Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), cho biết: Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hiện nay không có xe kinh doanh vận tải hành khách nào được phép hoạt động.
Xe 45 chỗ chở bệnh nhân COVID-19 vào bệnh viện dã chiến thu dung khu An Khánh, TP Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: NGUYỆT NHI
Xe 16 chỗ dùng làm xe đưa rước các y bác sĩ ở bệnh viện hồi sức COVID-19 TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI
Thay vào đó, các đơn vị vận tải ủng hộ công tác chống dịch bằng nhiều hình thức khác nhau. Điển hình như cho xe vận tải khách chuyển đổi công năng thành xe cứu thương hoặc xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Việc chuyển đổi công năng này được đăng ký thông qua cơ quan chức năng.
Chọn cách làm mới, có ý nghĩa hơn
Theo khảo sát của PV trên địa bàn TP.HCM, một số chủ xe lựa chọn chuyển đổi công năng xe du lịch 16 chỗ để làm xe cấp cứu tăng cường. Một số chủ xe bốn chỗ lựa chọn chuyển đổi thành xe chở hàng hóa, nhu yếu phẩm tới tận tay bà con. Thậm chí có xe khách 45 chỗ hỗ trợ đưa các bệnh nhân COVID-19 (F0) tới bệnh viện.
Anh Nguyễn Công Bình (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết: Hiện tại lượng xe cứu thương ở TP không đủ nên sau khi được sự đồng ý của các đơn vị, xe của anh tạm thời được chuyển thành xe cứu thương. Tài xế nào đồng ý sẽ được hỗ trợ lắp đặt các hệ thống cần thiết trong xe. Giấy tờ vẫn giữ nguyên nhưng được cấp thêm một loại giấy vận chuyển người dân đi cấp cứu.
“Trước tình hình vận tải khách bị đóng băng vì dịch, tôi chọn cách làm mới, có ý nghĩa hơn. Theo đó, xe du lịch 16 chỗ của tôi được Sở Y tế hỗ trợ tháo ghế để làm xe cấp cứu tăng cường. Các hàng ghế trong xe được ngành chức năng tháo gỡ hết, lắp đặt đầy đủ giường, máy thở để phục vụ việc cấp cứu” - anh Bình cho biết.
Anh Bình chia sẻ thêm, các đơn vị chức năng sẽ hỗ trợ đổ xăng dầu cho xe, tài xế cũng được ưu tiên chích ngừa và việc vận chuyển thì hoàn toàn miễn phí.
“Thà chạy như vậy xe còn có sự vận hành, chứ xe khách mà để kho lâu ngày sẽ dễ bị hư hỏng” - anh Bình nhận định.
Tương tự, anh Lê Hồng Sơn (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho hay: “Khi hội đồng hương vận chuyển hàng hóa cứu trợ từ Hà Tĩnh vào, tôi cũng đăng ký xe vận chuyển tới tận tay bà con. Dù là xe bốn chỗ, khoang hành lý không nhiều nhưng tôi chất hàng hóa lên cả hàng ghế phía sau của xe để chở được nhiều đồ hơn”.
Bên cạnh đó, một số chủ xe 45 chỗ cũng hỗ trợ chở F0 tới các bệnh viện dã chiến thu dung... Việc chuyển đổi công năng của các xe này cũng được thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và tuân thủ theo quy định phòng chống dịch của ngành y tế.
Góp phần đẩy lùi dịch bệnh
Đại diện một hợp tác xã vận tải tại TP.HCM cho biết: “Khi bệnh viện gửi công văn qua để nhờ hỗ trợ một số xe khách chuyển đổi thành xe cứu thương, chúng tôi cũng phối hợp nhằm góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Dù có khó khăn nhưng điều kiện Nhà nước cần, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ”.
Vị này cho biết thêm, việc xe du lịch tạm thời chuyển thành xe cấp cứu sau khi hết dịch sẽ chuyển đổi công năng trở lại. Ngoài ra, xe cần phải được sát khuẩn, vệ sinh, đảm bảo an toàn cho khách.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM, cho biết: “Một số đơn vị cũng kiến nghị xe vận tải đang nằm bãi cũng lãng phí trong khi đó nhu cầu cấp cứu cao, việc vận chuyển người về quê cũng cần xe. Chúng tôi cũng đề nghị các đơn vị đăng ký qua Sở GTVT TP để được hỗ trợ chuyển đổi công năng khi các sở, ngành cần xe”.
Theo ông Tính, Sở GTVT sẽ là đầu mối tổng hợp danh sách các đơn vị phù hợp, sau đó các đơn vị cần sẽ liên hệ trực tiếp với chủ xe để điều phối, phục vụ công tác chống dịch. Đơn cử như taxi chở bệnh nhân sẽ được trung tâm cấp cứu điều xe; các xe tạm chuyển đổi thành xe cấp cứu có thể do Sở Y tế điều xe; về nhu yếu phẩm sẽ do Sở Công Thương điều xe…
“Các chuyến xe về quê cũng là các đơn vị đăng ký với Sở GTVT. Tại đây sở sẽ cung cấp cho đơn vị giấy phép lưu thông trong mùa dịch, tránh trường hợp xe hoạt động, xe chui” - ông Tính cho hay.•
Sở GTVT sẽ phối hợp hỗ trợ thông tin với các đơn vị vận tải để tổ chức số lượng xe chuyển đổi công năng, còn việc cải tạo xe, mã nhận diện xe sẽ phối hợp với Sở Y tế. Tài xế vận chuyển cũng được Sở Y tế hướng dẫn vận chuyển như thế nào là an toàn và biết cách xử lý trong quá trình phát sinh tình huống. Ông ĐỖ NGỌC HẢI, Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) |
Siết chặt xe kinh doanh vận tải hoạt động “chui” Vừa qua, lực lượng CSGT TP.HCM phối hợp cùng Thanh tra Sở GTVT lập biên bản xử phạt đối với hai xe có hành vi vận chuyển hành khách nhưng không có hợp đồng vận chuyển theo quy định và không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch với số tiền 40 triệu đồng. Do đó, nhằm chấn chỉnh hoạt động vận tải hành khách trá hình “hỗ trợ người nghèo về quê”, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Sở GTVT các tỉnh, TP và các cơ quan, đơn vị phối hợp triển khai thực hiện. Cụ thể, Sở GTVT TP.HCM đề nghị các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát. Nếu phát hiện vi phạm nêu trên thì ngoài việc xử lý các hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định 100/2019, còn xử lý nghiêm hành vi vi phạm không chấp hành các biện pháp phòng chống dịch theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Bên cạnh đó, sở đề nghị chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người; hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng. Sở yêu cầu lãnh đạo các đơn vị kinh doanh vận tải bằng ô tô trên địa bàn TP.HCM tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp về công tác phòng chống dịch COVID-19 theo chỉ đạo của các cấp. Đồng thời, thực hiện nghiêm các nội dung chỉ đạo tại Công điện số 1063 của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19. |