản xuất “làm khó” trên hợp đồng
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết UBND TP đã có văn bản gửi Bộ Y tế về tiến độ đàm phán mua 5 triệu liều vaccine Moderna. Vị này cũng khẳng định lý do chậm trễ về việc mua 5 triệu liều vaccine Moderna không phải từ TP.HCM mà do phía nhà sản xuất Moderna.
Theo vị này, TP.HCM đã có các buổi làm việc với Công ty Zuellig Pharma, với nhà nhập khẩu là Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn và nhà tài trợ là Tập đoàn VinaCapital. Trong các buổi làm việc đã xúc tiến nhiều buổi thảo luận, trao đổi và thống nhất sẽ giao cho Công ty TNHH MTV Dược Sài Gòn (Sapharco) phụ trách việc nhập khẩu, bảo quản và vận chuyển vaccine Moderna.
Tuy nhiên, đến giai đoạn dự thảo hợp đồng để mua 5 triệu liều vaccine này thì nhà sản xuất Moderna đưa ra một số quy định mà TP.HCM chưa thỏa mãn được, ví dụ như đưa quy định về bảo mật các nội dung hợp đồng sẽ ký giữa các bên, hay đưa ra yêu cầu bổ sung thư đảm bảo thực hiện hợp đồng.
“Thực chất hợp đồng hai bên ký là đã đảm bảo rồi nhưng các thư này họ yêu cầu phải là UBND TP.HCM hoặc Bộ Y tế ký. Công ty Sapharco, Zuellig Pharma cũng như Tập đoàn VinaCapital thấy rằng yêu cầu này không phù hợp. Chính vì vậy TP.HCM đang đàm phán để bỏ nội dung này” - lãnh đạo Sở Y tế nói.
Tại cuộc họp báo về tình hình dịch COVID-19 sáng 10-8, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết tính từ ngày 8-3 đến 12 giờ ngày 9-8, TP.HCM nhận được gần 4,2 triệu liều vaccine và đã tổ chức tiêm được hơn 3,4 triệu mũi. Tổng số vaccine còn lại của TP.HCM tính đến 12 giờ ngày 9-8 là 913.204 liều, trong đó 591.900 liều vaccine AstraZeneca vừa được cấp sáng 9-8. Theo ông Nam, với tốc độ tiêm như hiện nay thì đến 12-8 sẽ hết số vaccine này. Một số quận, huyện đã cơ bản tiêm bao phủ vaccine COVID-19 cho người dân. Trong đó, huyện Cần Giờ đã gần như tiêm cho toàn bộ người trên địa bàn, quận Phú Nhuận còn khoảng 30.000 người cần tiêm để đạt độ bao phủ. |
Yêu cầu giao tối thiểu 2 triệu liều trong tháng 10
Phía nhà sản xuất Moderna còn cho biết ngay cả khi ký hợp đồng, vaccine về Việt Nam cũng phải cuối năm nay, hoặc đầu năm 2022 nhưng không có gì đảm bảo chắc chắn cả. “Do vậy, sự chậm trễ này là từ nhà sản xuất Moderna chứ không phải phía mình. TP.HCM đang rất cố gắng, làm mọi việc để xúc tiến nhanh các thủ tục, yêu cầu của Moderna nhưng do yêu cầu chưa hợp lý nên chưa ký được hợp đồng mua 5 triệu liều vaccine Moderna” - vị này nói và cho rằng những vấn đề họ đặt ra thật sự không có lợi cho bên mua.
Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết hiện nay công ty độc quyền phân phối vaccine này là Công ty Zuellig Pharma, hiện có trụ sở ở TP.HCM. Công ty này rất ủng hộ việc TP.HCM làm sao để mua thành công 5 triệu liều vaccine Moderna. TP.HCM cũng có nhiều lợi thế đàm phán từ trước đến nay, nhưng lần này chưa mua được vaccine thì rõ ràng đây là vấn đề khó khăn chung cho các tỉnh, thành khác.
Về tiến độ, hiện tại Công ty Sapharco đang chờ đại diện Moderna chuyển dự thảo hợp đồng, các quy định về bảo mật nội dung hợp đồng cho Công ty Zuellig Pharma, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco để thương thảo và ký kết hợp đồng chính thức.
Nếu hợp đồng được ký kết thì lịch giao vaccine dự kiến vào quý IV-2021 hoặc quý I-2022. Hiện tại Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco đang tiếp tục thương lượng và yêu cầu Moderna, Công ty TNHH Zuellig Pharma đảm bảo số lượng cung ứng tối thiểu 2 triệu liều giao trong tháng 10-2021. Bởi vì nếu vaccine về quá trễ thì không đáp ứng được mục tiêu tiêm cho 75% người dân trên 18 tuổi trên địa bàn TP.HCM.
Ngoài ra, Tập đoàn VinaCapital và Công ty Sapharco cũng đang tiến hành đàm phán với Moderna, Công ty TNHH Zuellig Pharma để mua ít nhất 10 triệu liều vaccine mũi tăng cường và giao trong đầu quý II-2022 vì mũi thứ hai này rất quan trọng, hiện nay các nước đã đặt hàng nhiều.
Không có ý định thay thế lô Moderna bằng lô Vero Cell
Về một số dư luận cho rằng vì mua 5 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm (Trung Quốc) nên TP.HCM không mua 5 triệu liều vaccine Moderna (Hoa Kỳ) nữa. Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho rằng quan điểm này không đúng. Bởi vì việc xúc tiến mua vaccine Moderna cách đây đã sáu tháng, còn việc mua vaccine của Sinopharm mới gần đây. Do cách làm việc giữa TP.HCM với phía Trung Quốc rất nhanh, nên kết quả đến sớm hơn.
Theo lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM, hai loại vaccine này đều do doanh nghiệp tài trợ chứ không lấy từ ngân sách nhà nước cho nên ở đây không hề có sự ưu tiên nào cả. Bây giờ nếu tiếp cận được nguồn vaccine nào thì phải nhanh chóng có để đạt được miễn dịch cộng đồng nhanh nhất.
Cũng theo lãnh đạo Sở Y tế, hiện nay có một thực tế là bản thân nhà sản xuất Moderna đã nhận một lượng đơn hàng rất lớn từ nhiều nước trên thế giới đã ứng tiền trước cho họ. Vì vậy, Moderna chưa mặn mà lắm trong việc tạo những điều kiện thuận lợi để TP.HCM có thể ký hợp đồng, thực hiện việc chuyển tiền, đưa vaccine về tiêm cho người dân.•
Kiến nghị tiêm vaccine thu phí theo cơ chế Trong văn bản khẩn ngày 11-8, trả lời Bộ Y tế về việc mua, nhập khẩu vaccine phòng COVID-19, UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế cần có chủ trương chính thức cho phép Công ty VinaCapital thực hiện hợp tác công - tư, tổ chức thu phí tiêm vaccine theo cơ chế “mua năm liều vaccine sẽ tặng xã hội một liều”. Theo UBND TP, hiện Bộ Y tế chưa có hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện tổ chức tiêm cho các đối tượng có nhu cầu và tự chi trả chi phí tiêm chủng. UBND TP cũng kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành quy định cụ thể giá dịch vụ tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016 ngày 1-7-2016 của Chính phủ về hoạt động tiêm chủng. Bộ Y tế có thể tổng hợp nhu cầu vaccine Moderna của các địa phương khác nhằm tăng số lượng đặt hàng gồm 5 triệu liều chính và 10 triệu liều tăng cường để thúc đẩy việc giao hàng sớm và có thể giảm giá mua vaccine. Ngoài ra, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Y tế xem xét, ký bản cam kết miễn trừ trách nhiệm khi có yêu cầu từ nhà sản xuất, nhà cung ứng vaccine. |