Do lo ngại về biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, các quốc gia trên thế giới đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, cũng như siết chặt các biện pháp hạn chế nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Trong chiến dịch tiêm chủng của mình, các quốc gia chủ yếu sử dụng các loại vaccine của các hãng Pfizer/BioNTech, AstraZeneca...
Bên cạnh đó, cũng có các quốc gia chọn sử dụng vaccine của các hãng dược Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm, như Indonesia, UAE, Chile,... Tình hình dịch bệnh hiện tại ở các nước này đang có dấu hiệu tiến triển tốt, chiến dịch tiêm chủng được xúc tiến, tỉ lệ tiêm chủng gia tăng.
Indonesia
Ngày 10-8, Indonesia sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19 ở thủ đô Jakarta và ba thành phố lớn khác trên đảo Java (gồm Bandung, Semarang và Surabaya), cho phép các trung tâm mua sắm mở cửa trở lại với 25% công suất, vì số lượng các ca mắc mới và nhập viện tiếp tục giảm, tờ The Straits Times đưa tin.
Theo Bộ trưởng điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư của Indonesia Luhut Pandjaitan, việc nới lỏng các biện pháp hạn chế cho phép 25% người lao động không thiết yếu quay trở lại làm việc tại văn phòng, các trung tâm thương mại có thể mở cửa với 25% công suất. Khách hàng đến các địa điểm trên phải chứng minh đã tiêm vaccine, nếu không sẽ bị từ chối phục vụ. Tuy nhiên, trẻ em và người già tạm thời vẫn bị cấm đến các khu vực này.
Các lọ vaccine của hãng dược Sinopharm (Trung Quốc). Ảnh: REUTERS
Theo The Straits Times, chính phủ Indonesia cho biết việc tăng cường tiêm chủng đã giúp tình trạng ở Jarkarta trở nên khả quan hơn so với các khu vực khác trong nước.
Vào ngày 8-8, chỉ còn 39% giường bệnh (với 65% giường chăm sóc đặc biệt) ở các bệnh viện tại Jarkarta là dành cho bệnh nhân COVID-19, trong khi đó con số này ở tháng trước lên đến 90%. Số ca mắc mới mỗi ngày tại Indonesia giảm mạnh trong những tuần gần đây. Theo thống kê của trang Worldometers.info, vào ngày 9-8, nước này ghi nhận có 20.709 ca mắc mới, con số này vào ngày 15-7 lên đến 56.757 ca.
Theo trang Our World in Data (Anh), có khoảng 9,3% dân số Indonesia đã được tiêm chủng đầy đủ. Tại thủ đô Jarkarta, 42% cư dân đã tiêm chủng đầy đủ, và hơn 90% đã tiêm ít nhất một mũi vaccine. Phần lớn vaccine được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng ở nước này là vaccine của hãng dược Trung Quốc Sinovac.
UAE
Theo tờ Khaleej Times, trong tháng 7, Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) ghi nhận chỉ hơn 47.900 ca nhiễm (trung bình 1.540 ca mỗi ngày), giảm thêm so với mức thấp trước đó là 50.500 ca nhiễm hồi tháng 5.
Trước đó, vào tháng 6, UAE ghi nhận có hơn 62.000 ca nhiễm (trung bình 2.060 ca mỗi ngày) khi bị biến thể Delta tấn công.
Các bác sĩ cho biết sự kết hợp giữa việc triển khai tiêm vaccine diện rộng, thuốc kháng virus Sotrovimab (Anh), cùng các quy trình xét nghiệm và hạn chế nghiêm gặt đã giúp giảm thiểu số lượng ca nhiễm.
Tính đến ngày 11-8, 73,4% dân số UAE đã được tiêm chủng đầy đủ. Tiến sĩ Khalid Alkubaisy - chuyên gia nội khoa tại Bệnh viện Medeor, Abu Dhabi - nhấn mạnh rằng với một đợt tiêm chủng mạnh mẽ, UAE đang đạt được tiến bộ nhanh chóng trong việc trở lại trạng thái bình thường.
Hồi 2-8, Bộ Y tế UAE cũng ra quyết định triển khai tiêm vaccine COVID-19 của hãng dược Sinipharm (Trung Quốc) cho trẻ em từ 3 tuổi, cho biết quyết định trên được đưa ra sau khi đã thực hiện các thử nghiệm lâm sàng và đánh giá kỹ lưỡng, theo hãng tin Reuters.
Chile
Ngày 17-7, Bộ trưởng Y tế Chile Enrinque Paris cho biết số ca mắc mới trong ngày của Chile đã giảm xuống dưới 2000 ca. Theo hãng thông tấn Tân hoa xã, kể từ tháng 6, số ca mắc COVID-19 ở Chile liên tục giảm trong lúc chính phủ nước này đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng của họ. Nước này chủ yếu sử dụng vaccine của Sinovac trong chương trình tiêm chủng của mình, bên cạnh các loại vaccine của các hãng khác như Pfizer/BioNTech, AstraZeneca.
Theo tờ South China Morning Post, số ca nhiễm hàng ngày ở Chile đã giảm mạnh từ mức hơn 8.900 người vào ngày 6-6, xuống còn chưa đến 1.500 trong những ngày đầu tháng 8. Đến ngày 10-8, số ca mắc mới chỉ còn 507 ca.
Theo ông Eduardo - chuyên gia tại ĐH Pontificia (Chile), “lời giải thích trực quan nhất cho sự sụt giảm nhanh chóng số ca nhiễm là nhờ phần lớn dân số đã được tiêm chủng đầy đủ”. Bên cạnh đó, ông cho biết ngoài ra còn có sự đóng góp vô cùng lớn của việc thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp hạn chế (lệnh giới nghiêm, đeo khẩu trang bắt buộc, cấm tụ tập đông người, song lưu ý Chile vẫn nên cảnh giác trước biến thể Delta.
Campuchia
Ngày 11-8, Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này ghi nhận 486 ca mắc mới và 11 ca tử trong vòng 24 giờ ngày 10-8. Số ca mắc mới ít hơn nhiều so với con số trung bình hàng ngày 900 ca trong thời gian qua, và đây cũng là con số thấp nhất kể từ ngày 19-6.
Theo thống kê từ trang JHU CSSE COVID-19 Data, số ca mắc mới tại Campuchia đã giảm 20 ngày liên tiếp, từ ngày 23-7 đến ngày 10-8.
Campuchia đã triển khai đợt tiêm chủng COVID-19 kể từ ngày 10-2, với mục tiêu tiêm chủng 12 triệu người, tương đương 75% dân số nước này vào tháng 11. Phát ngôn viên Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho biết tính đến ngày 10-8, cả nước đã tiêm vaccine cho 8,39 triệu người, tương đương 52,48% tổng dân số.
Bahrain
Theo trang worldometers.info, số ca mắc mới ở Bahrain đã giảm mạnh kể từ đỉnh dịch vào ngày 29-5 với 3.273 ca. Kể từ đầu tháng 7, số ca mắc mới mỗi ngày ở nước này chỉ dao động dưới 200 ca. Ngày 10-8, Bahrain ghi nhận có tổng cộng 129 ca mắc mới toàn quốc. Tuy nhiên, theo Reuters, số ca nhiễm ở nước này đang có dấu hiệu tăng nhẹ.
Số liệu thống kê của trang Our World in Data cho thấy tỉ lệ tiêm chủng ở Bahrain ngày một tăng cao. Tính đến ngày 11-8, có đến 65% dân số nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Vaccine được sử dụng trong chiến dịch tiêm chủng của Bahrain chủ yếu là vaccine của các hãng Sinopharm, AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, ngoài ra còn có của Johnson & Johnson và Sputnik V.