Động thái này đã được các nhà hoạt động ủng hộ từ rất lâu.
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại New York, Mỹ, việc kiểm tra vật lý trinh tiết của các tân binh nữ là sự lạm dụng có hệ thống và tàn nhẫn. Còn được biết tới với cái tên thông dụng là "cuộc kiểm tra 2 ngón", thủ tục lạc hậu và không còn phù hợp này đã bị HRW lên ánh mạnh mẽ vào năm 2014-2015 và bị yêu cầu xóa bỏ vào năm 2017.
Trước đây, quân đội Indonesia mô tả việc kiểm tra là quan trọng để xác định "đạo đức" của các nữ tân binh. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo rằng chiếc màng này "không có giá trị khoa học" và cũng không phải dấu hiệu đáng tin cậy cho giá trị mà nó đại diện.
Phát biểu ngày 10/8, ông Andika Perkasa, tham mưu trưởng quân đội Indonesia, tuyên bố các hoạt động này đã không còn diễn ra trong quân đội nước này nữa. Trước đó, chính ông Andika cũng nói rằng việc tuyển dụng trong quân đội sẽ được bình đẳng giữa nam và nữ giới.
Trong khi đó, ông Julius Widjojono, người phát ngôn lực lượng Hải quân, cho biết họ sẽ chỉ kiểm tra xem các nữ tân binh có mang thai hay không. Việc kiểm tra trinh tiết cũng đã hoàn toàn bị loại bỏ. Ngoài ra, cả nam giới và phụ nữ sẽ trải qua các bài kiểm tra tương tự nhau.
Lực lượng Không quân Indonesia cho biết họ có tiến hành các cuộc kiểm tra với nữ giới nhưng chỉ để phát hiện u nang hoặc các biến chứng khác có thể ảnh hưởng tới khả năng phục vụ của các nữ tân binh. Kiểm tra trinh tiết đã không còn tồn tại trong lực lượng này.
Các nhóm nhân quyền đã ngay lập tức hoan nghênh động thái của quân đội Indonesia và nhấn mạnh sẽ không còn người phụ nữ nào bị tổn thương bởi các cuộc kiểm tra đáng sợ như vậy nữa.
Tham khảo: CNN